Muốn ngăn chặn bệnh dại, bên cạnh sự nhập cuộc của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đòi hỏi tất cả các tổ chức liên quan và người dân phải nêu cao trách nhiệm, tập trung đẩy mạnh thực hiện theo Quyết định 766/QĐ-UBND ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2030.
Điều này thực sự cấp thiết bởi Nghệ An diện tích rộng, tổng đàn chó, mèo khá lớn nhưng thường thả rông; cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong công tác tiêm phòng, quản lý vật nuôi; một số xã chưa bố trí được cán bộ phụ trách thú y, việc giám sát, tham mưu biện pháp phòng, chống dịch không chủ động; nhận thức của một bộ phận người dân chưa cao… tựu chung là những rào cản, thách thức trong công tác phòng chống bệnh dại.
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xảy ra 11 ổ bệnh dại trên động vật tại 5 huyện là Nam Đàn (3 ổ), Quỳ Châu (3 ổ), Con Cuông (2 ổ), Diễn Châu (2 ổ), Tân Kỳ (1 ổ), đã tiến hành tiêu hủy 24 con chó nhiễm bệnh.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao lây truyền từ động vật sang người, năm 2023 kết quả điều tra của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ghi nhận trên 10.000 trường hợp bị chó cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại, trong đó 7 trường hợp tử vong.
Mầm bệnh lưu hành trong quần thể chó quá lớn là nguyên nhân chính. Đáng quan ngại là tâm lý chủ quan thái quá của người dân, nhiều trường hợp bị chó mắc bệnh, nghi mắc bệnh cắn phải nhưng không tới các cơ sở y tế để điều trị, điều này kéo theo muôn vàn nguy cơ, nặng sẽ dẫn đến tử vong.
Từ thực tế đặt ra, thấy rằng áp lực luôn thường trực trên vai cơ quan chuyên ngành, đặc biệt là Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An. Nhằm tạo sự chủ động cần thiết đơn vị này đã kịp thời tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời triển khai đồng bộ chương trình phòng, chống bệnh dại năm 2023.
Từ nguồn kinh phí được phân bổ, Chi cục đã khâu nối với các đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu giám sát bệnh dại tại 6 huyện (Nam Đàn, Quỳ Châu, Con Cuông, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳ Hợp). Kết quả xét nghiệm có 11/16 mẫu dương tính.
Nhân lực, vật lực hạn chế đòi hỏi phải nêu cao tinh thần “phòng hơn chống”, do đó công tác giám sát chủ động sau tiêm phòng được ưu tiên. Năm 2022 đã thực hiện lấy mẫu giám sát kiểm tra tại 2 xã, kết quả đạt từ 70% lượng mẫu. Năm 2023 tiếp tục thực hiện tại 2 xã khác.
Hiện Nghệ An đang quy hoạch, định hướng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại cấp xã tại 3 huyện Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, kỳ vọng khi hoàn thành mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn, từ đó tạo nên bước đột phá lớn, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ quan chuyên môn.
Theo nhận định chung, thời gian tới Nghệ An có nguy cơ cao xuất hiện bệnh dại. Để ứng phó hiệu quả đòi hỏi UBND các cấp phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách đảm bảo các hoạt động chuyển môn. Phải huy các nguồn lực, tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống tại địa phương. Quan trọng nhất, cần đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao hơn nữa vai trò của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chính quyền cấp huyện, xã… phải phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tăng cường giám sát, kiểm soát bệnh dại, phát hiện xử lý ngay các trường hợp bị chó mắc bệnh dại, hoặc nghi mắc bệnh dại cắn phải.
Nguồn: nongnghiep.vn