Vào dịp cuối năm, khi lúa trên rẫy đã gùi về, không khí ở bản làng trở nên nhộn nhịp. Đó cũng là dịp đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở khắp các huyện Hướng Hóa, Đakrông (tỉnh Quảng Trị) gói bánh beng để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.
Nguyên liệu chính để gói bánh beng là gạo nếp. Gạo được cho vào cối, trai gái thi nhau giã. Nhiệm vụ gói bánh beng thường được giao cho các mẹ, các chị có đôi bàn tay khéo léo.
Người Vân Kiều tại huyện Hướng Hóa cho rằng, bánh beng là biểu tượng của tình thân, tình yêu, câu chuyện về thần lúa theo quan niệm của đồng bào. Bánh beng cũng tượng trưng cho sự thuần khiết của lúa – hạt ngọc của trời; thể hiện lòng tôn kính, lòng biết ơn của đồng bào với đất trời, với thiên nhiên; là tấm lòng yêu thương của đồng loại giữa non ngàn.
Bà Hồ Thị Đanh, 62 tuổi, dân tộc Vân Kiều ở thôn Trăng – Tà Puồng, xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) cho biết, nếu không có bánh beng trong mâm lễ của người Vân Kiều thì cũng như người Kinh không có bánh chưng, bánh tét trong mùa lễ tết.
“Gia đình, dòng họ luôn giáo dục con cháu giữ gìn truyền thống của dân tộc mình. Giữ bánh beng là giữ văn hóa, còn văn hóa Vân Kiều thì còn người Vân Kiều”, bà Đanh chia sẻ.
Còn bà Kăn Nghệ, dân tộc Pa Kô ở thôn Cu Tài, xã A Bung (huyện Đakrông) cho rằng, bánh beng thể hiện tình yêu, sự tôn kính của đồng bào đối với thần lúa. Khi tuốt lúa trên nương trên rẫy về thì phải biết nhớ ơn thần lúa, việc này xưa nay người Pa Kô vẫn duy trì. Hạt lúa nào tốt nhất đem giã làm cơm, gói bánh cúng thần lúa, trước là tạ ơn, sau mong thần giúp cho mùa sau cây cối nhiều trái, cây lúa nhiều hạt.
Có nhiều giai thoại về nguồn gốc của bánh beng. Có người kể rằng, ngày xưa giữa núi rừng Trường Sơn cây cối âm u, thú dữ rất nhiều có hai chị em mồ côi sinh sống, họ hết mực thương yêu nhau. Một ngày, người chị đi vào núi rồi từ đó không trở về, người em nhớ chị khóc cạn nước mắt. Từ cây lúa hai chị em trồng, người em bóc hạt lúa, lấy gạo nếp gói bánh đợi chị về. Màu xanh của chiếc bánh beng tượng trưng cho niềm hy vọng của người em, hạt lúa nếp trắng phau tượng trưng cho tấm lòng tinh khiết, trong trắng của con người. Cũng chính vì thế, gói bánh beng người ta không dùng nhân, không dùng nhụy, chỉ độc nhất gạo nếp hạt to tròn, trắng mẩy.
Còn già Giả Hương, 92 tuổi, dân tộc Vân Kiều, ở bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông kể rằng, ngày xưa ở bản làng có một đôi trai gái nhà ở cạnh nhau, từ nhỏ hai người quấn quýt. Chàng trai người cao lớn nước da ngăm đen như cây gỗ lim, cô gái tóc dài như suối, da trắng như hạt gạo. Chàng trai đem lòng yêu cô gái nhưng cô gái chỉ xem chàng trai như anh trai của mình. Cô gái yêu chàng trai bản làng bên.
Trước ngày đám cưới, chàng trai bày tỏ nỗi buồn với mẹ. Thương con, mẹ chàng trai lấy lá rừng gói gạo nếp nấu bánh rồi nói với chàng trai: Mẹ biết tấm lòng của con, nhưng tình thương của cô gái mà con thương trong trắng như suối nguồn, thơm tho như hạt gạo, người xem con như anh trai thì con cũng nên xem người là em gái. Mẹ gói bánh này cũng để nói lên điều đó, con mang nó cho em gái của mình. Đêm đám cưới cô gái, chàng trai mang bánh sang nhà như lời mẹ bảo, dọc đường đi, chàng trai thẩn thờ nhìn những chiếc bánh bóc khói mà cay xè đôi mắt, miệng lẩm bẩm, ngày mai người ta đã đi lấy chồng…
Bánh beng là sản vật, ẩm thực đặc trưng
Bánh beng là một trong những sản vật, ẩm thực đặc trưng trong đời sống đồng bào Pa Kô, Vân Kiều tại các huyện núi cao Hướng Hóa, Đakrông. Bánh beng tạo nên hương vị đặc biệt cho cuộc sống. Nó là truyền thống văn hóa, cầu nối giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên, đất trời đặc biệt mỗi dịp lễ tết.
Nguồn: nongnghiep.vn