Đây là một trong những niềm tự hào mà bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam về những “quả ngọt” lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) đã đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Đóng góp của khoa học công nghệ
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong sản xuất lúa gạo, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và hiện vẫn giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ (KHCN), thưa bà?
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đóng góp quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, lương thực toàn cầu đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam đã thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới, điển hình là xuất khẩu gạo, trong nửa đầu tháng 11/2023, cả nước đã xuất khẩu 332.214 tấn gạo, trị giá 219 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/11/2023, cả nước đã xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, mang về 4,15 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gạo đã vượt xa 7,1 triệu tấn, trị giá đạt 3,45 tỷ USD năm 2022. Trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana… là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng tại một số thị trường gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2022.
“Người dân và doanh nghiệp cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, cơ giới hóa đồng bộ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) chia sẻ.
Có được những thành quả như vậy là có sự đóng góp không nhỏ của KHCN, điển hình như: Giống lúa, nói đến yếu tố tăng năng suất cây trồng thì giống là yếu tố được nhắc đến đầu tiên. Các nhà chọn tạo giống Việt Nam đã làm chủ công nghệ và chọn tạo được bộ giống lúa (lúa thuần, lúa lai) rất đa dạng, phù hợp cho từng vùng, từng mục tiêu cụ thể, như: Bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; giống lúa chịu phèn, mặn thích ứng với biến đổi khí hậu; giống lúa năng suất cao phục vụ chế biến…
Đến nay, các giống lúa do các nhà khoa học Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha, chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước.
Năm 2018, hai giống lúa OM 6976 và OM5451 của PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa và cộng sự chọn tạo là 1 trong 8 công trình được tôn vinh trong Chương trình “Vinh quang Việt Nam – Dấu ấn những công trình” bên cạnh các công trình như Đường Hồ Chí Minh, đường dây 500kV Bắc – Nam, nhà máy Thủy điện Hòa Bình… Đây là các giống có năng suất và chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Riêng giống lúa OM5451 có thời điểm đã được gieo trồng trên diện tích gần 1 triệu ha ở ĐBSCL.
Về quy trình canh tác, các kỹ thuật tham gia vào quy trình canh tác lúa tổng hợp đã được phát triển khá đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Quy trình sử dụng phân bón cân đối, từ liều lượng và tỷ lệ, bón đúng thời kỳ, đúng cách, đúng chủng loại và phù hợp về dạng phân bón cho mỗi vùng đặc thù đã được ứng dụng, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân; các kỹ thuật canh tác giảm lượng giống gieo sạ, bón phân hợp lý, áp dụng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, sử dụng nấm đối kháng để quản lý dịch hại… cũng góp phần không nhỏ cho những kết quả hôm nay của ngành hàng lúa gạo.
Về công nghệ thu hoạch, sau thu hoạch, đã nghiên cứu và làm chủ được các công nghệ thu hoạch, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong tất cả các khâu, nhằm giảm tổn thất trong thu hoạch và sau thu hoạch; áp dụng hệ thống sấy hiện đại và bảo quản lúa gạo trong silo với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài nhưng vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các sản phẩm dinh dưỡng, dược mỹ phẩm từ gạo mang lại giá trị gia tăng cũng được quan tâm nghiên cứu hoàn thiện. Các sản phẩm liên quan đến sử dụng phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu…) được đầu tư nghiên cứu tạo các sản phẩm như thành viên đốt, thức ăn khô dự trữ cho gia súc, phân bón… không những góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất lúa mà còn góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Như bà chia sẻ, KHCN thực sự là giải pháp then chốt giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng với năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất lợi. Tuy nhiên hiện nay việc ứng dụng KHCN trong ngành lúa gạo dường như vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, thưa bà?
Việc ứng dụng KHCN nói chung và trong ngành lúa gạo nói riêng vẫn còn một số khó khăn. Để tháo gỡ những “điểm nghẽn”, cần có hệ thống giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên một số vấn đề nổi cộm mà hiện dư luận xã hội quan tâm, cũng như cộng đồng các nhà khoa học đang rất mong muốn, đó là đổi mới cơ chế đầu tư từ ngân sách cho KHCN, cần thay đổi phương thức đầu tư thông qua các quỹ, giảm thủ tục hành chính; có cơ chế giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước cho cơ quan chủ trì để nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các sản phẩm vào sản xuất. Việc thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước nên thông qua các hình thức tái đầu tư, các hình thức thuế khi sản phẩm được thương mại hóa.
Có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản, có lộ trình dài hơi; tạo môi trường nghiên cứu ổn định, minh bạch, điều kiện làm việc thuận lợi để các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu khác thành lập và vận hành có hiệu quả nhằm thu hút, giữ chân các nhà khoa học gắn bó lâu dài với đơn vị nghiên cứu của mình.
Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức KHCN công lập đảm bảm giao quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm, trên sơ sở đó, tập trung đầu tư đúng, đầu tư đủ để nâng cao tiềm lực của các tổ chức KHCN công lập, tránh dàn trải, trùng lặp.
Cần quan tâm hơn đến cơ chế chính sách
Một số ý kiến cho rằng, nhiều nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng còn ở lý thuyết, chưa bám sát thực tế, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
Trong các chương trình KHCN của Bộ NN-PTNT, công tác đặt hàng nhiệm vụ KHCN luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm. Các nhiệm vụ KHCN của Bộ được đặt hàng đến sản phẩm cuối cùng là giống, quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào được các cấp có thẩm quyền công nhận để ứng dụng chuyển giao ngay vào thực tiễn sản xuất.
Đối với nghiên cứu lúa gạo cũng tương tự, hiện tại chúng ta có bộ giống lúa rất phong phú, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn sản xuất, bao gồm: Bộ giống lúa năng suất, chất lượng cao mang các tính trạng kháng sâu, bệnh, tính chống chịu tốt phục vụ sản xuất; bộ giống phù hợp với vùng sinh thái, đồng thời tạo nguyên liệu phục vụ chế biến, chế biến sâu các sản phẩm từ gạo…
Bên cạnh đó, có nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa đang được người dân áp dụng phổ biến cũng xuất phát từ các công trình nghiên cứu. Đây là những đóng góp từ KHCN cho kết quả đạt được của ngành hàng lúa gạo trong những năm qua và đặc biệt là năm 2023.
Đúng là, không phải công trình khoa học nào cũng được ứng dụng ngay vào thực tiễn sản xuất, trong nghiên cứu, tính kế thừa, tính tích lũy là rất quan trọng. Nhiều sản phẩm, giống cây, con… đôi khi phải mất nhiều năm, nghiên cứu trải qua nhiều giai đoạn mới ra được sản xuất. Nhưng không phải giống lúa nào sau khi được nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất cũng trở thành giống chủ lực, qua một vài năm do nhu cầu thực tiễn của sản xuất hay tính bền vững của tính trạng, tính thích ứng với điều kiện sinh thái có thể bị suy giảm, không còn phù hợp.
Một số giống tốt sẽ tiếp tục được sản xuất; giống chưa đáp ứng được yêu cầu sẽ cần phải được đánh giá và đưa ra khỏi danh mục một cách minh bạch để bà con nông dân biết và lựa chọn những giống mới, tiên tiến hơn.
Theo bà, chúng ta phải làm gì để các nghiên cứu KHCN thực sự gắn liền với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao?
Tôi nghĩ, cơ chế chính sách là vấn đề then chốt cần được quan tâm. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ quản về cơ chế chính sách cho nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo, cần sớm bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật từ việc sửa Luật Khoa học Công nghệ, Nghị định và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật để đảm bảo thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo từ khu vực tư nhân, khối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Thay đổi cơ chế về giao tài sản là kết quả hình thành từ thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước; giao quyền cho các tổ chức chủ trì để sớm chuyển giao vào thực tiễn sản xuất.
Xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ, cán bộ trẻ có năng lực trong ngành nông nghiệp.
Xây dựng mối quan hệ hợp tác quốc tế bền chặt, song phương, đa phương để kế thừa các kết quả nghiên cứu của các quốc gia phát triển, tiếp nhận và ứng dụng vào Việt Nam.
Doanh nghiệp nên “đặt hàng” các nhà khoa học
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu, KHCN tất yếu phải đi đầu. Đâu là định hướng của KHCN trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện thành công Đề án này, thưa bà?
Bộ NN-PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn tổ chức triển khai Đề án; phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Đề án.
Chắc chắn rằng việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu của Đề án, trong đó có: Nghiên cứu, chọn tạo và phát triển các giống; các biện pháp kỹ thuật; xây dựng và hoàn thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển theo chuỗi giá trị tuần hoàn.
Chuyển giao công nghệ và khuyến nông: Phổ biến và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác lúa như SRI, tưới ướt khô xen kẽ, “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”; chủ động chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang lúa – tôm hoặc lúa – cá.
Trong định hướng như bà chia sẻ, theo bà, doanh nghiệp và người nông dân cần phải “chung tay góp sức” như thế nào?
Từ nhận thức đến hành động, doanh nghiệp, bà con nông dân phải luôn xác định, việc ứng dụng chuyển giao KHCN được coi là sự sống còn của doanh nghiệp, là công cụ tất yếu để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến sẽ giúp doanh nghiệp, bà con nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, các giống mới và quy trình canh tác tiên tiến còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Người dân và doanh nghiệp cần liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, cơ giới hóa đồng bộ.
Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các nhà khoa học để tiếp nhận những sản phẩm KHCN ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đặt hàng với các nhà khoa học những vấn đề mà thực tiễn đặt ra; hình thành khối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia chuỗi đến sản phẩm cuối cùng.
Xin cảm ơn bà!
“Nhiều sản phẩm, giống cây, con… đôi khi phải mất nhiều năm, nghiên cứu trải qua nhiều giai đoạn mới ra được sản xuất. Nhưng không phải giống lúa nào sau khi được nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất cũng trở thành giống chủ lực, qua một vài năm do nhu cầu thực tiễn của sản xuất hay tính bền vững của tính trạng, tính thích ứng với điều kiện sinh thái có thể bị suy giảm, không còn phù hợp”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) nói.
Nguồn: nongnghiep.vn