Những năm gần đây, công tác giống trên địa bàn Quảng Bình nói chung và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều giống lúa mới có năng suất và chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao sản lượng và giá trị sản xuất trên địa bàn.
Để đáp ứng nhu cầu về bộ giống lúa mới, vụ hè thu năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed – Chi nhánh Bắc Trung bộ triển khai mô hình khảo nghiệm, sản xuất thử các giống lúa TBR87, TBR97 tại Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh – Dịch vụ nông nghiệp Hiển Vinh (HTX Hiển Vinh, xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh).
Theo ông Nguyễn Hữu Kỳ, Giám đốc HTX Hiển Vinh, đơn vị có tổng diện tích đất trồng lúa 75ha. Trong vụ hè thu 2024, HTX sản xuất thử nghiệm giống lúa TBR97 với diện tích 20ha và giống TBR87 là 1ha.
Qua đánh giá mô hình sản xuất thử cho thấy, khả năng chống chịu sâu bệnh của các giống lúa thuần TBR97, TBR87 rất tốt. Sâu cuốn lá nhỏ chỉ phát sinh gây hại rải rác với mức độ rất thấp giai đoạn đẻ nhánh rộ. Các đối tượng khác như bệnh thối thân, thối bẹ, khô vằn có ở mức thấp, không đáng kể.
“Bà con nông dân tham gia mô hình đã kiểm đếm và thấy giống lúa TBR87 và TBR97 có số bông, số hạt trên bông, số hạt chắc cao hơn một số giống khác mà bà con đang làm” – ông Kỳ nói thêm.
Tham gia làm mô hình sản xuất giống lúa TBR97, bà Nguyễn Thị Hòa (thôn Hiển Vinh, xã Duy Ninh) cho hay, gia đình có khoảng 10ha ruộng. Qua tìm hiểu thông tin về các giống lúa mới, bà mạnh dạn làm mô hình với diện tích hơn 2ha.
Bà Hòa cho biết trong quá trình làm mô hình cho thấy giống lúa TBR97 dễ canh tác. Cây lúa khỏe, đẻ nhánh nhiều và cứng cây, chống đổ ngã tốt.
“Gia đình tôi đã thuê máy gặt chuẩn bị thu hoạch. Tới hôm nay có thể khẳng định mô hình sản xuất giống lúa TBR97 được mùa lớn. Ruộng gia đình tôi ước năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha. Trừ chi phí, giống lúa TBR97 cho bà con lãi vụ hè thu này khoảng 30 triệu đồng mỗi ha” – bà Hòa phấn khởi.
Những ruộng lúa TBR87 hiện đã chín vàng rực, bông lúa dài, cúi đều. Trên bờ ruộng, mọi người xúm vào xem tổ kỹ thuật gặt lúa vò lấy hạt để đối chứng năng suất. Kết quả, giống TBR87 đạt gần 68 tạ/ha, cao hơn giống lúa đối chứng 12 tạ/ha.
Có mặt tại cánh đồng của HTX Hiển Vinh, ông Trương Văn Lê, Giám đốc HTX Minh Trung (xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết đã tìm hiểu về giống TBR87, TBR97 nên về tận nơi để tận mắt thấy.
“Giống lúa này có chất lượng cao, năng suất và có nhiều ưu điểm, nấu cơm thơm, dẻo vừa phải nên rất phù hợp cho mọi gia đình. Vụ tới, tôi sẽ động viên bà con xã viên của HTX đưa giống này vào sản xuất thử để làm cơ sở nhân rộng” – ông Lê chia sẻ.
Ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quảng Ninh là người theo dõi sát mô hình sản xuất thử nghiệm cho biết, các giống TBR87 và TBR97 ngắn ngày (thời gian sinh trưởng từ 90 – 95 ngày), đẻ nhánh khoẻ và cứng cây, chống chịu tốt sâu bệnh hại, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương.
“Các giống lúa này có khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận. Khi lúa trỗ bông gặp mưa to, gió lớn nhưng tỷ lệ hạt lép thấp, hạt bị đen ít hơn so với các giống đối chứng. Bên cạnh đó, khả năng chống chịu với một số sâu bệnh hại chính trên đồng ruộng như bệnh khô vằn, bênh bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… tốt hơn các giống tại địa phương” – ông Trung nói thêm.
Ông Trung cũng đã đề nghị các HTX tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed để nhân rộng giống TBR97, TBR87 trên nhiều chân đất nhằm khẳng định các ưu điểm của giống để nhân rộng hơn nữa trên địa bàn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của giống lúa TBR87 và TBR97 trên địa bàn để có kết luận chính xác tính thích nghi và khả năng chống chịu một số đối tượng sâu bệnh chính trong vụ đông xuân và hè thu các năm tới. Qua đó làm cơ sở để dần thay thế các giống đã gieo cấy nhiều năm tại địa phương hiện đang bộc lộ nhiều khuyết điểm”, ông Trần Văn Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Ninh cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn