Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lúc 13h ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 19,8 độ vĩ bắc; 111,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 450km về phía đông đông nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20km/h.
Từ đêm 6/9 và gần sáng ngày 07/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7/9).
Tất cảTổng thuậtMới nhấtCũ nhất
Tránh để người dân mất điện trong thời gian bão đổ bộ
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa chỉ đạo Tập đoàn EVN phối hợp với VNPT, Viettel khẩn trương xây dựng phương án dự phòng trong việc cung cấp và đảm bảo hệ thống điện trong trường hợp cần thiết cần có phương án dự phòng, tránh để tình trạng người dân, nhất là khu vực đô thị, bị mất điện trong thời gian xảy ra bão vào đất liền.
Hải Phòng
Kiểm tra chung cư cũ xuống cấp, công trình đang thi công
Ngày 6/9, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng – dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại quận Hải An và quận Ngô Quyền. Đây là những nơi thường bị ảnh hưởng nặng bậc nhất của Hải Phòng khi bão đổ bộ, do có nhiều chung cư đã xuống cấp và các tuyến ven biển, đê biển chưa hoàn chỉnh.
Cụ thể, quận Hải An đoàn công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó bão tại cảng Nam Đình Vũ, công trình tuyến đê biển, khu vực tàu thuyền neo đậu. Địa bàn quận Ngô Quyền, kiểm tra các Khu Chung cư cũ xuống cấp; cống Máy Điện, khu vực đang thi công cầu May Chai (khu vực tàu thuyền neo đậu ở Cảng).
Sau khi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Thành phố, nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3. Lãnh đạo các quận tập trung cao cho công tác chỉ đạo, bám sát địa bàn, kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và nguồn nhân lực; đảm bảo an toàn cho người dân.
Đối với các khu nhà nguy hiểm, thực hiện di dời nhân dân đúng theo chỉ đạo đã ban hành và có phương án bảo vệ tài sản khi di dời; lưu ý kiểm tra đảm bảo an toàn một số công trình xây dựng, đảm bảo cấp nước, tăng cường các biện pháp phòng chống bão cắt cây, tỉa cành, khơi thông dòng chảy… để ứng phó hiệu quả với bão số 3, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.
Giám sát vệ sinh chất lượng nước mùa mưa lũ
Để ứng phó với tình hình mưa lũ trong năm 2024, nhằm đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng tránh nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải, góp phần phòng chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân, Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch vệ sinh môi trường, đảm bảo nước sạch và quản lý chất thải y tế trước mùa bão lũ.
Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ y tế và người dân thực hiện các biện pháp chuẩn bị, sẵn sàng với ứng phó với tình trạng mưa lớn, bão, lũ, chuẩn bị các vật dụng chứa nước sạch, phương tiện, dụng cụ xử lý môi trường, xử lý nước; thu gom, quản lý chất thải y tế, đảm bảo vệ sinh cá nhân… theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bố trí nhân lực, đảm bảo dự trữ và cung cấp đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị xử lý nước, xử lý môi trường. Xây dựng các phương án chuẩn bị xử lý nước, vệ sinh môi trường; phương án bảo đảm an toàn các công trình, thiết bị xử lý chất thải y tế và thực hiện quản lý chất thải y tế theo quy định hiện hành.
Khi có bão lũ xảy ra, Cục Quản lý Môi trường y tế đề nghị tổ chức các đoàn công tác của ngành y tế thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình ngập lụt, tình hình vệ sinh môi trường và quản lý chất thải trong các cơ sở y tế trên địa bàn, tăng cường giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Theo công văn, cần chủ động cấp hóa chất xử lý nước, môi trường; triển khai thau rửa và khử trùng bể chứa, dụng cụ chứa nước ăn uống, sinh hoạt bằng chế phẩm khử khuẩn đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại các vùng bị ngập lụt.
Hà Nội
Di dời hộ dân sống ở nơi nguy hiểm
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài vừa ký ban hành Điện hỏa tốc của Thường trực Thành ủy về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn.
Văn bản nêu rõ, theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, cơn bão số 3 (YAGI) trên biển Đông hiện đang di chuyển nhanh, có cường độ rất mạnh, diễn biến phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, có khả năng cao ảnh hưởng trực tiếp đến TP Hà Nội.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền và toàn hệ thống chính trị của TP khẩn trương tăng cường thông tin về diễn biến và tính chất nguy hiểm, phức tạp của cơn bão số 3.
Tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, người dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Điện của Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu đề cao cảnh giác, thường xuyên quan tâm, theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình của bão và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, nhất là tại các khu vực ven sông, bệnh viện, trường học, khu vực tập trung đông dân cư và các cơ quan, doanh nghiệp.
“Chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân”, văn bản nêu.
Điện của Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương chủ động nắm sát tình hình bão để tập trung kịp thời thực hiện tốt các nhiệm vụ ứng phó.
“Theo dõi sát tình hình bão, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng khai thác và ngăn nguy cơ ngập lụt từ lũ rừng ngang; đảm bảo dự trữ, cung ứng hàng hoá, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu của người dân.
Chủ động kích hoạt các trạm bơm tiêu để đón trước các khu vực trọng điểm tiêu úng; triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập, đê điều, nhất là khu vực các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất…”, Thường trực Thành ủy yêu cầu.
Nguồn: nongnghiep.vn