Điểm nhấn trong mắt du khách của đảo Bầu
Nếu ai muốn biết con công múa đẹp như thế nào có thể đến Trang trại đảo Bầu, rộng 76ha của ông Bùi Minh Họa ở xã Mỹ Đức (An Lão, Hải Phòng).
Ông Bùi Minh Họa kể, khi mình làm trang trại du lịch, học sinh các trường đến trải nghiệm nên muốn biến vùng đất này thành một khu bảo tồn thu nhỏ. Bên cạnh giữ môi trường thật tốt để thu hút các loài cò vạc cũng muốn nuôi nhiều loài vật khác.
Bởi thế, gần 10 năm trước ông Họa đã mua 16 đôi công Ấn Độ về, từ đó phát triển đàn có lúc tới hơn 200 con cả to lẫn nhỏ. Không chỉ học sinh mà cả người lớn khi đến trang trại đều rất thích xem cảnh công múa, nhất là trong điều kiện ngoài trời… Đàn công trở thành điểm nhấn khó quên trong mắt du khách của khu du lịch sinh thái này.
Không giống như gà, công rất khó huấn luyện, ban đầu thả ra là đi lang thang chứ không nhớ đến bữa hay đến tối là về chuồng, tiện đâu là ngủ đấy. Bởi thế, mới thả ra phải khâu cánh lại và chỉ thả con trống, giữ con mái trong chuồng để khi nghe tiếng con mái kêu con trống biết đường quay về.
“Khi thả được một thời gian, chim quen với xe cộ, người đi lại tự bắt côn trùng, sâu bọ để ăn và múa rất tự nhiên. Hiện, trang trại đã được cấp phép để nuôi công sinh sản và trước khi vận chuyển giống đi đâu đều phải qua kiểm lâm để xin xác nhận nguồn gốc”. Ông Họa chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Phương Tiếp, người trực tiếp chăm sóc cho đàn công trong trang trại đảo Bầu cho biết, chim ăn hai bữa mỗi ngày, thức ăn là cám công nghiệp, lâu lâu lại cho ăn thêm thóc, gạo. Trong khẩu phần của công không thể thiếu được rau. Rau muống, rau cải, rau khoai lang thì cứ để nguyên công sẽ tự mổ, còn thân cây chuối phải thái nhỏ ra. Nếu thiếu rau chim sẽ tiêu hóa kém, lông không đẹp và bị rụng sớm.
Bình thường, khi đẻ hết lứa trứng vào tháng bảy, tháng tám chim sẽ rụng lông và mọc trở lại vào tháng giêng tháng hai của năm sau. Ở thời điểm chim đang ra lông mới cần trộn các loại thuốc bổ như C hay B1 vào thức ăn để tăng thêm sức đề kháng. Bởi là trang trại du lịch, có nhiều người đến tham quan nên công tác phòng bệnh cho đàn công cũng rất quan trọng, mà gốc của phòng bệnh chính là tăng thêm sức đề kháng.
Chuồng công được thiết kế 1/3 có mái che, 2/3 là sân chơi ngoài trời để cho chim tắm nắng, tắm cát. Quanh chuồng vây bằng lưới B40 nhưng không dùng lưới nylon hay lưới sắc mỏng cỡ nhỏ bởi chim dễ mổ ăn, gây thủng ruột, thắt diều.
Mùa đông phải quây kín chuồng để giữ ấm, mùa hè lại phải mở ra cho thoáng, bên trong phải có giá để cho chim ngủ, vừa giữ được bộ lông đuôi dài, vừa cách ly khỏi nền chuồng ẩm thấp, tạo không gian thoáng mát giúp phòng tránh bệnh tật.
Cỡ 2 tuổi công mới bắt đầu đẻ, cứ 5-7 ngày cho 1 trứng, bởi thế mỗi lứa chừng hơn 10 quả kéo dài đến 2 tháng và mỗi năm chúng chỉ đẻ có 2 lứa. Nếu để cho công tự ấp tỷ lệ chỉ đạt 40-50%, cho gà ấp đạt 70%, còn cho máy ấp tỷ lệ đạt hơn 80%.
Khi mới nở công con cần nuôi úm khoảng 1 tháng, lúc này thức ăn là cám tấm có nhiều đạm để phát triển nhanh, khi chúng đã lớn hơn cho ăn cám viên phối hợp với thóc, gạo, kèm rau củ để đầy đủ dưỡng chất, sẵn sàng thành thục.
Cách chọn con giống và nuôi công
Công bố được tuyển chọn từ những con có thân hình cân đối, màu sắc đẹp, trọng lượng trên dưới 4kg. Mỗi con trống thường được ghép với 2-3 con mái, càng ghép ít mái tỷ lệ phôi đậu lại càng cao. Trang trại đảo Bầu bởi vì nuôi bảo tồn, phục vụ cho mục đích du lịch nên không tiêm vacxin nhưng với những trại công khác, nuôi với mục đích bán giống dùng các loại vac xin của gà để tiêm.
Công vốn là loài chim hoang dã, có sức đề kháng tốt nhưng vẫn có thể mắc bệnh do thời tiết, môi trường, thức ăn, nước uống do vậy cần thường xuyên quan sát hành vi và tình trạng của chúng để phát hiện các dấu hiệu bất thường. Tiêm phòng vacxin đầy đủ sẽ giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh.
Đối tượng nuôi chim công chủ yếu là người có điều kiện kinh tế, nuôi với mục đích làm cảnh, du lịch nông nghiệp hay bán giống. Nếu hộ chưa có kinh nghiệm nuôi bao giờ thì nên bắt con giống đã cứng cáp, từ 6 tháng đến 1 năm tuổi, còn có kinh nghiệm rồi có thể nuôi con giống từ 1 tháng tuổi để giảm thiểu chi phí, tăng nhanh số lượng đàn.
Chim có những bệnh chính với những triệu chứng và cách điều trị như sau: Bệnh nhiễm khuẩn đường ruột có triệu chứng ăn kém, đi lại chậm chạp, xã cánh hay gục đầu, phân có màu đen, khô, kèm chút máu nhầy. Phòng bằng cách vệ sinh sạch sẽ chuồng và các dụng cụ dựng thức ăn, nguồn nước, khi bị chuyển những con nhiễm bệnh sang chuồng riêng, dùng thuốc Linco 25%, thuốc Chlotertra, thuốc Sulfatrimix…trộn lẫn vào thức ăn theo liều quy định.
Bệnh nhiễm tụ huyết trùng có triệu chứng nhảy xốc lên và giãy chết. Trước đó, thân nhiệt công bất ngờ tăng cao, chim nằm im, mắt nhắm nghiền và bị chảy nước mũi, nước mắt. Phòng bằng cách vệ sinh chuồng, trị bằng thuốc Flumequin-20, thuốc Flumex-30 hoặc Norflox-10 theo liều lượng quy định
Bệnh hô hấp có triệu chứng mắt sưng hoặc bị xoang hay khó thở. Phòng bằng cách vệ sinh chuồng và giữ khô ráo. Khi bị dùng thuốc Tylosin hay Tiamualin hoặc theo liều lượng quy định.
Bệnh nhiễm ký sinh trùng có triệu chứng ngứa ngáy, mệt mỏi và kém ăn nên giảm cân. Phòng bằng cách vệ sinh chuồng trại thật kỹ đồng thời phun thuốc khử trùng ký sinh định kỳ trong chuồng nuôi và các khu vực lân cận.
Bệnh nhiễm giun sán có triệu chứng chim xù lông và chán ăn nên giảm cân kèm ngủ gật. Cách phòng bằng rắc vôi bột định kỳ cho chuồng nuôi và khoảng 20 ngày lại cho chim bị bệnh uống thuốc tím hay Sulfate đồng. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thêm Lava – 20 để trộn thức ăn nhưng chỉ một lần duy nhất.
Vào giai đoạn công sinh sản, ngoài cám công nghiệp người nuôi cần lưu ý cho ăn thóc, ngô, rau. Khẩu phần và tỷ lệ được điều chỉnh theo từng mùa giúp lông của chim có màu sắc rực rỡ, dáng thon gọn, không quá béo, tốt cho đường tiêu hóa, tăng sức đề kháng để chống đỡ bệnh tật.
Nguồn: nongnghiep.vn