Chiều 21/8, tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng, thời gian qua, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nông thủy sản Việt Nam, nhất là hàng hóa xuất khẩu vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Một số hàng hóa của Việt Nam bị phát hiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bị từ chối khi xuất khẩu, ảnh hưởng xấu đến thương hiệu hàng Việt Nam.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết cần làm gì để kiểm soát, nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa nông thủy sản Việt Nam, đồng thời Bộ trưởng có khuyến cáo cụ thể gì đối với bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trả lời mối quan tâm của đại biểu Hoàng Đức Thắng về an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời gian vừa quan các vụ ngộ độc thực phẩm cũng đã giảm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp sản phẩm của chúng ta bị các thị trường nước ngoài trả về do chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm “sạch từ nông trại đến bàn ăn”. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành liên quan để kiểm soát vấn đề này.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng chuỗi liên kết để có được sản phẩm sạch, vượt qua các rào cản để xuất khẩu được đối với một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ như nước ta hiện nay thì cần nhiều nỗ lực.
Cần truyền thông để nâng cao nhận thức, giám sát, đặc biệt cần truyền tải để bà con nông dân hiểu rằng chúng ta phải là người sản xuất có trách nhiệm, kể cả doanh nghiệp cũng không vì lợi nhuận mà đánh đổi sức khỏe của người tiêu dùng trong nước và hình ảnh của nông sản quốc gia.
Sau vấn đề này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) có câu hỏi cho Bộ trưởng Lê Minh Hoan về kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở Việt Nam đã được triển khai.
Đại biểu quan tâm việc nghiên cứu sản xuất giống cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Bộ NN-PTNT triển khai thế nào, bởi vấn đề này đang được người dân ở ĐBSCL đang rất quan tâm nhằm chủ động với các phương án trong sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, biến đổi khí hậu là thách thức lớn và ĐBSCL là 1 trong 5 đồng bằng chịu tổn thương rõ nét nhất. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT tiếp tục xem xét, khảo sát và quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn.
Cụ thể, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu để tạo ra những giống ngắn ngày chịu hạn, chịu mặn tốt hơn; đồng thời thay đổi những mô hình sinh kế để đảm bảo thích ứng với nền nông nghiệp khan hiếm nước.
Liên quan đến tranh luận về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, tới thời điểm này chúng ta giữ ổn định 3,5 triệu hecta diện tích đất trồng lúa đảm bảo mục tiêu đề ra tới năm 2030. Do đó, chúng ta không quá lo ngại an ninh lương thực quốc gia trong bất kỳ tình huống rủi ro nào.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, hiện chúng ta xuất khẩu 1/3 sản lượng gạo, tiêu dùng nội địa chiếm 2/3 nên vẫn còn dư địa tương đối lớn. Tới đây chúng ta sẽ nghĩ đến câu chuyện đảm bảo dinh dưỡng cho người dân chứ không phải là an ninh lương thực đơn thuần.
Nguồn: nongnghiep.vn