Trong khi nhiều gia đình nông thôn khác giờ đang chuyển đổi nghề sang dịch vụ, công nghiệp hay lao động tự do, đặc biệt là những người trẻ thì hai mẹ con chị Nguyễn Thị Lâm lại chọn trở thành thành viên của HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Chị tâm sự năm nay mình ngót 60 tuổi, còn con trai 36 tuổi và vẫn ham mê làm nông hàng ngày.
Mấy năm trước con chị đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua chiếc xe tải 5 tạ chở hàng rau cho HTX, sáng sang nội thành giao, chiều về lại chăm sóc rau cùng mẹ. Nhờ đó thu nhập mỗi tháng của con được khoảng 15 triệu đồng, của mẹ được 5 – 7 triệu đồng, đảm bảo được nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.
Điều chị vui nhất là không chỉ vì kinh tế mà khi làm ra sản phẩm sạch, thứ nhất là đảm bảo an toàn cho chính mình, sau đó là cộng đồng 5 giờ sáng tôi đã ra đồng nhặt cỏ, bón phân, làm đất để 9 giờ nghỉ. Chiều từ 4 giờ thu hoạch đến đến 7 giờ tối để mai rau đi cho tươi.
Anh Ngô Văn Luyến – Phó Giám đốc HTX Sản xuất Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân kể, xưa HTX kiểu cũ tan rã, đến năm 2012 khi thấy Luật HTX mới ra đời, anh cùng với 9 người nữa đã đứng lên thành lập HTX kiểu mới để cùng nhau sản xuất rau an toàn, cùng nhau tiêu thụ sản phẩm.
Lúc đầu quy hoạch vùng sản xuất 10ha, nay đã lên tới 20ha với 96 thành viên. Năm 2018, HTX tiến hành liên kết ở trong huyện với các xã như Việt Long, Bắc Phú và ngoài tỉnh như Bắc Giang.
Mục đích là để cân đối trong việc tiêu thụ hàng hóa lẫn nhau, lúc thừa cũng như lúc thiếu. Trước đây HTX hoạt động độc lập, bị hạn chế ở chỗ khi các mối hàng không tiêu thụ được hết đành phải mang sản phẩm ra chợ bán, hàng VietGAP bằng với giá hàng thông thường, bị thương lái ép giá do không biết marketing, không biết tiếp cận hệ thống các cửa hàng.
Nay HTX làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các hộ, trường hợp sản xuất bị rủi ro như thiên tai, dịch bệnh thì cả hai bên cùng chịu.
Mỗi vụ, lãnh đạo HTX lại đi các điểm liên kết một lần để xem xét tình hình, còn việc kiểm tra thì phải đi đột xuất. Hộ sản xuất khi gặp tình trạng rau bị sâu bệnh thì quay clip gửi qua zalo cho HTX để xem nguyên nhân gì rồi gửi thuốc phòng trừ. Hộ sản xuất cũng phải tuân thủ việc ghi chép nhật ký gồm ủ phân với chế phẩm sinh học để diệt nấm hại và kích thích vi sinh vật có lợi, dùng thuốc BVTV sử dụng đúng trong danh mục, đảm bảo thời gian cách ly…
HTX nông nghiệp công nghệ cao Đông Xuân mới ra đời là một sản phẩm của đề án “Hỗ trợ Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030” trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Mục tiêu của HTX là sản xuất nông nghiệp sạch để tận dụng tối đa những thuận lợi của địa phương như đất đai, khí hậu, nguồn nước, nguyên liệu, lao động mà nhất là lao động ở độ tuổi mà các khu công nghiệp, nhà máy không nhận vào làm…
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp công nghệ cao Đông Xuân thông tin sản phẩm chính của đơn vị gồm các loại rau ăn lá, cây ăn quả, các loại củ như bí đỏ, cà chua, khoai tây…Không chỉ sản xuất thô, HTX đã bước đầu tinh chế được tinh dầu húng quế để làm gia tăng giá trị khi bán ra thị trường.
Với số vốn điều lệ 1 tỷ đồng và số lượng thành viên 14 người, còn khá khiêm tốn nhưng đơn vị đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ cho sản xuất và sơ chế, chế biến.
Kể từ khi thành lập, Hội LHPN Thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã đồng hành, sát cánh với HTX nông nghiệp công nghệ cao Đông Xuân trong việc tập huấn kiến thức, kỹ năng marketing, bán hàng online…cho các thành viên.
Để từ đó họ có thể tự chủ trong việc sản xuất, cũng như tự tin trong việc giới thiệu, quảng bá hàng và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó mà kinh tế hộ của các thành viên được cải thiện, môi trường thôn xóm thêm xanh, sạch, góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Đông Xuân.
Nguồn: nongnghiep.vn