Năm 2019, chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận bắt đầu được triển khai thực hiện, chậm hơn so với một số tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2019 – 2021, toàn tỉnh có 70 sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn mới, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919 ngày 1/8/2022, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã ban hành kế hoạch số 3799 ngày 9/11/2022 để thực hiện chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu công nhận mới ít nhất từ 80 – 130 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Để đạt mục tiêu này, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP từng năm, với chỉ tiêu phát triển thêm từ 15 – 20 sản phẩm OCOP mới.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, đến giữa tháng 7/2024, toàn tỉnh có 139 sản phẩm OCOP, trong đó 8 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ đánh giá, phân hạng. Ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận phát triển sản phẩm OCOP theo thế mạnh, đặc trưng như nước mắm, các sản phẩm chế biến từ thanh long, hải sản, yến và gạo chất lượng cao.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Bình Thuận sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh triển khai chương trình OCOP hiệu quả, không chạy theo số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng, hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng để nâng cấp thành sản phẩm 4 sao, 5 sao.
Theo ông Trang, để làm được điều đó, các địa phương cần đưa vào kế hoạch triển khai chương trình OCOP hàng năm, vận động và bố trí nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể đáp ứng các tiêu chí nâng hạng. Đồng thời hỗ trợ bao bì, nhãn mác, máy móc thiết bị, cũng như vận động các chủ thể OCOP tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Qua đó, tạo điều kiện cho các chủ thể OCOP tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, triển khai chương trình OCOP năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 1578 ngày 02/5/2024, theo đó định hướng phát triển sản phẩm OCOP là ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, tìm kiếm vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Đặc biệt, các địa phương quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO…Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp. Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện.
Ngoài ra, các địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Cũng như xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhãn hàng hoá đúng quy định.
Được biết, năm nay, tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ và tư vấn để phát triển thêm ít nhất 22 sản phẩm OCOP mới và làm hồ sơ cấp lại cho 54 sản phẩm.
Nguồn: nongnghiep.vn