Vào đầu tháng 6/2024, tại hộ ông Cao Văn Diện (ở bản Kè, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), phát hiện 3 con lợn thịt ốm, chết chưa rõ nguyên nhân. Đây là bản mà chủ yếu là các hộ bà con dân tộc ít người sinh sống nên đời sống vẫn đang còn nhiều khó khăn..
Qua kiểm tra thấy số lợn ốm, chết với các triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình cùng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện thực hiện tiêu hủy 3 con lợn theo đúng quy định và đã hướng dẫn các hộ dân biện pháp phòng chống bệnh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm, huyện Tuyên Hóa tiến hành tiêu hủy đàn lợn nuôi (tổng số 10 con), của gia đình ông Cao Văn Diện và công bố bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Lâm Hóa.
Tính đến giữa tháng 8, tại bản Kè, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã lây lan đến đàn lợn của 9 hộ trên địa bàn, với tổng số lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy 137 con, tổng trọng lượng trên 10.570kg,
Từ thời điểm phát hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Lâm Hóa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đã tăng cường cán bộ thú y về cơ sở. Đồng thời, trong thời gian đó, Trạm Thú y huyện Tuyên Hóa cũng đã được tái lập nên việc chỉ đạo , hướng dẫn bà con bản Kè bao vây, dập dịch có phần thuận lợi hơn.
Theo ông Cao Phương Hướng, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, địa phương này cũng là điểm dịch tái phát. Trước nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng, chính quyền địa phương phối hợp cũng các lực lượng triển khai quyết liệt các biện pháp để ngăn chặn và dập dịch.
“Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp khoanh vùng dịch, lập chốt kiểm soát, tổ lưu động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn tại vùng có dịch”, ông Cao Phương Hướng nói.
Ông Cao Phương Hướng cũng cho rằng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên các hộ dân có đàn lợn bị dịch đã chủ động khai báo và ủng hộ việc tiêu hủy để hạn chế lây lan trong khu vực.
Gia đình ông Cao Văn Nam (ở bản Kè), cũng phát triển đàn lợn trên 80 con. Đây cũng là nguồn thu lớn của gia đình qua hàng năm.
Khi phát hiện đàn lợn có dấu hiệu mắc bệnh, ông Nam báo cáo với cán bộ thú y và tự nguyện, hỗ trợ cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn. “Lúc khiêng từng con lợn đi tiêu hủy gia đình tiếc lắm chớ. Hàng trăm triệu đồng bị mất, trông thấy ai cũng xót. Nhưng vì để cứu đàn lợn của bà con mình phải làm việc để tiêu hủy chứ không đắn đo làm gì”, ông Nam bộc bạch tấm lòng.
Cùng với việc hướng dẫn, chỉ đạo tiêu hủy đàn lợn bị bệnh, lực lượng thú y cơ sở bám địa bàn, chủ động chỉ dẫn bà con cách tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực xung quanh và các tuyến đường chính tại bản Kè.
Ngoài 38 lít hóa chất mà Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình hỗ trợ, xã Lâm Hóa trích ngân sách mua 1.150kg vôi bột cho bà con sử dụng vào việc khống chế dịch bệnh.
“Bà con cũng đã được cán bộ thú y hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Đồng thời còn được hướng dẫn một số biện pháp quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi trên địa bàn”, ông Cao Hướng Phương chia sẻ thêm.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa, tính từ ngày 16/8 đến nay, trên địa bàn xã Lâm Hóa không có lợn bị bệnh hoặc chết. Tình hình dịch bệnh đã được ổn định, lợn mắc bệnh, chết tiêu huỷ cuối cùng, tính đến nay đã qua 21 ngày.
Ông Phạm Anh Minh, Trưởng phòng NN-PTNT Tuyên Hóa cho hay, đang đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thẩm định điều kiện và cho ý kiến làm cơ sở đề nghị Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá ban hành quyết định công bố hết dịch đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Lâm Hóa.
“Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1, năm 2024 hoàn thành đạt tỷ lệ cao”, ông Phạm Anh Minh nói thêm.
Nguồn: nongnghiep.vn