Hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy, hồ thuỷ điện Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy.
Mực nước lúc 7h sáng 11/9 trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,83m (dưới báo động III: 0,17m), tại Cát Khê 5,2m (trên báo động III: 0,2m); sông Kinh Thầy tại bến Bình 4,41m (dưới báo động III: 0,09m); sông Gùa tại Bá Nha 2,64m (dưới báo động III: 0,06m).
Sông Kinh Môn tại An Phụ 3,09m (trên báo động III: 0,19m); sông Rạng tại Quảng Đạt 2,82m (dưới báo động III: 0,08m), sông Luộc tại La Tiến 4,72m (trên báo động II:0,02m).
Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, 12 giờ tới, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh. Trong đó, sông Thái Bình tại Cát Khê; sông Kinh Môn tại An Phụ tiếp tục duy trì ở mức trên báo động III.
Trên sông Thái Bình tại Phả Lại, sông Kinh Thầy tại bến Bình, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao hơn báo động II và có khả năng lên báo động III vào chiều hoặc tối 11/9.
Xu hướng trên tiếp diễn đến 24 giờ tới. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại, Cát Khê; sông Kinh Thầy tại bến Bình tiếp tục duy trì ở mức trên báo động III. Trên sông Kinh Môn tại An Phụ, sông Gùa tại Bá Nha, sông Rạng tại Quảng Đạt, sông Luộc tại La Tiến tiếp tục duy trì ở mức cao trên báo động III sau biến đổi chậm.
Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương nhận định, mực nước lũ trong sông cao có thể gây ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông, khu vực trũng thấp thuộc TP Hải Dương, TP Chí Linh và các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, Kim Thành, Ninh Giang, Thanh Miện.
“Cần đề phòng lũ quét cục bộ, sạt lở đất đá ở vùng núi, vùng ven sông suối và ngập úng ở vùng trũng thấp”, Sở nhấn mạnh.
Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ trên sông Thái Bình tại Phả Lại đang là cấp 3; trên sông Thái Bình tại Cát Khê, sông Kinh Thầy tại bến Bình, sông Luộc tại La Tiến và các sông khu vực hạ lưu tỉnh cấp 2
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3, lãnh đạo tỉnh Hải Dương liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tại những điểm đê xung yếu.
Chiều 10/9, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng tới kiểm tra tại các phường: Văn An, Cổ Thành, Phả Lại và xã Nhân Huệ (TP Chí Linh). Cũng trong thời gian này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu kiểm tra tại TP Chí Linh và huyện Nam Sách, Thanh Hà.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu cơ quan chuyên môn thông báo, cảnh báo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; bố trí cán bộ trực ban 24/24 giờ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt; theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ; kịp thời báo cáo khi có sự cố, tình huống bất thường, đề cao phương châm “4 tại chỗ” khi ứng phó.
Cùng với đó, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đề xuất cấm tất cả các phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi trên đê, quản lý chặt chẽ xe chạy trên đê theo quy định; cấm hoạt động của các đò ngang; phát quang mái đê, mặt đê để bảo đảm hiệu quả công tác tuần tra canh gác đê, phát hiện các sự cố, rò rỉ, hư hỏng.
Đồng thời, đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức việc thường trực, trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định.
Các cuộc họp chưa cần thiết được đề xuất hoãn. Cấp ủy đảng và chính quyền địa phương coi công tác phòng, chống lụt là nhiệm vụ trọng tâm đột xuất để tập trung chỉ đạo, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Nguồn: nongnghiep.vn