Thao tác nhanh, kết quả sớm
Lắc đều chiếc túi zip nilon chứa dung môi và mảnh giấy nhám đã mài kỹ vào lá cây cam, TS Đỗ Duy Hưng dừng tay rồi nhỏ vài giọt iot đậm đặc vào trong túi. Chưa đầy nửa phút sau, dung dịch chuyển từ màu xanh lá cây nhạt sang màu đen kịt, TS Hưng nói, đó là dấu hiệu nhận biết lá mẫu đã nhiễm bệnh Greening.
Hiện nay, Iodine là 1 trong 3 loại kit giám định bệnh Greening cho cây ăn quả có múi tại Việt Nam do Viện Bảo vệ thực vật nghiên cứu sản xuất. Ngoài ra còn có cách xác định bệnh Greening bằng mắt thường, quan sát biểu hiện triệu chứng trên các bộ phận như lá, quả, cành… dành cho những chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn về bệnh Greening.
Kit Iodine được Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, ứng dụng từ gần 20 năm trước nhưng chính thức được công nhận từ năm 2021. Nguyên lý hoạt động của bộ kit này rất đơn giản. Lá cây nhiễm Greening tích tụ nhiều tinh bột hơn lá khỏe mạnh, tinh bột lại phản ứng với iot. Thế nên nếu dung môi chuyển sang màu đen là nhiễm bệnh, không đổi màu là khỏe mạnh. Còn lý do lá nhiễm bệnh có nhiều tinh bột hơn lá khỏe mạnh là do bị rối loạn enzym amylase vốn có chức năng chuyển hóa tinh bột thành đường.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, một trong những ưu điểm lớn nhất của kit Iodine là dễ thao tác và cho kết quả nhanh.
“Việc không đòi hỏi dụng cụ chuyên ngành hay phòng thí nghiệm để sử dụng giúp bộ kit này dễ tiếp cận, gần như ai cũng có thể sử dụng”, TS Ngọc cho biết.
Cụ thể, sau khi mở bộ kit, người dùng cần mài mặt lá vào tấm giấy nhám khoảng 30 – 40 lần để lấy mẫu. Sau đó hòa tan mô lá vào 1ml nước trong túi zip nhỏ, chờ mô lá tan đều rồi nhỏ iot vào túi. Đợi 30 giây và đọc kết quả.
Nếu dung dịch giữ màu xanh của dịch lá: Âm tính với bệnh vàng lá Greening. Nếu dung dịch chuyển sang màu đen, nâu đen: Dương tính với bệnh vàng lá Greening.
Những thao tác đơn giản này có thể được bà con nông dân thực hiện nay tại ruộng đồng để tìm ra những khu vực cây đã nhiễm bệnh Greening.
“Biểu hiện của bệnh Greening là lá cây bị vàng. Tuy nhiên, nếu không phải chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật thì khó có thể nhận biết dấu hiệu bằng mắt thường vì có nhiều bệnh khác cũng khiến cây vàng lá”, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc giải thích thêm.
Với nhiều bệnh khác, chỉ cần tách, chăm sóc riêng thì cây có thể khỏe mạnh trở lại. Nhưng với Greening, không chỉ không chữa được mà còn có khả năng lây lan nên nếu xác định dương tính với bệnh này thì phải khoanh vùng, chặt bỏ hoàn toàn.
Đó là lý do mà bộ kit Iodine ra đời, mặc dù nó vẫn có một số hạn chế. Ví dụ như chỉ phát hiện được bệnh khi mật độ khuẩn gây bệnh đã ở mức cao, độ chính xác chỉ khoảng 80% nên phải thực hiện nhiều lần, nhiều mẫu. Ngoài ra, việc lấy mẫu cũng được các nhà khoa học khuyến cáo nên thực hiện vào sáng sớm, không thoải mái thời gian như các phương pháp khác.
Đổi lại, chi phí xác định Greening bằng kit Iodine rất rẻ, tính ra chỉ bằng vài % so với xét nghiệm PCR – phương pháp có độ chính xác cao nhất. Cùng với đó, thời gian thực hiện cũng rất nhanh, chỉ vài phút so với 12 – 24 tiếng của các phương pháp khác.
Với những ưu, nhược điểm như trên, kit Iodine được xác định chuyên dùng ngoài đồng ruộng. Đối tượng sử dụng là nông dân, không đòi hỏi chuyên môn cao, thiết bị chuyên ngành mà vẫn xác định được bệnh để có hướng xử lý kịp thời.
Mối nguy hiểm của Greening
Bệnh vàng lá Greening (vàng lá gân xanh hoặc Huanglongbing) được báo cáo lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1919. Sau đó, bệnh lan rộng và tàn phá nghiêm trọng ngành công nghiệp sản xuất cây ăn quả có múi, đe doạ nguồn gen cây ăn quả này ở các nước châu Phi, châu Á và châu Mỹ.
Theo TS Đỗ Duy Hưng, vi khuẩn gây bệnh được xác định là một prokaryote có dạng que kích thước 350nm – 550nm × 600nm – 1.500nm, tồn tại trong mạch phloem và không nuôi cấy được trên môi trường nhân tạo.
Vi khuẩn gây bệnh đã được xác định do ba loài thuộc chi Candidatus Liberibacter bao gồm: Ca. Liberibacter asiaticus (CLas), Ca. Liberibacter africanus (CLaf) và Ca. Liberibacter americanus (Clam). Trong đó, CLas là loài phổ biến ở hầu hết các vùng sản xuất cây có múi trên thế giới.
Đối với vật trung gian truyền bệnh, bệnh vàng lá Ggreening được lan truyền bởi rầy chổng cánh Diaphorina citri (truyền C. Las và C. Lam) hoặc rầy Trioza erytreae (truyền CLaf) theo kiểu truyền bền vững.
Khi nhiễm bệnh, triệu chứng điển hình là các đốm vàng không đối xứng trên nền lá xanh gân xanh hoặc các đốm xanh trên nền lá biến vàng, hiện tượng sưng phồng, hóa gỗ gân giữa cũng có thể được ghi nhận.
Trên các chồi non bị bệnh, lá nhỏ biến vàng hay đốm vàng, trở lên cứng giòn, ban đầu bệnh thường chỉ xuất hiện cục bộ trên một vài nhánh ngọn, sau lan rộng ra toàn tán cây.
Ngoài ra, trên cây nhiễm bệnh quả nhỏ, có vị đắng, độ ngọt giảm, méo mó, lệch tâm và xuất hiện hiện tượng chín ngược (vùng vỏ cuống quả biến vàng, phần dưới quả màu xanh), hạt bị đen lép và quả có thể bị rụng từ khi non đến khi thu hoạch.
Greening cũng khiến hệ thống rễ trên cây có triệu chứng phát triển kém, bệnh làm giảm đáng kể rễ thứ cấp, rễ xơ của cây khối lượng rễ có thể giảm 40 – 50% so với cây khỏe.
Cây nhiễm bệnh vàng lá Greening làm suy giảm sức sống, cây trở nên yếu, còi cọc, ra hoa trái vụ, gây hiện tượng rụng lá, chết cành. Bệnh nặng dẫn đến khô cành, chết toàn bộ cây.
Tuy nhiên, triệu chứng vàng lá của bệnh này dễ gây nhầm lẫn với một số triệu chứng bệnh do thiếu dinh dưỡng như magie, kẽm, sắt… hoặc các bệnh liên quan đến vùng rễ cây.
Riêng với bệnh Greening, cũng có đến 9 biểu hiện lâm sàng khác nhau về vàng lá, khiến người không có chuyên môn rất khó nắm bắt. Do đó, việc xác minh bệnh Greening bằng kit Iodine tại đồng ruộng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, khoanh vùng và ngăn chặn sự lây lan.
“Hiện nay, bệnh vàng lá do Greening chưa thể chữa được, nếu để tồn tại trên đồng ruộng sẽ khiến bênh lây lan. Thậm chí có nguy cơ xóa sổ cả một vùng nguyên liệu”, TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn