LTS: Tham gia chuyến khảo sát của Bộ NN-PTNT tại các tỉnh miền núi phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 (Yagi) vừa qua, chứng kiến những cánh đồng lúa, hoa màu bị vùi lấp hoàn toàn, những vùng chăn nuôi thiếu thốn từ con giống đến thức ăn, cùng với đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh…, PGS.TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đã chia sẻ những trăn trở và giải pháp để biến mất mát thành cơ hội kiến tạo những ‘cánh đồng chuyển đổi’ từ tư duy sản xuất, phương thức sản xuất, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi… để nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.
Nhìn thấy cơ hội trong nguy khó, thay đổi để phát triển
Cơn bão số 3 đi qua, hiển nhiên nó đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho các địa phương miền Bắc. Nhưng hãy tạm gác lại với những con số thống kê u ám, điều cần nhất lúc này là làm sao để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Muốn tái thiết sản xuất, hẳn nhiên địa phương nào cũng kêu gọi hỗ trợ tái thiết hạ tầng, giống, vật tư nông nghiệp, hóa chất tiêu độc khử trùng… Điều đó là vô cùng cần thiết. Nhưng nó đặt ra một số tình huống. Khi đưa vật tư, giống mới vào, chưa chắc bà con đã biết quy trình kỹ thuật canh tác và thâm canh hiệu quả (do đã quen với phương thức canh tác truyền thống). Nếu không cẩn thận sự hỗ trợ của chúng ta vô tình lại gây thiệt đơn, thiệt kép cho người dân.
Ví dụ, từ bao đời nay đồng bào đã quen trồng những giống ngô bản địa, bây giờ mình đưa các giống ngô lai vào thâm canh, nếu không biết sử dụng phân bón đúng cách, không chăm sóc đúng cách thì năng suất sẽ không đạt.
Chính vì vậy, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chỉ đạo toàn hệ thống cấp phát 9 tài liệu tờ gấp (tổng số khoảng 100.000 bản) hướng dẫn các kỹ thuật về chăm sóc thủy sản nuôi ao hồ sau mưa lũ; biện pháp cấp bách khôi phục đàn gia cầm sau bão lũ; đảm bảo an toàn và phát triển đàn gia súc sau bão lũ; xử lý các vùng đất bị vùi lấp sau bão lũ; biện pháp phục hồi thủy sản nuôi lồng bè sau bão lũ; phục hồi vườn cây ăn quả sau bão lũ; khắc phục ngập úng sau mưa bão đối với lúa; khắc phục rau màu sau bão và khắc phục rừng bị thiệt hại do thiên tai.
Những tờ gấp được chuyển đến tay đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở, để họ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con khôi phục sản xuất ngay trên đồng ruộng, vườn cây, ao cá. Hơn ai hết, lực lượng khuyến nông cơ sở – những người gần dân nhất, phải nắm được đầy đủ kiến thức. Và cũng không thể nào mở lớp tập huấn trong phòng kín trong lúc bà con bận bao thứ việc. Lực lượng khuyến nông phải đến thực địa, ra đồng cùng với nông dân.
Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh rằng, việc đưa lực lượng khuyến nông vào giai đoạn này là vô cùng cần thiết để hướng dẫn bà con tiếp nhận vật tư mới, giống mới, triển khai vào sản xuất cụ thể. Nó không chỉ là hạt giống, cân phân bón, gói thuốc khử trùng mà vấn đề là sử dụng thế nào cho hiệu quả. Nhân đây, phải giúp bà con thay đổi tập quán canh tác cũ, phương thức sản xuất cũ và đưa giống mới, kỹ thuật mới để gia tăng giá trị gia tăng trên cùng diện tích canh tác.
Những cánh đồng chuyển đổi cây trồng bạt ngàn sau lũ
Về vấn đề tái thiết sản xuất sau lũ, tôi rất nhớ sự kiện miền Bắc ngập lụt nhiều ngày năm 2008. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra một gói tài trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai. Khi ấy, tôi đang là Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam). Đơn vị chúng tôi trúng thầu cung cấp 450 tấn lúa giống chất lượng cao (chủ yếu là Bắc thơm 7, HT1…) cho bà con các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ…
Trước đây, các địa phương này hô hào mãi về chuyển đổi cơ cấu giống lúa chất lượng cao nhưng rất khó đi vào thực tiễn. Nhưng, khi có 450 tấn giống chất lượng cao ồ ạt lên các tỉnh miền núi phía Bắc, bà con tiếp nhận một cách tự nhiên và từ đó thay đổi cả cơ cấu bộ giống lúa của địa phương. Sau thành công của dự án, FAO còn có chương trình đánh giá độc lập và khẳng định sự hỗ trợ những giống lúa mới mang lại hiệu quả đặc biệt.
Cách đây 4 năm, trận lụt lịch sử tại các tỉnh miền Trung năm 2020 đã xóa sổ nhiều vùng sản xuất lúa thấp trũng, do sạt lở gây bồi lấp lớp đất đá sâu cả mét tại nhiều khu vực ở Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh.
Những lớp đất mới rất tốt, nhưng không phải là trồng được ngay, vì hàm lượng hạt sét rất cao. Phía dưới cùng là cát (vì có trọng lượng nặng), sau đó đến lớp đất thô lẫn sỏi đá và trên cùng là đất mịn chứa nhiều hạt sét. Có nơi, lớp đất mịn dày đến 30cm, gặp nước mưa thì nhão như bùn nhưng nắng lên vài hôm là kết dính lại, cứng như gan gà và nứt ra. Nếu trồng rau ngay thì sau một vụ là đất đó không thể canh tác được nữa.
Lực lượng khuyến nông đã hướng dẫn bà con cày thật sâu và kỹ để hòa trộn lớp đất cát, lớp đất thô và đất mịn để làm tơi xốp đất. Sau đó, tạo bầu và trồng các loại cây có bộ rễ khỏe để “công phá” cấu trúc đất (gồm bí xanh, bí đỏ…). Bộ rễ cây sẽ đâm sâu, ăn lan vào trong môi trường đất và phân hủy, tạo thành các khe hở giúp đất thoáng khí. Và, ngay vụ sau là có thể trồng đậu xanh, vừa cho năng suất cao vừa giúp cải tạo đất.
Giờ đây, khi về những vùng chuyển đổi rau màu trên đất lúa sau trận bão năm ấy, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì bà con chia sẻ rằng, hiệu quả trồng bí xanh, đậu xanh cao hơn nhiều trồng lúa trước đây.
Tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, khuyến nông cũng hướng dẫn bà con khắc phục những vườn thanh trà sau ngập úng hàng tuần (cắt tỉa cành lá, bón chế phẩm sinh học, cải tạo đất…). Có thể chấp nhận hy sinh vụ thanh trà năm đó, để phục hồi sức khỏe cây và năng suất vào năm sau.
Rõ ràng, trong cái rủi, chúng ta cần tìm thấy những thời cơ. Do đó, đây là dịp thích hợp nhất để lực lượng khuyến nông bắt tay cùng bà con thay đổi tập quán, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng bằng những vật tư, giống mới, kiến thức mới.
Và, thông qua kêu gọi của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Quỹ Thiện tâm đã cấp cho hệ thống khuyến nông hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ mua hóa chất khử trùng và chế phẩm sinh học cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Đây là điều vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi sẽ giao thẳng cho lực lượng khuyến nông và cùng bà con vác bình thuốc, nước rút đến đâu xịt ngay đến đó, đặc biệt là có thể dùng luôn chứ không cần thực hiện thủ tục rườm rà.
Chúng tôi cũng đang đề nghị Quỹ Thiện tâm hỗ trợ một số loại vật tư và giống cây trồng, giao trực tiếp cho lực lượng khuyến nông để đồng hành cùng bà con trong suốt cả mùa vụ. Giống ấy phải gieo thế nào, sử dụng phân bón ra sao và phòng trừ sâu bệnh… để đảm bảo hiệu quả sản xuất cao nhất.
Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa
Thời gian qua, từ kêu gọi của các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương (trong đó có Bộ NN-PTNT) cùng các tổ chức chính trị – xã hội, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ đồng bào ảnh hưởng của mưa lũ vật tư, hóa chất, giống cây trồng. Tuy nhiên, địa phương cần phải cân đối và định hướng, không phải vì khó khăn mà giống gì cũng dùng.
Ví dụ, những vùng phát triển chăn nuôi gia súc, do nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại nên nguy cơ thiếu thức ăn xanh vào mùa đông rất rõ rệt. Cần khẩn trương hỗ trợ bà con vùng này các giống ngô sinh khối để gieo trồng, bổ sung dinh dưỡng cho vật nuôi. Những vùng nào nông dân có trình độ thâm canh cây trồng khá thì có thể hỗ trợ ngô ăn tươi, ví dụ như ngô nếp, ngô đường, nhưng với điều kiện phải có thị trường.
Nơi nào có thị trường về rau, thì mới chuyển đổi thành vùng rau tập trung, các địa phương còn lại chỉ cấp lượng giống vừa phải để duy trì diện tích phục vụ nhu cầu tại chỗ. Đặc biệt, cần định hướng xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô hàng hóa, đồng giống, đồng nhất chất lượng. Còn đối với cây lúa thì không vấn đề gì, những diện tích thiệt hại người dân vẫn tiếp tục canh tác vào vụ sau.
Nguồn: nongnghiep.vn