Dự án mang tên Better Life Farming – Nông nghiệp Tiên phong, Nhà nông Thịnh vượng (BLF) là chương trình toàn cầu, được đồng sáng lập bởi Tập đoàn Bayer, Quỹ Tài chính Quốc tế IFC (International Finance Corporation) và Netafim – nhánh Nông nghiệp Chính xác của Orbia, công ty hàng đầu thế giới về hệ thống tưới tiêu, cùng sự tham gia của công ty Yara – thương hiệu phân bón toàn cầu chuyên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cây trồng hàng đầu.
Tại Việt Nam, dự án có sự đồng hành từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (NAEC), và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), và đang mở rộng mạng lưới hợp tác với các đơn vị cơ quan khác.
Dự án sẽ giúp người nông dân thực hiện “canh tác thông minh” bằng việc tiếp cận những tiến bộ khoa học, giúp canh tác bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng cây cà phê, sầu riêng.
Canh tác ổn định, phát triển bền vững
Sáng 15/10 tại vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Sứ, ở thôn 4, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, công ty Bayer Việt Nam cùng các đối tác đã tổ chức lễ ra mắt dự án Better Life Farming. Buổi ra mắt có sự hiện diện của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI); lãnh đạo Chi cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT Đắk Lắk. Đặc biệt, buổi ra mắt dự án đã thu hút đông đảo nông hộ trồng sầu riêng từ các nơi về dự.
Ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc nhánh Khoa học cây trồng Công ty Bayer Việt Nam, cho biết dự án BLF tập trung vào việc tạo ra giá trị cho tất cả các bên liên quan. Thành công của dự án sẽ được đánh giá dựa trên lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mang lại cho nông dân và cộng đồng. Qua việc lồng ghép các nguyên tắc hướng đến nông nghiệp tái sinh và cách tiếp cận mang tính hệ thống và toàn diện, dự án Better Life Farming đặt mục tiêu giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất với nguồn lực đầu vào ít hơn, đồng thời bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, có trách nhiệm, đảm bảo tính bền vững trong canh tác nông nghiệp.
Là một trong số những hộ tham gia dự án làm mô hình trình diễn BLF, ông Nguyễn Văn Sứ, năm nay 62 tuổi, chủ nhân vườn sầu riêng Dona, cho biết ông đã có 21 năm trồng sầu riêng, sau không ít lần thất bại, ông cũng đã dần tích luỹ được kinh nghiệm. Vì thế, vườn sầu riêng của ông được đầu tư bài bản, từ khi trồng đến quá trình chăm sóc, nên cây nào cây nấy gốc to, tán rộng, nhiều cành. “Tổng diện tích sầu riêng của tôi là 2,4ha. Vụ vừa rồi, thu được 60 tấn trái, bán tại vườn cho thương lái với giá 77 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, thuê nhân công, chưa tính công 2 vợ chồng tôi, còn lãi khoảng gần 4 tỷ đồng”, ông Sứ nói.
Về lý do tham gia dự án BLF, ông Sứ cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, thời tiết thất thường, người nông dân gặp không ít khó khăn. Dù có kinh nghiệm, nhưng vẫn chỉ là những kiến thức chắp vá. “Tham gia dự án, tôi sẽ có điều kiện trang bị cho mình những kiến thức sâu hơn, bài bản hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, canh tác hiệu quả và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Khi có kiến thức rồi, tôi muốn chia sẻ cả kinh nghiệm lẫn kiến thức học hỏi được cho những bà con khác. Tôi mong muốn nhiều nông hộ cùng làm giỏi, làm đúng quy trình kỹ thuật tiên tiến để sản phẩm của mình đủ điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu, như vậy mới phát triển bền vững, an toàn”.
Giải pháp căn cơ, lâu dài
Theo báo cáo, hiện diện tích trồng sầu riêng trên toàn quốc đã lên đến 150.000ha. Mặc dù có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng tại Việt Nam còn đứt đoạn, rời rạc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng.
Đối mặt với những thách thức và yêu cầu từ thị trường, người trồng sầu riêng đang tìm kiếm và thử nghiệm những phương thức canh tác hiện đại, bền vững nhằm đáp ứng các yêu cầu về năng suất, sản lượng, chất lượng thu hoạch, đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường, tận dụng hiệu quả và phục hồi các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, nhu cầu của nhà nông về việc mở rộng kết nối với các đơn vị thu mua xuất khẩu, tìm kiếm những thị trường tiềm năng để đảm bảo đầu ra và lợi nhuận cũng ngày càng cao.
Trong bối cảnh đó, dự án BLF cũng là một giải pháp quan trọng, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho người nông dân trồng cà phê và sầu riêng. Dự án được xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác công – tư giữa Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNGQ) cùng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và nhiều đối tác hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong lễ ra mắt BLF, Bayer cũng triển khai thí điểm giải pháp tư vấn nông học trực tuyến qua tài khoản Zalo “Tư vấn sầu riêng cùng Bayer” dành cho nông dân trồng sầu riêng, với đội ngũ chuyên gia sẽ giải đáp cho nông dân những thắc mắc về tình hình dịch hại, cách chăm sóc vườn, cùng những hướng dẫn theo tình trạng cụ thể và giai đoạn canh tác của vườn. Đặc biệt, thông qua nền tảng này, các nhà nông có thể đăng ký để được chuyên gia đến thăm và tham vấn trực tiếp tại vườn.
Trong khuôn khổ dự án Better Life Farming, trước đó, vào ngày 14/10, Bayer Việt Nam đã ký kết hợp tác với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về mở rộng mô hình canh tác bền vững và an toàn; đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng cho cây lúa, sầu riêng, cà phê tại Việt Nam.
Tại lễ ký kết, Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc NAEC phát biểu: “Chương trình hợp tác giữa bên nhằm cải thiện năng suất sản xuất nông nghiệp và tạo ra những đổi mới trong thực hành canh tác thông qua các nông trại kiểu mẫu tại các vùng trồng chính; triển khai chương trình quản lý sức khoẻ cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp và phổ biến, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho nông dân trồng lúa, sầu riêng và cà phê. Tôi tin rằng, chúng ta sẽ giúp nông dân thực hành nông nghiệp bền vững, an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng suất, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế”.
Nói về cây trồng nông nghiệp của xã Cư Suê, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Cư Suê có 3.200ha đất nông nghiệp, trồng chủ yếu các loại cây như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, và cây ăn trái…do phần lớn diện tích đất của xã là đất đỏ bazan màu mỡ, nên cây trồng phát triển mạnh, trong đó phải kể đến cây thế mạnh là cà phê. Riêng cây sầu riêng của huyện Cư M’gar đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Čư M’gar”. “Tuy nhiên, để phát triển bền vững và nâng tầm chất lượng nông sản, người nông dân vẫn rất cần những “đầu tàu” về khoa học, công nghệ như công ty Bayer, giúp người nông dân nắm vững những kiến thức canh tác khoa học, tiên tiến, đây chính là giải pháp căn cơ, lâu dài đối với ngành nông nghiệp Việt Nam”, ông Chiến nói.
“Dự án được thiết kế nhằm tạo nên một hệ sinh thái, mang đến các giải pháp toàn diện và sáng tạo, nhằm đảm bảo nhà nông tiếp cận kiến thức, giải pháp và kỹ thuật canh tác hiệu quả và bền vững, tạo tiền đề cho những chuyển đổi mạnh mẽ và tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững, tích cực và lâu dài”, ông Kg Krishnamurthy, Giám đốc Nhánh Khoa học cây trồng Công ty Bayer Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn