Chiều 13/12, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) ký Bản ghi nhớ bổ sung với Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), Philippines về Hợp tác phát triển và mở rộng quy mô các công nghệ mới và Đổi mới sáng tạo cho ngành lúa gạo tại Việt Nam.
Biên bản được ký kết trong khuôn khổ Hội thảo Quốc tế, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo về lúa gạo tại Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023.
Theo Bản ghi nhớ bổ sung, Bộ NN-PTNT và IRRI sẽ cùng hướng tới và tăng cường hơn nữa hợp tác giữa các nhà khoa học lúa gạo của Việt Nam và IRRI. Biên bản ghi nhớ bổ sung này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ có hiệu lực đến năm 2030.
Hai bên sẽ ưu tiên thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển và mở rộng quy mô công nghệ mới và đổi mới sáng tạo trong 6 lĩnh vực.
Thứ nhất, về phát triển giống lúa mới phù hợp với nhiều điều kiện và sinh thái khác nhau, hai bên sẽ trao đổi nguồn gen lúa và vật liệu nhân giống được phép; Các giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu (kháng bệnh; chịu mặn, chịu hạn, chịu lũ) và giảm thiểu biến đổi khí hậu (giảm phát thải khí nhà kính); Thị trường giống lúa thông minh; Các giống lúa có chỉ số đường huyết (Glycemic index – GI) thấp và giá trị cao.
Thứ hai, hai bên sẽ phát triển công nghệ theo hướng bền vững, chuỗi giá trị lúa gạo dựa vào các bon thấp, tiếp thị và hỗ trợ chính sách. Trong đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị lúa gạo các bon thấp và bền vững được cải thiện, đặc biệt trong nguồn cung hướng tới xuất khẩu, để thực hiện đúng các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững liên quan đến giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thúc đẩy truy xuất nguồn gốc ở cấp độ trang trại và nông dân. Hướng dẫn chuyển đổi các bon thấp, hệ thống xây dựng thương hiệu các bon thấp.
Thứ ba, hai bên sẽ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp chính xác và nông nghiệp số để thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tính bền vững và phát thải thấp. Trong đó có lập kế hoạch thích ứng thông minh với khí hậu, giám sát, cảnh báo khí hậu và ưu tiên lĩnh vực nông học trong một môi trường đang thay đổi. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám và quản lý cây trồng dựa vào sử dụng thiết bị bay không người lái, gieo sạ chính xác.
Thứ tư, về cải thiện quản lý phụ phẩm cây trồng và nền kinh tế tuần hoàn, cải thiện chuỗi giá trị dựa trên rơm rạ, theo hướng phát thải thấp và thu nhập cao, đổi mới sáng tạo về rơm rạ hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn…
Thứ năm, về dấu chân các bon và phát triển hệ thống/khung Giám sát, Báo cáo, Thẩm định (MRV), trong đó phát triển khung và công cụ MRV cho lúa gạo, bao gồm giám sát và báo cáo về quản lý nước, phân bón và phụ phẩm, xác minh dựa trên viễn thám, các công cụ số để xác định đường phát thải cơ sở hoặc mức tham chiếu lượng.
Cuối cùng là nội dung về hỗ trợ phát triển năng lực và dịch vụ khuyến nông, phát triển nguồn nhân lực khoa học cho lúa gạo, chuyên gia khuyến nông và nông dân điển hình. Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia phát triển các công nghệ và giải pháp mới.
Việc thực hiện các ưu tiên nêu trong sáu lĩnh vực trên sẽ thông qua các dự án song phương và đa phương, các Sáng kiến Một CGIAR và các chương trình của Chính phủ Việt Nam, bao gồm đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Nguồn: nongnghiep.vn