Vụ mùa 2024, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) gieo cấy lúa đạt 8.000ha, trong đó hơn 80% là giống lúa chất lượng cao. Hiện, lúa đang trong thời kỳ trỗ bông đến chín sữa, vấn nạn chuột hoành hành vẫn là nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất và kinh tế của bà con trên địa bàn.
Bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, nạn chuột gây hại lúa và rau màu tại xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa nói riêng và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung thời gian gần đây có dấu hiệu tăng.
Ngoài việc gây hại cây trồng, theo bà Hằng chuột còn cắn phá để mài răng làm ảnh hưởng đến nguyên liệu, vật liệu, vật dụng gia đình, các công trình như thủy lợi, văn hoá, giao thông,… Các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, một con chuột trung bình có thể ăn đến 13 – 20kg thóc/năm, gây thất thoát lớn về mặt kinh tế.
Nắm bắt được vấn đề này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội phối hợp chính quyền địa phương thực hiện mô hình thử nghiệm, tập huấn diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt trên đồng ruộng địa phương. Theo đó, bà con nông dân xã Đông Lỗ được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chi tiết về lý thuyết, thực hành sử dụng bẫy bán nguyệt để diệt chuột trên đồng ruộng cũng như cách sử dụng hiệu quả cao đối với loại bẫy này.
Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, khả năng sinh sản của chuột rất lớn, một đôi chuột đồng sau 1 năm có thể sinh ra được trên 2.000 con. Vì vậy, việc đặt bẫy phải được thực hiện thường xuyên nhằm giảm thiểu tối đa số lượng chuột trên đồng ruộng, từ đó đảm bảo năng suất cây trồng và kinh tế cho người dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh việc lây lan bệnh dịch hạch nguy hiểm”.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội mỗi vụ thực hiện một đợt diệt chuột tập trung bằng thuốc, nhưng với tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đô thị hóa nhanh, dẫn đến một số địa phương có nhiều diện tích xen kẹt, tạo điều kiện lý tưởng cho chuột cư trú và phát triển thành bầy đàn lớn.
Vì vậy, muốn giảm thiểu sự phá hại của chuột tại những khu chuyển đổi, khu sản xuất đa canh và vùng lân cận, ngoài những đợt diệt chuột tập trung bằng thuốc cần thhường xuyên áp dụng các biện pháp thủ công, đặc biệt là sử dụng bẫy bán nguyệt.
“Đây là tín hiệu vô cùng tích cực trong công tác phòng chống chuột gây hại cây trồng tại những địa phương có nhiều diện tích chuyển đổi trên địa bàn. Nhân đây tôi cũng đề nghị đội ngũ nông dân nòng cốt của xã đã được huấn luyện bài bản cách sử dụng bẫy bán nguyệt hãy hỗ trợ, hướng dẫn nông hộ khác trong thôn, xóm cùng áp dụng phương pháp này để bảo vệ mùa màng hiệu quả hơn.” Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội chia sẻ.
Ông Tạ Văn Song, một trong những nông dân tham gia thử nghiệm bẫy bán nguyệt chia sẻ, xã Đông Lỗ có diện tích lúa rất lớn, lên tới hơn 300ha. Cánh đồng lại bao gồm cả vùng xen kẹt, chuyển đổi đa canh nên quần thể chuột rất nhiều và đa dạng về chủng loại.
Việc chính quyền địa phương kết hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội quan tâm, tổ chức tập huấn sử dụng bẫy bán nguyệt theo ông Song đã tạo điều kiện cho bà con nông dân có thêm giải pháp an toàn, hiệu quả trong phòng, chống chuột gây hại, đảm bảo an toàn cho người dân lại bảo vệ môi trường. Bằng chứng và thực tế, sau một đêm đặt bẫy thu được kết quả với tỷ lệ chuột dính bẫy rất cao. Và với kết quả thực tế đạt được, ông Song tin tưởng năm nay bà con nông dân xã Đông Lỗ sẽ lãi lớn nhớ một vụ mùa bội thu.
Ông Song cũng hy vọng, thời gian tới chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp sẽ tổ chức thêm các hoạt động tập huấn và trao đổi kinh nghiệm đến nông dân, không chỉ liên quan đến diệt trừ chuột gây hại mà còn các vấn đề khác nông nghiệp như lựa chọn, sử dụng hiệu quả giống cây trồng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, mô hình thử nghiệm diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt năm 2024 sẽ được tiếp tục triển khai trên quy mô 200ha. Chương trình sẽ tiến hành tập huấn về công tác diệt chuột cho nông dân nòng cốt, từ đó chọn ra các tổ, nhóm chuyên thực hiện công tác diệt chuột bằng bẫy bán nguyệt tại các tổ, đội sản xuất. Kết quả thu được sẽ là cơ sở để tuyên truyền, nhân rộng đến các địa phương khác trên địa bàn.
Nguồn: nongnghiep.vn