1. Gieo ươm cây giống
Chọn những trái cau to đều, chín vàng ở buồng cuối của cây cau khoẻ mạnh, nhiều quả, sạch sâu bệnh, trẻ về tuổi sinh lý (cây mới cho quả 2 – 3 năm). Quả giống hái xuống, để nơi thoáng mát 4 – 5 ngày cho héo bớt, đem gieo ươm trong cát sạch, khoảng cách gieo 10 x 10cm/quả, mật độ 100 quả/m2, tưới nước giữ ẩm thường xuyên. Thời vụ gieo nên tiến hành vào tiết lập xuân (xung quanh ngày 5/2 dương lịch).
Cau ươm 6 tháng sẽ nảy mầm ra được 2 – 3 lá, cao 12 – 15cm, chuyển trồng lên bầu giá thể, gồm túi nilon chuyên dùng, kích thước 15 x 17cm và hỗn hợp xỉ than, đất ải, phân hữu cơ hoai mục, tỷ lệ 2 : 4 : 4, mỗi bầu trồng 1 cây rồi xếp các bầu cây cách nhau 5cm trên luống và vét rãnh vun đất lấp kín giữa các bầu.
Lưu ý, phải để lộ đầu quả cau giâm trên nền cát vừa bằng đầu cuống quả cắt từ buồng cau; định kỳ 2 tháng/lần bón 0,2 – 0,3kg NPK (13 – 13 -13 + TE)/m2 vườn ươm, kết hợp với nhổ cỏ, bổ sung đất vào giữa các khe bầu trồng cây giống và tưới nước duy trì độ ẩm trong bầu cây.
2. Trồng và chăm sóc
Mùa vụ trồng tháng 2 hoặc 3. Khi cây sống trong bầu được 6 tháng và cao 40 – 50c thì đem ra trồng ở vị trí định trước hoặc ruộng sản xuất. Cây cau không kén đất trồng, không có rễ cọc, chỉ có rễ chùm mọc nổi quanh đốt thân giáp mặt đất. Có điều kiện nên trồng cau trên chân đất thịt trung bình, giàu dinh dưỡng, có mặt trời chiếu sáng quanh năm và phải đào hố rộng 70cm, sâu 50cm, hố cách hố từ 1,5 – 2,0m, bón lót phân chuồng hoai mục, trồng bầu cau giữa hố, lấp đất kín tới cổ rễ, nén chặt, tưới đẫm nước.
Bón phân/cây: Bón lót 20kg phân chuồng mục + 0,3kg vôi bột. Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản, bón thúc cây 1 lần vào tháng 11, liều lượng 0,2 – 0,3kg NPK 13- 13 – 13 + TE. Thời kỳ khai thác kinh doanh bón 0,3 – 0,5kg NPK 13- 13 – 13 + TE, chia phân bón vào 3 thời kỳ trước ra hoa, sau đậu quả và sau thu hoạch. Tuỳ theo thực tế sinh trưởng của cây để tăng, giảm phân bón cho phù hợp. Cây lớn, cây sinh trưởng yếu hoặc cây lấy đi sản lượng quả nhiều cần bón tăng phân; cây nhỏ, cây sinh trưởng tốt hoặc cây trước đó khai thác sản lượng quả thấp thì phải giảm bón phân.
Tốt nhất thu gom ốc sên, ốc vặn, ốc bươu vàng hoặc trai, hến các loại từ vườn cây, ruộng lúa, ao hồ để bón cau vì các dòng nhuyễn thể này sau thối rữa sẽ chuyển hoá thành phân bón sinh học cân đối, có giá trị dinh dưỡng cao gấp 3 – 4 lần đạm Urê và vôi bột bởi thành phần chính của vỏ trai, ốc, hến là canxi có trong vôi bột.
Mặt khác, khi đổ ốc xuống hố, chúng sẽ rơi nằm bên dưới theo nhiều tư thế khác nhau, những con ốc rơi úp miệng xuống sau phân huỷ sẽ chảy ra, thấm ngay vào đất, rễ cây hấp thụ trước, những con ốc rơi ngửa miệng lên trên hoặc nằm ngang so với đáy hố, sau thối rữa khó thoát nước ra, bị giữ lại bên trong lớp vỏ vòng vèo, chờ bốc hơi ngấm dần vào đất nên rễ cau hấp thu lâu dài hơn. Theo đó, bón gốc cho mỗi cây cau 3 – 5kg ốc các loại, sau 4 – 5 năm mới cần bón phân trở lại.
3. Đốn cau
Mục đích của đốn cau là làm giảm sự phát triển của các lóng đốt trên thân, giảm thiểu chiều cao cây, thuận tiện cho thu hái và tăng khả năng chống gãy cây khi gặp mưa bão lớn. Do vậy cần đốn cau 2 lần và đốn dần từng bước nhằm đảm bảo chắc chắn cây sẽ sống ổn định sau khi đốn chuyển.
Đốn lần 1 khi cây cau cao 1,2 – 1,3m, dùng thuổng đào rãnh cách gốc cau khoảng 20cm và chặt đứt 1/2 bộ rễ cây, xử lý nước vôi trong xuống rãnh để phòng nấm bệnh xâm hại cây qua vết thương dưới rễ. Sau 1 – 2 ngày, các đầu rễ cây thâm lại thì tưới chế phẩm kích thích rễ rồi rải phân hữu cơ mục xuống, lấp đất kín phân và rãnh.
Sau chừng 20 ngày, kiểm tra trong rãnh đào trước đó, thấy cây cau đã ra nhiều rễ mới thì tiếp tục cách làm nêu trên nhằm chặt nốt nửa bộ rễ cây còn lại, đồng thời đào hố sâu 50cm, rộng 70cm liền kề với vành rãnh mới đào, rải phân hữu cơ lót đáy, khơi lại vết rãnh đào khi trước ở nửa gốc cau bên kia, để lộ ra gốc cây có đường kính rộng 40 – 50cm, sau đẩy chuyển cây sang hố trồng mới sao cho bộ rễ cây ngập sâu xuống hố khoảng 20cm, rải phân chuồng quanh gốc, lấp đầy đất, nén chặt, tưới đẫm nước và cắm cọc chống đổ.
Đốn lần 2 khi cây cao 1,5 – 1,7m và bộ rễ mới đã ra đều ở quanh đốt thân giáp mặt đất, tiến hành như đốn lần 1 nhưng phải đào bầu gốc rộng hơn, vì lúc này cây đã lớn hơn khá nhiều. Đặc biệt, trong đốn chuyển cau, tuyệt đối không được làm đổi hướng của cây, trước (ở vị trí cũ) cây quay về hướng nào thì sau sang chỗ trồng mới cũng phải quay về đúng hướng đó, nếu làm không đúng yêu cầu này, cây cau sẽ bị chết.
Theo đó, trước khi đốn chuyển cau, các nhà vườn thường lấy vôi đánh dấu lên thân cây theo hướng đông (mặt trời mọc), sau trồng sang vị trí khác lại quay đúng dấu vôi trên về hướng mặt trời mọc. Đây là kinh nghiệm cổ truyền của nhà nông, nay vẫn còn giá trị. Chú ý, nên đốn cau vào mùa đông. Ngoài đốn chuyển cây, việc trồng cau ở nơi quang đãng, nhiều ánh sáng cũng giúp cho các lóng đốt thân cây ngắn lại.
4. Khắc phục một số hiện tượng trên cây cau
Trường hợp cau trồng lâu năm không ra quả, cần bón mỗi gốc 0,2kg muối ăn, chia làm 2 lần, lần đầu bón tháng 10 hoặc 11, lần 2 bón sau lần 1 khoảng 2 tháng.
Cau bị rụng trái non do sương muối, dùng vòi phun cao áp rửa sạch sương trên chùm quả vào sáng sớm. Cây cau ra ít quả và quả bé cần phun hoặc tưới gốc chế phẩm phân bón giàu Bo và Canxi. Cây bị rệp muội đen hại lá non, hoa và quả non cần phun các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Profenofos + Thiamethoxam.
5. Thu hoạch
Nếu tự gieo cây giống trồng cau, phải 6 năm cây mới cho quả. Mùa vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Cắt lấy buồng cau mới chín sinh lý, vỏ quả mới chuyển từ màu xanh sáng sang xanh lục, nhẵn bóng, cùi quả mềm (sau đậu quả khoảng 5 tháng trở ra). Thu hoạch dần từ dưới lên trên, buồng quả to và chín trước, buồng quả nhỏ chín sau cắt hạ sau. Nếu cau đắt, để bán cho người mua thờ cúng vào các ngày tuần tiết, lễ hội, có thể thu hoạch quả không kể to, nhỏ, non, già. Để tăng cao giá trị thu nhập, các nhà vườn nên trồng xen cây lá dong dưới tán cau.
Nguồn: nongnghiep.vn