Tại Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” diễn ra tại Hòa Bình ngày 6/12, ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) thông tin, có 6 thị trường chính đã mở cửa cho cây ăn quả Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quy định chung về kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm ở thị trường xuất khẩu gồm: Phải được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu; không nhiễm các sinh vật gây hại bị cấm; đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô hàng xuất khẩu; đóng gói, dán nhãn đáp ứng yêu cầu của các thị trường; kiểm tra kiểm dịch thực vật tại cảng đến.
Ngoài ra, mỗi thị trường lại có những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, Hoa Kỳ cấm các sinh vật gây hại trên bưởi như ruồi đục quả, sâu đục quả, một số loại nấm. Trong khi đó, New Zealand lại cấm thêm rầy chổng cánh, rệp sáp, bọ trĩ, nhện đỏ…
Hàn Quốc cũng là thị trường đã mở cửa với quả bưởi lại yêu cầu cơ sở xử lý hơi nước nóng phải đặt trong cơ sở đóng gói và được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt. Việc xử lý phải được thực hiện dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hàn Quốc và Việt Nam. Với thị trường EU, nơi có yêu cầu khắt khe bậc nhất thế giới lại không cần đánh giá nguy cơ dịch hại và không cần có phê duyệt chính thức từ cơ quan có thẩm quyền của phía EU trước khi xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, EU yêu cầu quả có múi phải được xử lý bằng dung dịch Calcium Hypochlorid hoặc Sodium hypochlorid (nồng độ 200ppm, thời gian tối thiểu 2 phút) tại các cơ sở xử lý được phép hành nghề do Cục BVTV cấp.
Cũng theo ông Chiến, đối với thị trường xuất khẩu trọng điểm Trung Quốc, chỉ được xuất khẩu qua một số cửa khẩu được chỉ định. Cùng với đó, bao bì đóng gói phải sạch sẽ, chưa qua sử dụng. Mỗi hộp đóng gói phải được dán bằng chữ tiếng Trung Quốc hoặc tiếng Anh theo quy định.
Tin vui cho những người sản xuất trái cây là dự kiến trong năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh leo xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Cùng với đó, ổi, chanh và mít đã được Cục BVTV gửi hồ sơ mở cửa thị trường cho phía bạn. Ngoài ra, quả vải cũng đang hoàn tất hồ sơ để sang thị trường Hàn Quốc.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đánh giá, Trung Quốc đã và đang là thị trường xuất khẩu số một của cây ăn quả Việt Nam. Vấn đề lớn nhất trong xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là hai bên chưa thống nhất được các quy trình kiểm dịch, dẫn đến thời gian thông quan kéo dài. Ngoài ra, một số sản phẩm chưa được tái ký Nghị định thư, cũng như còn chịu tần suất kiểm tra rất cao.
Bên cạnh Trung Quốc, ông Hòa khuyến nghị các đơn vị nên khai thác những thị trường mà Việt Nam đã ký FTA như EU. Cùng với đó, người sản xuất nên chú ý đến mức dư lượng thuốc BVTV, vệ sinh an toàn thực phẩm khi đưa sản phẩm ra nước ngoài.
PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhận xét, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình dài phát triển. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả nổi bật như hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, chủ động nghiên cứu ra các giống cây ăn quả cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Các đơn vị sản xuất đẩy mạnh nghiên cứu chế biến nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, các địa phương đã phải trả giá nhất định, trong đó có việc suy thoái đất, ô nhiễm môi trường. Do đó, để phát triển bền vững cây ăn quả, các địa phương cần rà soát kỹ diện tích trồng cây ăn quả lâu năm, đồng thời tuân thủ, chấp ngành nghiêm những chỉ đạo, quy hoạch của Bộ NN-PTNT. Đặc biệt, không lấy diện tích làm mục tiêu tăng trưởng cho cây ăn quả. Bên cạnh đó, cần lựa chọn kỹ lưỡng giống cây ăn quả phù hợp với từng địa phương, bám sát tín hiệu của thị trường trong và ngoài nước để tổ chức sản xuất phù hợp.
Nguồn: nongnghiep.vn