Xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) có đến một nửa xã người dân sống bằng nghề trồng rau. Chỉ tuần trước, vào mỗi buổi sáng, khu vực cánh đồng rau luôn nhộn nhịp các xe đổ về thu mua nhưng giờ đây không một bóng người, chỉ mênh mông nước.
Ông Huy – người dân thôn Yên Thành (xã Tuy Lộc) chèo thuyền dẫn chúng tôi ra cánh đồng rau. Càng vào bên trong cánh đồng, tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của vùng rau ai cũng xót xa. Nước sông Hồng đã rút nhưng do ở vùng trũng thấp nên toàn bộ diện tích rau quả của bà con vẫn ngập sâu, ruộng nào cao nước rút đi để lại bùn non lấp kín mặt ruộng, lưới che bảo vệ rau và bạt nilon đều bị cuốn trôi hoặc vùi trong bùn cát.
Phía xa là cảnh người dân đang hì hục kéo bùn non, thu dọn lưới bạt trong mớ hỗn độn, có hộ ruộng gần đê đang san lại đất để chờ nắng ráo kịp thời xuống giống lại, mặt ai cũng buồn rười rượi.
Đến khu ruộng của gia đình, ông Huy cũng không thể xác định được ruộng ở vị trí nào, bởi đâu cũng là nước. Theo ông Huy, hộ thiệt hại thấp nhất trong đợt lũ này từ 3 đến 5 triệu đồng, có hộ thiệt hại nặng lên đến hàng trăm triệu đồng.
4 sào đỗ của gia đình chị Hà đã bị cuốn theo nước lũ, số còn lại bị bùn đất bao vây. Hì hục kéo bùn từ các lớp bạt che, chị Nguyễn Thị Hà buồn bã: “Vợ chồng tôi đầu tư gần 10 triệu đồng cho diện tích trồng đỗ này để chuẩn bị bán Tết, giờ hỏng hết rồi. Mấy năm trước tuy mưa bão lớn nhưng vùng này ít bị thiệt hại nặng như năm nay”.
Thời điểm này mọi năm, nông dân tại vựa rau xanh Tuy Lộc đang tích cực chăm sóc, gieo trồng các loại rau màu để phục vụ nhu cầu cuối năm, nhưng năm nay nông dân chỉ biết nhìn bốn bề mênh mông là nước, cây cối phủ đen bùn đất.
Nghề trồng rau mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân xã Tuy Lộc, không chỉ mất trăng vụ rau, nông dân nơi đây còn loay hoay tìm phương án cải tạo đất để tái sản xuất. Do phải tập trung khắc phục các công trình hạ tầng phục vụ đi lại, đến nay xã Tuy Lộc chưa có đánh giá chính xác mức độ thiệt hại nông nghiệp vì diện tích rau lớn, trải dài.
Theo ông Vũ Kim Việt, Chủ tịch UBND xã Tuy Lộc, với diện tích trên 70ha, rau màu là sản phẩm chủ lực, mang lại thu nhập chính cho người dân trong xã. Đến nay gần như toàn bộ diện tích rau, hoa màu của xã đã bị mất trắng. Điều đáng lo là sau khi nước rút, lượng bùn đất bồi lấp dày, sẽ rất khó khăn trong việc vệ sinh đồng ruộng, xác định ranh giới. Việc khắc phục sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc của nhân dân, đã có nhiều hộ dân nghĩ đến việc bỏ đồng ruộng để làm công việc khác.
Nguồn: nongnghiep.vn