Công trình hồ thủy điện Cần Đơn nằm trên địa bàn xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập và xã Thanh Hòa huyện Bù Đốp, một “đàn em” nằm phía dưới công trình thủy điện Thác Mơ. Kể từ khi có hồ thủy điện Cần Đơn, cuộc sống người dân quanh hồ đã khác.
Dòng sông Bé bắt nguồn từ cao nguyên tỉnh Đắk Nông, vào đến khu vực huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước, sông Bé hợp lưu với một nhánh sông Đắk G’lun (bắt nguồn từ rừng Đắk Buk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông), tạo nên vùng hồ thủy điện Thác Mơ.
Sông Bé sau đó chảy xuôi hơn 30km, tiếp tục hợp lưu với sông Đắk Quýt (bắt nguồn từ Campuchia sang) tại ngã ba Vàm, xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp. Nơi đây chính là công trình thủy điện Cần Đơn có diện tích lòng hồ 36km2, dung tích khoảng 80 triệu m3 nước, với cảnh quan lòng hồ, vùng bán ngập hùng vĩ, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Một góc hồ thủy điện Cần Đơn. Ảnh: Hồng Thủy.
Công ty Cổ phần Thủy điện Cần Đơn tiền thân là Công ty B.O.T Cần Đơn được thành lập theo Quyết định số 569/TCT/TCLĐ ngày 15/4/1998 của Tổng Công ty Sông Đà. Công ty B.O.T Cần Đơn được thành lập nhằm mục đích thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án thủy điện Cần Đơn theo ủy quyền của Tổng công ty Sông Đà.
Công trình thủy điện Cần Đơn có đập cao 44.6m, chặn dòng ngăn sông với độ dài 1.130m, độ rộng mái 7m. Đập tràn với kết cấu bê tông cốt thép, 5 khoang tràn. Nhiệm vụ chính của thuỷ điện Cần Đơn tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, còn điều tiết lưu lượng nước, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng hạ lưu vào mùa khô.
Cần Đơn là công trình thủy điện thứ hai trên dòng sông Bé đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước với 2 tổ máy, công suất phát điện đạt 77,6MW, lượng điện năng mỗi năm hơn 321 triệu KWh. Để có cao trình tích nước 110m của lòng hồ này, ngoài nguồn nước từ hồ thủy điện Thác Mơ đổ về, lòng hồ Cần Đơn còn đón nguồn nước từ sông Đắk Quýt bắt nguồn từ biên giới Campuchia chảy qua địa bàn Bù Đốp với tổng chiều dài 36km. Để có được 1.377ha diện tích mặt nước, hồ thủy điện Cần Đơn còn đón nhận nguồn nước của 7 con suối lớn nhỏ, chảy ra từ 6.500ha rừng trên địa bàn huyện Bù Đốp. Chính những con suối này khi kết nối lại, đã tạo ra hình dáng một con rồng màu vàng, nổi bật giữa nền xanh của rừng.
Ông Lê Văn Minh, ở ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp kể: Ấp có cánh đồng gần 100ha, bao đời nay vẫn chỉ canh tác được 1 vụ vào mùa mưa, vì thế, cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Từ 10 năm nay, khi có hồ Cần Đơn, rồi sau đó là hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước từ hồ về đồng ruộng, người dân trong ấp đã cấy được 3 vụ, năng suất mỗi vụ cũng cao hơn trước nhờ có nguồn nước điều tiết đều. “Nhiều năm nay, kinh tế bà con ổn định, dù làm nông khó khá giả được, nhưng không còn tình trạng thiếu ăn nữa”, ông Minh nói.

Bà Thị Nùng, vợ ông Điểu Nê cùng cậu con trai út xuống bè vớt 2 con cá lăng đã có thể xuất bán lên cho chúng tôi xem. Ảnh: Minh Sáng.
Còn ông Điểu Nê, ở thị trấn Thanh Bình, thì hồ hởi: “Nhà tôi ở đây mấy đời rồi. Ngày xưa khi chưa có cái hồ này, mọi người chỉ sống nhờ rừng và ruộng lúa thôi, nhưng mà lúa kém lắm, năm nào cũng thiếu ăn. Từ khi có kênh mương dẫn nước từ hồ vào, lúa ăn không hết. Bây giờ nhà nước đến tư vấn, chỉ cách chăm sóc, giới thiệu giống lúa mới, năng suất cao, lại có nước vào ruộng đều, nên mỗi sào được 6-7 tạ thóc đấy.
Ngoài ra, khu vực lòng hồ thủy điện Cần Đơn thuộc địa bàn xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập còn là nơi mưu sinh của nhiều hộ gia đình Việt kiều Campuchia di dân tự do, hồi hương về từ nhiều năm nay. Đa phần thuộc diện nghèo, không có đất đai, không có nhà ở, không có giấy tờ tuỳ thân, chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. “Mình từ bên Biển Hồ Campuchia hồi hương về. Hồi đó sống tự do trên hồ, chẳng có giấy tờ tùy thân, chữ cũng không biết, nên chẳng biết làm gì ngoài đánh bắt cá trên lòng hồ này. Mỗi ngày, từ 8 giờ sáng đến chiều, tôi lênh đênh trên hồ đánh bắt thủy sản. Công việc cũng hơi vất vả, nhưng đổi lại có đồng ra đồng vào ổn định nuôi sống gia đình”, anh Nguyễn Văn Hòa là một trong những hộ dân Việt kiều Campuchia hồi hương đầu tiên sinh sống tại lòng hồ thủy điện Cần Đơn, cho biết.
“Hồ Cần Đơn là nguồn cung cấp nước tưới cho gần 5.000ha đất canh tác nông nghiệp từ cây ngắn ngày cho đến dài ngày trên địa bàn huyện Bù Đốp. Đặc biệt, sau khi công trình thủy lợi sau Cần Đơn đi vào hoạt động đã giúp hàng ngàn ha đất nông nghiệp hoang hóa trong mùa khô trên địa bàn huyện Bù Đốp trở nên xanh tươi nhờ hệ thống thủy lợi dẫn nước đến từng cánh đồng”, ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bù Đốp.
Nguồn: nongnghiep.vn