Trước và sau mỗi đợt thiên tai luôn là nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với người dân xóm vạn chài Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Tình cảnh khốn khó kéo dài mải miết bao năm khiến bà con ngán ngẩm, số đông đều mong mỏi một giải pháp thấu đáo để tháo gỡ nút thắt dai dẳng.
Cấp thiết là thế nhưng diễn biến chung không thuận, đồng nghĩa nỗi lắng lo vẫn luôn thường trực. Mới đây thôi các hộ lại được nếm trải cảm giác hãi hùng do tác động của siêu bão Yagi và cơn bão số 4. Dù không nằm trong tâm bão nhưng xóm vạn chài vẫn lao đao trông thấy.
Điều kiện kinh tế hạn hẹp buộc 3 thế hệ nhà anh Nguyễn Văn Việt phải sống khổ sở trong căn nhà cũ kỹ chừng 60m2. Già trẻ, lớn bé, 10 con người cùng sinh hoạt trong không gian bé tí, thành thử mỗi việc chạm mặt nhau thôi đã bí bách rồi.
Thường ngày đã bức bí, khi mưa lũ tràn về càng cơ cực gấp bội phần, như đợt rồi mưa gió bão bùng mang theo cơ man bùn lầy, đất đá, rác thải quây kín cả một vùng, chấp chới giữa giây phút sinh tử khiến ai nấy đều bất an tột độ. Lũ rút đi để lại cảnh tượng tan hoang, nhơ nhớp, đến mức tất thảy xắn tay dọn dẹp, vệ sinh nguyên 1 tuần vẫn chưa thấm vào đâu. Đáng nói tình thế tréo nghoe của gia đình anh Việt cũng là nỗi niềm chung của số đông tại xóm nghèo Xuân Lam.
Hướng ánh nhìn vào khoảng không xa xăm, anh Nguyễn Văn Việt chậm rãi giải bày tâm tư chất chứa: “Trước thiên tai phải căng mình ứng phó, nghĩ đủ phương án vẫn canh cánh nỗi âu lo. Hậu mưa bão lại nhọc nhằn khắc phục, chung quy chẳng mấy khi được yên ổn. Nhà có 10 thành viên nhưng đa phần là người già, đàn bà và trẻ nhỏ nên việc gì cũng đến tay mình.
Vùng này chịu cảnh ngập lụt liên hồi, riết rồi cũng thành quen. Có bão là cả nhà lại cuống cuồng tìm nơi tránh trú, mức độ nhẹ thì kéo nhau trú ngụ ngay trên con thuyền nhỏ của gia đình, bằng không phải ăn nhờ ở đậu nhiều ngày liền tại nhà người thân quen. Hậu mưa bão là hàng tá vấn đề phát sinh, nan giải hơn cả là rác thải chất đống làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh, rõ nhất là bệnh đau mắt đỏ”.
Bà Phạm Thị Hà, 54 tuổi, láng giềng nhà anh Việt cùng chung nỗi niềm trăn trở. Quanh năm suốt tháng sống trong điều kiện ẩm thấp là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh đa khớp, vốn hành hạ bà Hà suốt bấy lâu. Bệnh kinh niên thành thử mỗi khi trái gió trở trời là toàn thân lại đau ê ẩm, những lần như thế bà Hà lại thương thân trách phận, xót thương cho đời mình:
“Bao nhiêu năm sống trên đời là bấy nhiêu thời gian lênh đênh sóng nước, mưa gió hay nắng ráo cũng lên thuyền như một thói quen đã ăn sâu. Thiên tai kéo theo muôn vàn bất an, cơ cực nhất là thiếu nước sạch sinh hoạt, muốn có phải khổ sở xách từng can về dùng. Chúng tôi khốn khổ bao năm rồi, thâm tâm không muốn con cháu dẫm vào vết xe đổ này đâu”.
Thiên tai “ghé thăm” thường xuyên khiến nhịp sống tại xóm chài Xuân Lam “chậm” hơn nhiều so với mặt bằng chung. Nơi đây đa phần không nghề ngỗng ổn định, số đông vẫn trông chờ vào con tôm, con cá đánh bắt hàng ngày, ngặt nỗi do môi trường bị xáo trộn nặng nề (ô nhiễm nguồn nước, khai thác cát…) khiến sản lượng thủy sản trên dòng sông suy giảm đi nhiều.
Quay cuồng trong nỗi lo cơm áo gạo tiền buộc bà con phải chủ động tăng gia sản xuất, tranh thủ nuôi thêm con gà, con vịt để cải thiện, ngặt nỗi môi trường bất ổn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, gia cầm quay quắt không phát triển nổi. Trăm cái khó đổ lên đầu, chẳng biết đến bao giờ người dân xóm chài Xuân Lam mới có thể quẳng gánh lo đi.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cảnh Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lam thông tin tổng quan, ở xóm vạn chài có 13 hộ sinh sống, đa phần gia cảnh đều khó khăn. Nhà cửa của người dân xây dựng khá tạm bợ nên đối diện lắm nguy cơ.
Từ thực tế hiện hữu, ông Nguyễn Cảnh Toàn khẳng định tái định cư là phương án tối ưu nhất. Hiện chủ trương này đã được chính quyền địa phương đề xuất đến cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.
Nguồn: nongnghiep.vn