Vinh dự và xúc động
Dù ở cái tuổi xưa nay hiếm (85 tuổi, xã Xuân Sinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ dường như có năng lượng làm việc vô hạn.
Ông dành cả cuộc đời để sáng tạo nghệ thuật, với số lượng tác phẩm điêu khắc, hội họa, phù điêu đồ sộ, nổi tiếng, được chọn, dựng, trải dài từ Bắc vào Nam. Điển hình tượng đài Ngã ba Đồng lộc, Lão dân quân Hoằng Trường, Khát vọng thống nhất, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Không quân Việt Nam…, cùng gần 600 bức tranh sơn dầu đặc sắc, được nhiều chuyên gia mỹ thuật và công chúng đánh giá cao. Với sức sáng tạo và sự đóng góp không ngừng nghỉ, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ được xem là viên ngọc quý của làng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam.
Sáng tạo nghệ thuật và nghiên cứu lịch sử, khoa học trở thành đam mê cháy bỏng trong con người ông. Bởi vậy từ chuyện Đông – Tây kim cổ, đến lịch sử văn hóa Việt Nam, rồi cả chuyện thiên văn, vũ trụ… nghệ sĩ ấy đều tỏ ra tường minh đến mức siêu phàm.
Di sản của nghệ sĩ Lê Đình Quỳ để lại cho đời rất lớn và nay ông tiếp tục thực hiện công việc ấy khi bước vào tuổi xế chiều. Với mỗi tác phẩm nghệ thuật, ông đều có cảm xúc riêng mà mỗi khi nhắc lại, người nghệ sĩ ấy không bỏ sót bất cứ chi tiết nào.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, tỉnh Thanh Hóa có chủ trương đúc tượng đồng Bác Hồ. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ, thời bấy giờ chưa có nơi nào đúc tượng Bác để có phiên bản nghiên cứu, thực hành. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ vinh dự được chọn là người phác thảo và làm phôi đúc tượng.
Người nghệ sĩ ấy dù đã quen với thiết kế hàng chục tượng đài, nhân vật lịch sử có tiếng trong cả nước, thế nhưng lần này cảm xúc khác hẳn mấy lần trước. Đón nhận trọng trách lớn lao, ông Quỳ không chỉ cảm thấy vinh dự mà còn khá áp lực.
“Áp lực lớn nhất của tôi là phải truyền thần vào bức tượng với thần thái uy nghi của vị cha già dân tộc. Các đường nét trên khuôn đặc biệt là đôi mắt phải đặc toát lên được khí chất của bậc vĩ nhân”, nghệ sĩ Lê Đình Quỳ chia sẻ.
Nói đến Bác Hồ thì ai cũng biết, nhưng để thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ được giao, nghệ sĩ Lê Đình Quỳ vẫn cẩn thận củng cố các tư liệu lịch sử về Bác để phác thảo chân dung Người. Ông Quỳ mất một vài tháng, đến các địa phương, gặp gỡ những người từng được tiếp xúc với Bác Hồ và lắng nghe cảm xúc của họ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Khi thu thập đầy đủ thông tin, ông mất 21 ngày để hoàn thiện bản phác thảo chân dung Bác Hồ và làm phôi tượng. Công đoạn đắp tượng, ông tốn khá nhiều công sức để dựng và sửa phôi, thậm chí phải làm đi làm vì cảm thấy chưa ưng ý.
“Phác thảo đã khó nhưng truyền thần vào bức tượng còn khó hơn. Tuy là hai công đoạn khác nhau nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và phải đảm bảo yếu tố mỹ quan. Dù là bản thảo hay phôi tượng thì hình ảnh phải có hồn, chân thực”, họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ chia sẻ.
Ngày phôi tượng Bác Hồ làm bằng đất sét được đưa về làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, ông Quỳ theo chân bà con đến nơi chế tác để quan sát, góp ý và hồi hộp chờ đợi bức tượng thành phẩm. Bức tượng ấy không chỉ thể hiện tình cảm của người Thanh Hóa nói chung đối với Bác Hồ, mà còn biểu trưng cho tình đoàn kết của người dân làng nghề đúc đồng thông qua hoạt động hết sức ý nghĩa này.
Dân làng háo hức với bức tượng đồng đầu tiên về Bác Hồ
Làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa được chọn là nơi đúc tượng Bác Hồ. Tuy nhiên, thời ấy, đồng khó kiếm hơn bây giờ. Để có nguyên liệu đúc đồng, chính quyền địa phương đã kêu gọi người dân trong và ngoài huyện đóng góp đồng, tùy theo điều kiện hoàn cảnh.
Hưởng ứng chủ trương, người chiếc mâm, người cái nồi, bát… để ủng hộ việc đúc tượng. Chẳng mấy chốc lượng đồng ủng hộ không những đủ mà còn dư rất nhiều. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 6 tạ đồng được người dân ủng hộ đúc tượng Bác Hồ.
Là một trong những gia đình từng tham gia đúc tượng Bác Hồ, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cho biết, đó là niềm tự hào, vinh dự lớn đối với người dân làng nghề đúc đồng Trà Đông. Năm 1970, bố ông là cụ Nguyễn Bá Xuân (sinh năm 1924) – Phó chủ nhiệm Hợp tác xã đúc đồng Trà Đông cùng nhiều thành viên của hợp tác xã hăng hái tham gia đúc tượng sau khi nhận được chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Để làm bức tượng, hợp tác xã trong xã đã bố trí 12 lò tại sân hợp tác xã đúc đồng. Hợp tác xã cử các nghệ nhân có tay nghề, kinh nghiệm trực tiếp chỉ đạo các công đoạn làm tượng; thanh niên trai tráng tham gia vào thực hiện công việc nặng nhọc hơn (nấu đồng, đưa đồng vào khuôn…).
Các công đoạn đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, chỉ cần sai một vài quy trình và động tác thì bức tượng sẽ không được như ý, thậm chí gây nguy hiểm cho người tham gia. Ròng rã gần 2 tháng trời, tốp thợ làm việc ngày, đêm, gần như không có ngày nghỉ. Phía ngoài, người dân đã chuẩn bị sẵn bánh mì, sữa để tổ thợ lót dạ khi giải lao.
Những ngày làm tượng Bác Hồ, sân hợp tác xã lúc nào cũng tập kín người để động viên, giúp sức cho các nghệ nhân. Buổi tối mọi người quây quần, chuyện trò và cổ vũ đội nghệ nhân làm việc. Cảnh đúc tượng đồng Bác Hồ khi ấy có sự chứng kiến của hàng nghìn người dân địa phương, với tâm trạng thành kính xen lẫn háo hức.
Mất gần 2 tháng kể từ khi chuẩn bị khuôn, lò nấu, bức tượng có trọng lượng 370kg, cao 1,3m chính thức hoàn thiện trong sự vui mừng của nhiều người.
Ông Châu cho hay, sau khi kiệt tác bức tượng đồng về Bác Hồ được hoàn thiện, người dân địa phương ai cũng vui mừng, xúc động. Đặc biệt, trong buổi rước tượng Bác Hồ về huyện, hàng nghìn người dân đã tập trung tại xã rồi nối thành hàng dài hàng km để dõi theo trong niềm tôn kính.
“Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với làng đúc đồng Trà Đông nói chung, các nghệ nhân tham gia đúc tượng Bác Hồ nói riêng. Dân làng luôn xem đó là vinh dự và rất đỗi tự hào vì thực hiện được việc làm có ý nghĩa. Nhiều thế hệ trong làng đều truyền tai nhau và nhắc nhớ cho thế hệ sau về câu chuyện xúc động này”, ông Châu tâm sự.
Hiện nay, bức tượng Bác Hồ được an vị tại khu Di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa, thời kỳ 1967-1973, thuộc xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa. Vào các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh 2/9, nhiều đoàn tham quan thường về đây dâng hương báo công với Bác.
Hơn nửa thế kỷ kể từ khi bức tượng Bác Hồ bằng đồng đầu tiên ra đời, làng nghề đúc đồng Trà Đông vẫn luôn đỏ lửa. Những nghệ nhân nơi đây với tài năng, tâm huyết và đôi bàn tay khéo léo của mình, đã đưa danh tiếng làng nghề vang xa, góp phần gìn giữ truyền thống văn hóa địa phương…
Nguồn: nongnghiep.vn