Khi mùa đông đến, xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) thường xuyên đối mặt nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Gia đình chị Triệu Thị Đâu (xã Cốc Đán) có 3 con trâu, đây là tài sản lớn. Hiện nay gia đình đã gom đủ rơm, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn bổ sung cho đàn trâu trong mùa đông, xây dựng chuồng trại kiên cố.
“Ở đây có những năm, mùa đông nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, nên phải quây bạt chuồng trại kín gió, thức ăn phải chuẩn bị đủ để đàn trâu có sức đề kháng tốt và tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh”, chị Đâu cho biết.
Vũ Muộn là xã vùng cao của huyện Bạch Thông, địa hình đồi núi đá vôi nên mùa đông nhiệt độ giảm sâu. Do chủ yếu đồi núi nên diện tích đất trồng trọt rất ít, người dân nơi đây chủ yếu chăn nuôi gia súc như trâu, bò, ngựa.
Bà Đàm Thị Hành, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn cho biết, xã đã tuyên truyền các hộ chăn nuôi gia cố, tu sửa chuồng trại. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp, nền chuồng luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng rơm, rạ, mùn cưa. Những ngày rét sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi.
Ngành chuyên môn tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo người chăn nuôi không chăn thả, không bắt trâu, bò làm việc khi thời tiết rét đậm, rét hại. Khi thời tiết rét đậm, rét hại kèm theo mưa, nhiệt độ xuống dưới 12 độ C, đưa gia súc vào nơi nuôi nhốt để chăm sóc. Bà con có thể dùng chăn cũ, bao tải quấn quanh cơ thể gia súc để giữ ấm, đặc biệt là bê, nghé non. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm biểu hiện khác thường để kịp thời xử lý.
Đối với đàn gia súc, thức ăn có vai trò quan trọng nên trong những ngày giá rét vật nuôi cần nhiều năng lượng hơn do đó cần bổ sung thêm thức ăn tinh bột như cám gạo, ngô.
Người dân cần chủ động thu gom phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn dự trữ cho đàn trâu, bò trong mùa đông, như rơm, rạ, thân lá cây ngô, lá mía, dây khoai lang, lá sắn. Cán bộ chuyên môn hướng dẫn người dân biện pháp xử lý, chế biến (ủ rơm với urê, ủ chua thức ăn) để dự trữ và nâng cao giá trị dinh dưỡng. Bên cạnh đó, người dân cần tận dụng diện tích đất không sử dụng trồng cây vụ đông, đất bỏ hoang, đất vườn để trồng cỏ, trồng ngô với mật độ dày làm thức ăn.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, người chăn nuôi cần nắm rõ định mức thức ăn cho vật nuôi, sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn như cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể (trâu, bò có trọng lượng 300kg thì cho ăn 30kg/ngày), đảm bảo nước uống đầy đủ. Trong những ngày rét đậm, rét hại có thể bổ sung cho trâu, bò uống nước ấm có hòa muối.
Thực hiện tiêm phòng định kỳ đầy đủ các loại vacxin theo chỉ đạo của tỉnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.
“Khi gia súc bị đói rét trên 10 ngày liên tục, sức khỏe và sức đề kháng bị giảm, dễ mắc bệnh vì vậy trong thời gian này cần cho gia súc ăn thêm cháo gạo hoặc cháo cám ấm, bổ sung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng”, ông Huy khuyến cáo.
Nguồn: nongnghiep.vn