Phát biểu tại buổi lễ, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, dự án mở rộng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục công trình rất lớn, qua địa bàn 8 quận, huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có công suất 469.000m3/ngày, lớn nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay. Khi hệ thống này vận hành, toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt trong khu vực trung tâm Thành phố với tổng diện tích 3.000ha (khoảng 3,4 triệu dân) sẽ được thu gom, xử lý tại đây, không xả trực tiếp ra kênh. Như vậy, việc ô nhiễm kênh Tàu Hủ – Bến Nghé sẽ được xử lý.
Dự án cải thiện môi trường nước Thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 11.300 tỉ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 9.850 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 1.450 tỉ đồng.
Dự án có mục tiêu hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, giải quyết tình trạng ngập tại các điểm ngập trong lưu vực; nạo vét, cải tạo các tuyến kênh Tàu Hũ, Bến Nghé, Kênh Ngang số 1,2,3 và một phần kênh Hàng Bàng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã biểu dương chủ đầu tư, các cơ quan ban ngành liên quan đã cố gắng hoàn thành, đạt được những kết quả tốt. Đồng thời cảm ơn các tổ chức, hộ dân ảnh hưởng đến dự án trong thời gian triển khai.
Theo ông Lương Minh Phúc, những năm qua, tình trạng ngập lụt các tuyến đường chính vào mùa mưa và ô nhiễm nước ở các sông, hồ và kênh rạch là vấn đề gây nhức nhối của TP.HCM và ngày càng trở nên trầm trọng trước sức ép từ việc gia tăng dân số. Tuy nhiên, hạ tầng hệ thống xử lý nước thải tại địa phương vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Vì vậy, cải thiện hạ tầng hệ thống thoát và xử lý nước thải là việc cấp thiết cần được ưu tiên giải quyết.
“Dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hệ thống thoát và xử lý nước thải của TP.HCM, qua đó giúp nâng cao năng lực xử lý nước thải và giảm thiệt hại do ngập lụt, góp phần cải thiện môi trường nước nói riêng và môi trường đô thị của Thành phố nói chung”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, sau khi giai đoạn 2 hoàn thành, dự án còn giai đoạn cuối cùng là mở rộng phạm vi xử lý nước thải thêm khoảng 1.600ha khu vực quận 7, 8 và Nhà Bè, dân số khoảng 900.000 người. Khi giai đoạn này hoàn thành, nước thải sinh hoạt của toàn bộ lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ sẽ được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường…
Ngoài nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng còn có 2 nhà máy khác là Tham Lương – Bến Cát (công suất 131.000m3), Bình Hưng Hoà (30.000m3). Hiện tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TP.HCM mới đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày. Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) công suất 480.000m3/ngày đang được xây dựng.
Nguồn: nongnghiep.vn