Khơi dậy các giá trị tiềm ẩn
Tiếp nối đà tăng trưởng mạnh của năm 2023, tính đến tháng 7/2024 ngành hàng rau quả xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD. Dự báo năm 2024 ngành hàng rau quả sẽ xác lập nhiều kỷ lục mới, tuy nhiên, dẫn chứng câu chuyện cây trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã có những chia sẻ về giải pháp nâng cao giá trị ngành hàng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Ngành hàng rau quả nói chung và trái cây nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên chúng ta phải hướng đến những giá trị mới mẻ hơn ngoài câu chuyện thương mại nông sản.
Ví dụ, với vùng ĐBSCL, cần phải định vị lại ngành hàng trái cây và ngành hàng nông sản, không còn đơn thuần là chuyện thương mại nông sản mà phải gắn liền với câu chuyện vùng nguyên liệu đồng bằng, gắn liền với những giá trị lịch sử hình thành vùng đất, gắn liền với giá trị văn hóa của người đồng bằng…
Nghĩa là cần nhìn thấy cảm xúc của cả một không gian văn hóa nhà vườn, nhìn thấy hình ảnh người nông dân chúng ta cần mẫn tạo ra sản phẩm trái cây, những giá trị tiềm ẩn mà lâu nay chưa nhìn thấy. Từ đó tôn vinh người nông dân, tôn vinh hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nhau tạo ra ngành hàng trái cây của vùng ĐBSCL.
Tự ngàn xưa, nhắc đến trái cây Việt Nam ai ai cũng nghĩ ngay đến miền Tây Nam bộ, nơi có những miệt vườn xanh tươi nằm ở đôi bờ sông Tiền và sông Hậu. Với tổng diện tích hơn 390 ngàn ha trồng cây ăn trái, mỗi năm ĐBSCL cho sản lượng bình quân 5,5 triệu tấn, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu tươi với sản lượng xuất khẩu chiếm khoảng 70% trái cây cả nước.
Cây trái đồng bằng không chỉ mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng đất mà còn là kết tinh văn hóa, mang tâm hồn người bản xứ. Những sản phẩm trái cây đặc trưng của ĐBSCL như bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng (Bến Tre); cam sành, bưởi năm roi, chôm chôm (Vĩnh Long); khóm Cầu Đúc (Hậu Giang); khóm Tắc Cậu (Kiên Giang); xoài Cao Lãnh, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp); dừa sáp (Trà Vinh); thanh long (Tiền Giang, Long An)…
Trong đó tỉnh Tiền Giang được mệnh danh là vương quốc trái cây, với khoảng 84.000ha trồng cây ăn trái, sản lượng mỗi năm trên 1,8 triệu tấn. Từ lâu nhiều loại cây trái đã trở thành thương hiệu nổi tiếng ở Tiền Giang như: sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, sa pô Mặc Bắc Kim Sơn…
Trái cây Tiền Giang hiện giữ vị trí chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp địa phương. Năm 2023, xuất khẩu trái cây chính ngạch của tỉnh trên 23,8 ngàn tấn, mang về cho tỉnh gần 50 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2024, đã xuất khẩu hơn 13 ngàn tấn, giá trị xuất trên 26 triệu USD, tăng 129,5% về lượng và tăng 137% về trị giá so cùng kỳ năm trước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: Nhìn chung ngành hàng nông sản của chúng ta hiện nay còn rời rạc, cần phải liên kết lại, hợp tác với nhau để cùng nhau giới thiệu với thế giới bản đồ trái cây Việt Nam “mùa nào thức nấy”, một ngành hàng trái cây Việt Nam đã và đang thay đổi để phù hợp với xu thế. Sẽ không say sưa với sản lượng, không say sưa với câu chuyện tự mình khẳng định rằng “trái cây của tôi ngon” nữa mà cần phải thay đổi từ trong tâm thức, suy nghĩ rằng ngoài ngon ra còn phải hướng đến giá trị dinh dưỡng và nhiều giá trị khác.
Muốn làm được như thế cần sự hợp tác giữa nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân… Cần loại bỏ tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ, liên kết cùng nhau số hóa ngành hàng, truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu, thị trường, lường trước những rủi ro để có giải pháp ứng phó…
Cùng với đó là giải pháp về khoa học. “Ví dụ với ĐBSCL, thách thức hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu, vậy thì nhìn nhận rủi ro có thể xảy ra như thế nào, giải pháp ra sao, giống cây ăn quả nào có thể chịu được hạn mặn, quy trình sản xuất thế nào có thể hạn chế rủi ro giúp bà con… Đó là điều cần giải pháp từ khoa học công nghệ, từ các cơ sở nghiên cứu, từ các nhà khoa học để vào cuộc nghiên cứu, giúp bà con, hỗ trợ các địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Tháo nút thắt vùng nguyên liệu và chế biến sâu để tỏa sáng
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát (Tập đoàn Andros) cho biết: Từ năm 2016, Công ty đã gia nhập Tập đoàn Andros, một tập đoàn đa quốc gia với hơn 40 nhà máy chế biến trái cây đặt tại 25 quốc gia trên khắp thế giới và dẫn đầu thị trường châu Âu trong ngành công nghiệp chế biến trái cây. Ngoài Tiền Giang, Andros cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với tỉnh An Giang để phát triển vùng nguyên liệu xoài 350ha đạt chứng nhận Global GAP, tương đương 5.000 tấn xoài nguyên liệu hàng năm tại huyện An Phú. Phối hợp với tỉnh Bình Thuận hoàn thành chứng nhận Global GAP cho thanh long, mở vùng nguyên liệu chanh dây tại tỉnh Đắk Lắk…
Nắm bắt xu thế tiêu dùng của thế giới ngày càng ưa chuộng các loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng đến từ vùng nhiệt đới, Andros đã mua lại 2 nhà máy tại Tiền Giang và liên kết với các hợp tác xã, bà con nông dân sản xuất trái cây theo quy trình xuất khẩu. Nếu thời điểm Andros đầu tư vào tỉnh Tiền Giang, mỗi năm Công ty TNHH Sản xuất trái cây Hùng Phát chỉ xuất khẩu được 3.000 tấn thì đến năm 2023 vừa rồi, nhờ liên kết sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, con số xuất khẩu đã tăng lên hơn 15.000 tấn.
Mục tiêu xa hơn của Andros sẽ đưa Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng trở thành nơi xuất khẩu nguồn nguyên liệu trái cây tươi cho tập đoàn tại những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, thông qua xây dựng vùng nguyên liệu trái cây bền vững, thân thiện môi trường và an toàn sức khoẻ.
“Xác định nút thắt là vùng nguyên liệu và chế biến, Hùng Phát tập trung hỗ trợ bà con, hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết các giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ để từng bước đưa trái cây Việt Nam đáp ứng mọi tiêu chuẩn thị trường, để quảng bá cho thế giới thấy chất lượng của trái cây Việt Nam thực sự tuyệt vời. Sau tiêu chuẩn an toàn GlobalGAP, hiện chúng tôi đang hướng đến tiêu chuẩn chất lượng cao Organic, trước mắt đã thử nghiệm 20ha chanh dây theo quy trình cao nhất tại khu vực Tây Nguyên. Chỉ cần tháo gỡ nút thắt vùng nguyên liệu và bảo quản chế biến, ngành hàng trái cây Việt nam chắc chắn còn tiếp tục bùng nổ”, Giám đốc sản xuất của Công ty TNHH sản xuất trái cây Hùng Phát phân tích.
“Cần phải thay đổi tư duy hợp tác, liên kết vùng với nhau, để có thể thay thế cho nhau. Ví dụ cùng một trái xoài mùa này Tiền Giang đã có rồi nhưng Đồng Tháp chưa có, rải ra để giới thiệu bản đồ thu hoạch cho từng loại trái cây trong vùng, để người tiêu dùng biết “mùa nào thức nấy”. Các vùng cây ăn quả khác trên cả nước cũng vậy, cần sự liên kết lại, tạo thành sự hợp tác liên kết thực sự bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ
Nguồn: nongnghiep.vn