Khu công nghiệp Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy) có quy mô gần 600ha đang thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Tại đây, các hoạt động thi công, xây dựng đang diễn ra với mật độ sôi động.
Theo dự báo, tâm bão sẽ đi thẳng qua địa bàn huyện Thái Thụy. Đây cũng là huyện ven biển có nhiều dự án quan trọng và có tuyến đê biển xung yếu.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Green i-Park (chủ đầu tư KCN Liên Hà Thái) cho biết, để đối phó với bão số 3, công ty đã huy động 100% cán bộ nhân viên túc trực chống bão, kích hoạt công tác cứu hộ cứu nạn tại Trung tâm Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn của KCN. Đồng thời liên hệ phối hợp với chính quyền địa phương thông báo các đầu mối phối hợp phòng chống bão.
Hiện nay, tại KCN Liên Hà Thái có 24 nhà đầu tư thứ cấp. Trong các ngày 4 – 5/9, Green i-Park đã thông báo tới tất cả các nhà đầu tư, nhà thầu về yêu cầu chống bão, tổ chức khơi thông các kênh thoát nước, yêu cầu hạ cần cẩu, chằng chống nhà cửa.
Ngoài ra, Ban quản lý KCN Liên Hà Thái cũng tiến hành gia cố, tạo tuyến thoát nước kênh mương cho KCN và khu dân cư lân cận, chằng buộc các hạng mục hạ tầng nhà cửa. Trạm bơm cứu hộ Mai Diêm có công suất 6.000m3/giờ đã sẵn sàng phương án bơm cưỡng bức chống ngập lụt trong trường hợp ngập úng. Hồ xử lý sự cố, trạm xử lý nước thải cũng đã sẵn sàng.
Ngay trong chiều 6/9, BQL KCN đã dọn dẹp, tháo dỡ rào tôn công trường 2 công trình đang thi công. Ngoài ra, KCN đã lập 2 khu cư trú có thể đáp ứng cho 150 người với đầy đủ nhu yếu phẩn, thực phẩm… phục vụ cho bà con bị hư hỏng nhà, tốc mái, không nơi nương tựa trong thời gian bão xảy ra. Tất cả công tác chống bão của KCN Liên Hà Thái hoàn thành trước 16 giờ chiều 6/9.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án tại KCN Liên Hà Thái thực hiện đồng bộ các biện pháp ứng phó với bão, không chủ quan, lơ là; đảm bảo an toàn tài sản, phương tiện và dừng các hoạt động thi công trước khi bão số 3 đổ bộ.
Cũng trong chiều 6/9, Đoàn công tác kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại cảng cá Tân Sơn (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy). Tại đây, các tàu thuyền đánh bắt của ngư dân đã được tập kết, neo đậu, gia cố an toàn sẵn sàng đón bão.
Theo báo cáo của huyện Thái Thụy, đến 7 giờ ngày 6/9, trên địa bàn huyện Thái Thụy có 494 phương tiện với 1.797 lao động đang hoạt động trên biển. Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm; trong đó, 448 phương tiện với 1.778 lao động đã neo đậu an toàn tại các bến; còn 6 phương tiện với 19 lao động đang hoạt động, 8 phương tiện với 48 lao động tỉnh ngoài đang neo đậu tại huyện; hơn 10 phương tiện của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đang neo đậu tại cảng xăng dầu Hải Hà và một số phương tiện thủy như sà lan, tàu hút neo đậu tại khu vực cửa biển.
Số lao động trên các chòi ngao, cát là 169 lao động tại 179 chòi. Toàn huyện có hiện có 381 hộ với 1.183 người đang sinh sống ngoài đê chính, hiện đã di dời được 591 người đến nơi tránh trú an toàn; 2.133 người là nữ giới, người già và trẻ em sống trong đê chính đang được di dời nội bộ đến nhà người thân trong khu vực.
Diện tích lúa mùa của huyện đã trỗ ước đạt 2.892/12.114ha; lúa đòng già dự kiến trỗ khoảng ngày 10/9 là trên 3.100ha. Diện tích cây màu hè đã thu hoạch đạt 382/700ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện khoảng trên 4.200ha.
Nhấn mạnh đây là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thái Bình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó với bão số 3; thực hiện nghiêm các công điện của Trung ương, của tỉnh theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các lực lượng ứng trực phòng chống bão số 3 tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của bão, chủ động ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp.
“Khi bão vào có thể có những tình huống bất ngờ xảy ra. Ví dụ như chúng ta di dời bà con đến nơi an toàn rồi, nhưng có thể còn một số trường hợp người dân lo lắng cho tài sản nên quay trở lại thì sẽ rất nguy hiểm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Thông tin về công tác ứng phó bão số 3 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết trên địa bàn tỉnh có tổng số 995 tàu, thuyền với 2.950 lao động đang hoạt động trên biển.
Đến 15 giờ ngày 6/9, có 18 phương tiện với 31 lao động hoạt động ở khu vực ven biển, 2 phương tiện/19 lao động hoạt động ở ngoài tỉnh. Còn lại 921 phương tiện/2606 lao động neo đậu ở các bến trong tỉnh và 54 phương tiện/294 lao động neo đậu ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Thái Bình cũng thu nhận 25 phương tiện/103 lao động ngoại tỉnh neo đậu tại các bến của tỉnh.
“Tất cả số phương tiện trên đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện hoạt động ở vùng nguy hiểm”, ông Hoàn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng cho hay toàn tỉnh hiện có gần 2.900 lao động canh coi tại hơn 2.300 chòi canh ngao, ao, đầm vùng nuôi trồng thủy, hải sản ven sông, ven biển tập trung ở các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà; có 681 lồng, bè trên sông, trong đó huyện Hưng Hà nhiều nhất với 275 lồng, huyện Quỳnh Phụ có 213 lồng; 1.129 bè nuôi hàu cửa sông.
“Thái Bình hiện có 7.731 hộ với 18.639 người sống trong nhà yếu. Các địa phương đang gấp rút triển khai phương án di dời người dân đến các khu vực kiên cố trước khi bão vào để đảm bảo an toàn trước 18 giờ hôm nay”.
Mấy ngày qua, Thái Bình đã lên phương án, kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng ứng trực phòng, chống bão; các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp chủ động có mặt tại các đơn vị, địa phương đã được phân công để kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc trong phòng, chống bão tại cơ sở; rà soát toàn bộ vật tư, phương tiện, con người một cách cụ thể, rõ ràng, bảo đảm thực chất, sẵn sàng cho mọi tình huống có thể xảy ra khi bão đổ bộ. Mục tiêu hàng đầu, đó là bảo đảm an toàn tính mạng người dân.
Nguồn: nongnghiep.vn