Đến cuối tháng 11/2024, huyện Chợ Đồn và TP. Bắc Kạn đã công bố hết dịch. Toàn tỉnh có 75/102 xã, phường, thị trấn (chiếm khoảng 70%) đã công bố hết dịch.
Tại huyện Chợ Đồn, lúc cao điểm, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở 18/20 xã, gây thiệt hại lớn. Sau nhiều tháng kiên trì chống dịch, đến nay tất cả các xã đã không còn dịch. Hiện, tổng đàn lợn của huyện khoảng 25.000 con, người dân đã bắt đầu tái đàn.
Bà Trần Thị Miên, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT Chợ Đồn cho biết, để tái đàn hiệu quả, huyện đã hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn thực hiện kê khai với chính quyền cơ sở. Khi người chăn nuôi nhập lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh đã được tiêm phòng vacxin phòng bệnh tả lợn Châu Phi và các loại vacxin khác theo quy định.
Đối với con giống nhập ngoài tỉnh phải có giấy kiểm dịch (có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh tả lợn Châu Phi), lợn giống mới nhập về nuôi cách ly ít nhất 14 ngày mới cho nhập đàn. Người dân tổ chức tốt việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trạị, dụng cụ chăn nuôi để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi
Dịch xuất hiện tại thành phố Bắc Kạn từ tháng 7, sau đó lan rộng ra toàn bộ 8/8 xã, phường. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay địa phương này cũng đã không còn dịch.
Tính đến cuối 11/2024, dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại cho hơn 4.000 hộ chăn nuôi ở 719 thôn, 102 xã ở tất cả các huyện, thành phố. Đến tháng 10, dịch bắt đầu giảm dần, cuối tháng 11 dịch tạm lắng, toàn tỉnh có 75 xã công bố hết dịch, 21 xã đã qua 21 ngày không phát hiện ca mắc mới.
Ông Hà Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Quang Phong (huyện Na Rì) cho biết: Người dân trong xã chủ yếu nuôi nhỏ lẻ nên dịch bệnh gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi, sau khi công bố hết dịch, xã đã tuyên truyền người dân tái đàn. Một số chương trình hỗ trợ chăn nuôi thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã triển khai trở lại.
“Dù chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, nhưng đây là nguồn thu nhập quan trọng của một bộ phận người dân ở nông thôn. Việc khống chế được dịch sẽ giúp người dân có điều kiện tái đàn, phục hồi kinh tế từ đó nâng cao thu nhập”, ông Huấn chia sẻ.
Dịch tả lợn Châu Phi đã tạm lắng, nhưng tỉnh Bắc Kạn vẫn đang triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý dứt điểm những ổ dịch ở các xã còn lại, ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện trở lại ở những địa phương đã công bố hết dịch.
Với những xã chưa hết dịch, huy động các nguồn lực, kịp thời hỗ trợ vật tư, hóa chất để xử lý dứt điểm, không để phát sinh ổ dịch mới. Các địa phương thực hiện tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết theo đúng quy định, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Đối với những xã chưa công bố hết dịch, trường hợp cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn, nhập đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện để xảy ra dịch bệnh, UBND xã xử lý vi phạm hành chính, đồng thời không hỗ trợ kinh phí tiêu hủy, chủ cơ sở phải tự bỏ kinh phí để tiêu hủy lợn bệnh dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.
Chính quyền cơ sở rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vacxin phòng bệnh tả lợn Châu Phi, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hộ chăn nuôi lợn chưa tiêm phòng vacxin khẩn trương thực hiện.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, các địa phương khẩn trương cấp kinh phí hỗ trợ đến người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh động vật từ thời điểm ngày 01/01/2024 đến 31/8/2024 theo Quyết định số 1855/QĐ-UBND ngày 25/10/2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
Nguồn: nongnghiep.vn