Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định, tỉnh này có thể xảy ra mưa từ ngày 27-28/10, với lượng mưa từ 60-100mm, có nơi trên 120mm.
Về tình hình tàu thuyền, Bình Định có 5.656 tàu với 39.816 lao động đang hoạt động ven bờ trong tỉnh và neo đậu tại bến; 583 tàu với 3.857 lao động đang hoạt động ở vùng khơi.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn cùng chính quyền các địa phương ven biển đã liên lạc với gia đình chủ tàu, thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển nắm bắt thông tin của bão để phòng tránh. Tính đến chiều 24/10, Bình Định không còn tàu cá nằm trong vùng nguy hiểm.
Trên địa bàn Bình Định hiện có 164 hồ chứa, dung tích chứa trong các hồ hiện là 180/683 triệu m3, đạt 26,4% dung tích thiết kế. Các hồ chứa cơ bản đảm bảo an toàn khi có mưa lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định Hồ Đắc Chương, một số diện tích cây trồng vụ mùa 2024 chưa đến kỳ thu hoạch, gồm lúa gieo khô, kiệu và hành chủ yếu nằm trên các ruộng cao.
Về thủy sản, toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 2.400 lồng bè. Công tác đảm bảo an toàn cho lồng bè đã được triển khai để ứng phó với tình hình mưa bão sắp tới.
Trước dự báo nói trên, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cảnh báo mức độ khốc liệt của thiên tai hiện nay đến lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Ông Tuấn đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, các đơn vị, địa phương kích hoạt phương án phòng chống bão Trà Mi tương ứng với phương án chống bão cấp 4, cấp cao nhất trong phòng chống bão lụt của tỉnh.
Tại các khu vực, vùng có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương chủ động di dời người dân đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. Chủ động cắt tỉa cây xanh, tháo dỡ các biển báo, quảng cáo có nguy cơ bị gió bão thổi bay trong khu vực đô thị.
Các sở, ngành, các chủ đầu tư rà soát lại công trình xây dựng, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và công nhân thi công, tổ chức tháo dỡ các đường công vụ, khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước.
Ngành giao thông tổng kiểm tra lại các công trình cầu cống, kịp thời cảnh báo hoặc cấm người và phương tiện qua lại các cầu bị xuống cấp, hư hỏng. Ngành điện lực rà soát hệ thống, đảm bảo cung cấp điện liên tục và an toàn.
Sở Thông tin Truyền thông tổ chức phát sóng trên các đài truyền thanh xã 2 lần/ngày, thông tin kịp thời cho nhân dân nắm rõ diễn biến, cường độ bão Trà Mi, để người dân chủ động các biện pháp ứng phó.
Ông Tuấn cũng yêu cầu lực lượng vũ trang gồm công an, quân đội cùng lực lượng địa phương sẵn sàng triển khai lực lượng và phương tiện khi cần thiết. Công tác hậu cần tại chỗ phải được chuẩn bị chu đáo, nhất là tại các điểm di dời dân, đảm bảo đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tránh trú bão, lũ.
“Phương châm “4 tại chỗ” cần được triển khai thực chất và đúng mức, cùng với việc kích hoạt phần mềm phòng chống thiên tai theo từng cấp độ cảnh báo bão lũ. Tuyệt đối không được chủ quan. Sẵn sàng mọi tình huống để ứng phó kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu.
Nguồn: nongnghiep.vn