Xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) là vùng đất ven sông Cầu. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, đất đai màu mỡ, bà con nơi đây từ lâu đã gieo trồng giống nếp Thầu Dầu trứ danh. Qua đó, tạo ra nguồn nguyên liệu quý để chế biến nhiều sản phẩm đặc sản của huyện Phú Bình như tương nếp Úc Kỳ, cơm cháy, bánh dày…
Nếp Thầu Dầu mỗi năm chỉ trồng được một vụ và mất hơn 5 tháng mới được thu hoạch (cấy vào tháng 6 và thu hoạch vào tháng 11 hằng năm). Gạo nếp Thầu Dầu vị ngọt, ngậy, đậm đà, hương thơm dịu nhẹ, dẻo và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện toàn huyện Phú bình có trên 200ha trồng lúa nếp Thầu Dầu, trong đó riêng tại xã Úc Kỳ có trên 100ha.
Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu”. Sau thời gian dài phát triển, bên cạnh những thành công về thương hiệu và mở rộng diện tích, cánh đồng nếp Thầu Dầu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do suy thoái đất, thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Phân hữu cơ cải tạo đất cho vùng nếp Thầu Dầu
Thời điểm này, ruộng lúa nếp Thầu Dầu của gia đình bà Dương Thị Thành tại xóm Múc, xã Úc Kỳ đang thì con gái, xanh tốt mượt mà, lúa phát triển đều và không có dấu hiệu của sâu bệnh. Tuy nhiên, theo chia sẻ của bà Thành, 5 sào nếp Thầu Dầu của gia đình trong vài năm gần đây bị giảm năng suất và xuất hiện một số sâu bệnh hại vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, trái ngược với hình ảnh xanh tốt trong giai đoạn đẻ nhánh.
“5 sào ruộng này tôi cấy từ khi về đây lấy chồng năm 1989. Do thời gian dài sử dụng phân tổng hợp nên chất đất có chiều hướng đi xuống. Vài năm gần đây, sản lượng lúa của gia đình giảm rõ rệt”, bà Thành cho hay.
Vì sâu bệnh hại thường xuyên xẩy ra, bà Thành nhiều lần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc này khiến nông dân ở đây không an tâm về chất lượng lúa nếp cũng như mắc một số bệnh về đường hô hấp.
Ghi nhận tại địa phương, bà con vẫn canh tác lúa bằng phân đạm và các loại phân tan nhanh. Đặc biệt, do quen dùng các loại phân gốc chua trên nền đất chua nên càng làm đất chua thêm và có hiện tượng lúa mới cấy kém phát triển.
Ngoài ra, việc sử dụng phân tổng hợp bừa bãi, bón thừa đạm nhưng thiếu kali và các dinh dưỡng trung, vi lượng nên lúa thường đẻ nhiều, ruộng lúa nhanh tốt nhưng đổ nhiều, sâu bệnh nặng và cho năng suất, chất lượng thấp.
Vụ mùa 2024, thời tiết miền Bắc nói chung và tại Thái Nguyên nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường hơn nhiều năm gần đây, sâu bệnh, dịch hại có thể phát sinh nhiều, mưa nhiều gây ngập úng trên diện rộng.
Để cải tạo đất lúa và phòng trừ sâu bệnh trước điều kiện thời tiết bất thuận, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Công ty Cổ phần Nano Industry Đăng Quang đã triển khai hỗ trợ người dân sử dụng phân bón hữu cơ PAN công nghệ cao nano canxi silic trên cây lúa tại huyện Phú Bình.
PAN là dòng phân bón thế hệ mới, được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ (tro trấu, đạm cá, lân tự nhiên, kali humate, vôi bột). Đặc biệt, phân bón hữu cơ PAN có 2 thành phần dưỡng chất trung lượng thiết yếu là canxi và silic được chiết xuất bằng công nghệ nano giúp cây trồng có bộ rễ khỏe, cải tạo đất, tăng khả năng quang hợp, tăng sức đề kháng và chống chịu với sâu bệnh hại của cây lúa.
Các hạt nano có khả năng hấp thu các nguyên tố khác từ trong đất và vận chuyển các dưỡng chất vào các cơ quan khác nhau bên trong cây lúa. Đặc biệt, phân hữu cơ PAN có chức năng ổn định độ pH đất, cải tạo đất ngập mặn, đất bạc màu, giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt.
Được sản xuất bằng công nghệ nano nên người dân chỉ cần sử dụng một liều lượng nhỏ phân bón hữu cơ PAN vẫn đạt được hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, 1 lít phân bón PAN có thể phun qua lá, hoặc tưới gốc trên diện tích 1 – 1,5ha.
Theo dõi trên một số diện tích đối chứng cho thấy khi bón nhiều đạm, mật độ sâu cuốn lá nhỏ, khô vằn cao hơn hẳn so với mô hình sử dụng phân bón PAN, đặc biệt là giai đoạn lúa ôm đòng, trời thường xuyên có mưa, ẩm độ cao.
Canh tác hiệu quả nhờ thiết bị bay không người lái
Bên cạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ nhằm cải tạo đất, mô hình còn triển khai bón phân hữu cơ bằng thiết bị bay không người lái (drone). Thiết bị bay không người lái được lập trình theo lộ trình bay định sẵn với tốc độ bay ổn định nên độ có chính xác cao, đến từng cây lúa khi bón phân hữu cơ. Qua đó, tránh tình trạng phun chồng, phun lặp, bỏ sót, giúp tiết kiệm lượng phân.
Trong bối cảnh nhân lực làm nông nghiệp ở nông thôn ngày càng thiếu do chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, việc bón phân nhiều lần trong suốt chu kỳ sinh trưởng của cây lúa tốn nhiều chi phí đầu tư cho nhân công và thực tế việc tìm đủ nhân công là bài toán đau đầu của nhiều hộ nông dân. Việc sử dụng thiết bị bay không người lái cho hiệu quả tương đương nhưng giúp tăng năng suất lao động và rút ngắn thời gian bón phân trên cùng một đơn vị diện tích.
Bón phân hữu cơ cho cây lúa ngoài việc đáp ứng đầy đủ và cân đối các yếu tố dinh dưỡng thì cũng cần bón đúng thời điểm, đúng vị trí mới có thể giúp cây lúa khỏe, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh, từ đó cho năng suất tối ưu.
Nhìn những chiếc drone bay lên bón phân cho 3 sào ruộng chỉ trong khoảng chục phút, bà Lê Thị Định tấm tắc khen: “Cái máy bay này tiện quá, bay đi bay lại vài lượt là bón xong mấy sào ruộng. Chúng tôi mà dùng máy phun truyền thống chắc phải tốn cả ngày”.
Mặt khác, thiết bị bay không người lái cũng giúp nông dân hạn chế tiếp xúc với phân bón qua đường hô hấp, từ đó bảo vệ sức khỏe của mình.
Hiện cây lúa trên đồng đang phát triển xanh tốt, đẻ nhánh nhiều và bắt đầu vào thời kỳ làm đòng. Trước đó, việc gieo sạ bằng thiết bị bay cũng giúp ruộng lúa có mật độ phù hợp, giúp cây lúa đẻ nhánh khỏe hơn gieo truyền thống. Từ mô hình này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đang có kế hoạch mở rộng thêm nhiều mô hình điểm, tăng diện tích gieo sạ, bón phân bằng thiết bị bay trong những vụ sau.
Ông Nguyễn Đình Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cho biết, sử dụng phân bón hữu cơ PAN giúp lúa cứng cây, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, cải tạo đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, xây dựng các mô hình đưa tiến bộ kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm phục hồi, cải tạo đất.
Nguồn: nongnghiep.vn