
Ông Phạm Tuấn Anh: Địa phương nào quan tâm thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp hỗ trợ đều có bước đột phá. Ảnh: TCCT.
Bên cạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhiều địa phương đã chủ động dành nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ như sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính… hay công nghiệp chế tạo như ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng…
Tại Bắc Ninh, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm hơn 10% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, ngành công nghiệp điện tử với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã giúp Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp điện tử hàng đầu trên cả nước.
Hoặc tại Hải Phòng, trong tổng số gần 30 tỷ USD vốn FDI thu hút, thành phố dành hơn 50% vốn tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước trên địa bàn cũng từng bước gia nhập chuỗi cung ứng với tư cách là nhà cung ứng cấp 2, cấp 3.
Theo Bộ Công thương, ngoài 2 địa phương trên, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng chủ động ban hành các chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, đi cùng các chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhận xét, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã tham gia dần vào các chuỗi cung ứng và đạt giá trị gia tăng tương đối cao.
“Doanh nghiệp trong nước dần tự chủ được nguồn nguyên vật liệu, như trong ngành dệt may – da giày đã tự chủ được khoảng 30 – 45%, cơ khí chế tạo tự chủ nguyên liệu khoảng 30%”, ông Tuấn Anh nói.
Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… được lãnh đạo Cục Công nghiệp cho là có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thực tế chứng minh, rằng địa phương nào quan tâm đến lĩnh vực này, thì tốc độ tăng trưởng của ngành đều có bước đột phá.

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ảnh: VAMA.
Từ năm 2022, Bộ Công thương đã thành lập một tổ công tác chuyên trách vấn đề này, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực. Qua quá trình làm việc với 15 địa phương, ông Tuấn Anh nhận thấy, bộ máy phát triển công nghiệp tại địa phương còn tương đối mỏng, dẫn đến việc theo dõi và đề xuất chính sách cho lãnh đạo cấp trên thiếu kịp thời.
“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với địa phương và các doanh nghiệp FDI lớn trong việc phát triển các nhà cung cấp nội địa. Bộ Công thương đã phối hợp xây dựng 2 trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay thu hút hơn nữa nguồn lực đầu tư”, ông bày tỏ.
Một trong những vấn đề được lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu, là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ gần như không có kế hoạch sản xuất, mà phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những đơn vị sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Điều này dẫn đến tài sản của doanh nghiệp không lớn, khó khăn khi đi vay vốn.
Bên cạnh việc tham mưu xây dựng những chương trình tín dụng ưu đãi, Phó cục trưởng Tuấn Anh cho rằng nên có những ràng buộc với các doanh nghiệp FDI trong công tác phát triển tỉ lệ nội địa hóa, từ đó tạo đà cho nền công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đồng tình quan điểm này, và cho biết thêm, doanh nghiệp trong nước đã chuyển dịch dần. Họ không chỉ sản xuất những linh kiện mà có hàm lượng công nghệ thấp và chỉ tập trung vào thế mạnh nhân công giá rẻ, mà đã tiến lên các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn.
“Rất nhiều doanh nghiệp đã hiểu rất rõ và áp dụng một cách thành thục các tiêu chuẩn như là 5S hay có những hệ thống để tổ chức đào tạo cho người lao động”, ông Hiếu nói.

Một số địa phương, như Hải Phòng, đã xây dựng những cụm, khu công nghiệp hỗ trợ lớn, làm đòn bẩy cho cả nền kinh tế. Ảnh: UBND Hải Phòng.
Để phát triển hơn nữa hệ thống các doanh nghiệp hỗ trợ, ông Hiếu nói sẽ hợp tác Bộ Công thương cùng các Sở Công thương để sàng lọc và lựa chọn những nhà cung ứng trên toàn quốc, đồng thời chọn ra những nhà cung ứng tiềm năng nhất, phù hợp tham gia vào chuỗi cung ứng của công nghiệp ô tô tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Toyota Việt Nam sẽ tổ chức các chuyến thăm, làm việc trực tiếp tại nhà máy, cũng như cử những chuyên gia giàu kinh nghiệm để tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng.
“Trong quá trình sàng lọc, chúng tôi chọn ra một số các nhà cung ứng ở cấp hai, cấp ba và giới thiệu họ cho các nhà cung cấp cấp một để tạo thành một chuỗi giá trị, giúp tạo lập chất lượng xuyên suốt”, ông Hiếu bày tỏ.
Ông Lê Khắc Bảo, Phó trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương TP Hải Phòng thừa nhận, doanh nghiệp trong nước gặp 3 vấn đề chính: Khả năng tài chính hạn chế; Công nghệ, thiết bị, quản trị còn gặp nhiều khó khăn; Quy mô rất nhỏ, chưa làm chủ được máy móc, thiết bị; Chất lượng nhân sự, lao động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa bắt kịp với mặt bằng chung của thế giới.
Kiến nghị Bộ Công thương xem xét thành lập trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố, ông Bảo cũng đề xuất rằng, khi các doanh nghiệp lớn Hải Phòng thì nên có một số ràng buộc về chuyển giao công nghệ, hoặc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi.
“Hải Phòng đặt mục tiêu cho chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn sản xuất”, ông nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn