Tôi hỏi về cái tên khá kỳ lạ, bưởi Thồ, người bảo quả của bưởi Thồ có dạng bầu dục bày gọn gàng vào sọt nên được cánh xe thồ rất ưa chuộng nên gọi là bưởi Thồ, kẻ thì lại giải thích bởi vị quả ngọt chua chua kiểu “thồ thồ” nên gọi là bưởi Thồ.
Không giống bưởi gì trồng nhàn nhã như loại bưởi này. 9 sào vườn nhà ông Mai Như Khúc có 3 loại bưởi là Thồ, Diễn và đỏ Tân Lạc nhưng riêng bưởi Thồ không phải thụ phấn bổ sung, thu hoạch xong chỉ tỉa cành, bón 1 lần phân NPK-S Lâm Thao và 3 lần kali, phun thuốc sâu 1 lần vào giai đoạn chuẩn bị ra nụ là có thể “kê cao gối mà ngủ”. Nếu lúc này cây có biểu hiện thiếu chất thì có thể bón thúc cho đến khoảng 2 tháng trước khi thu hoạch. Để ngăn rụng trái và kéo dài mùa hái họ cũng dùng NPK-S, Lâm Thao.
Hiện ở làng Hòa Thượng có chừng 30 gia đình có vườn bưởi lâu năm như ông Khúc còn tổng diện tích cả cây non lẫn già có khoảng 31,3 ha. Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc mà không chăm sóc cẩn thận là quả nhỏ, chất lượng kém ngay, còn trồng bưởi Thồ không mấy khi sợ mất mùa, mỗi gốc trung bình cho 300 quả, có gốc kỷ lục đạt 500 quả, phải dùng cả sào tre chống cho khỏi gẫy cành. Đến vườn bưởi lúc ấy ai cũng hít hà mùi thơm nức, cũng cố nhìn cho đã mắt màu vàng óng của thứ quả đặc sản có hình dáng đặc dị.
Bởi chín sớm, chất lượng ngon, hình thức đẹp nên bưởi Thồ luôn không có đủ để mà bán, giá mỗi quả 35.000-40.000đ mà vẫn tranh nhau đặt mua để ăn, để biếu, để bày cỗ cho đêm hội trăng rằm. 5 sào bưởi Thồ của ông Khúc mỗi năm cho lãi chừng 130-140 triệu trong khi 4 sào bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc chỉ cho lãi 30 triệu. Tính ra mỗi gốc bưởi Thồ trên 10-15 năm trở lên cho thu nhập 10-12 triệu là điều hết sức bình thường.
Năm 2017 thành phố đã công nhận được 8 cây bưởi Thồ đầu dòng tại 3 hộ Mai Như Khúc (3 cây), Mai Thị Hay (3 cây), Nguyễn Duy Dưỡng (2 cây). Năm 2018 lại công nhận tiếp được 20 cây tại 4 hộ Mai Như Khúc (5 cây), Đỗ Đình Thi (4 cây), Đỗ Đình lộc (4 cây), Mai Thị Hay (7 cây). Đây chính là cơ sở để chọn tạo, nhân giống bưởi quý này ra sản xuất trong và ngoài địa phương.
Thủ đô có hàng chục giống bưởi quý như bưởi Diễn, bưởi đường La Tinh, bưởi đường Cát Quế, bưởi đường Hiệp Thuận, bưởi Quế Dương, bưởi đào chín sớm Song Phượng, bưởi Tam Vân, bưởi thồ Bạch Hạ, bưởi chua đầu tôm, bưởi đỏ Tráng Việt…Trong đó vô địch về diện tích là bưởi Diễn chiếm khoảng 80%, vô địch về chín sớm và cả năng suất, chất lượng lẫn giá bán là bưởi Thồ.
Tại lễ công bố nhãn hiệu tập thể bưởi mấy năm trước, ông Nguyễn Xuân Đại hồi ấy còn đang là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội đã nhận định bưởi Thồ là giống bưởi quý, có chất lượng tốt, thu hoạch sớm, đáp ứng yêu cầu rải vụ trong năm.
Điều đặc biệt là trong khi hầu hết các giống bưởi đều không thể chống chịu được khi trồng ở vùng chiêm trũng nhưng bưởi Thồ lại thích nghi rất tốt nên là tiền đề để phát triển ở các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Hiện, ngành nông nghiệp Hà Nội đang đẩy mạnh bảo tồn, nhân rộng nguồn gen giống đặc sản này cũng như xây dựng thương hiệu, tìm doanh nghiệp chế biến, bảo quả, bao tiêu đầu ra…Kể từ khi được công nhận OCOP 3 sao thì danh tiếng của quả bưởi Thồ càng nổi.
Điểm nổi bật của bưởi Thồ Bạch Hạ nằm ở thời gian chín rất sớm và mẫu mã đẹp, chất lượng ngon. Hiện rất nhiều gia đình ở Bạch Hạ trồng bưởi tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ. Có thể nói hiếm có loại bưởi ngon nào được thu hoạch đúng vào dịp rằm tháng Tám như bưởi Thồ Bạch Hạ.
Vị ngọt xen lẫn hơi chua thanh của bưởi là thức quà ấn tượng khó phai bởi miền Bắc lúc đó hầu như chỉ có các loại bưởi chua, chất lượng kém. Bởi thế thương lái không chỉ ở Hà Nội mà từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên đổ về đây để đặt mu với mức giá từ 35.000 đến 50.000 đồng/quả.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP càng nâng cánh cho quả bưởi Thồ bay cao, bay xa hơn, xứng danh là một đặc sản của Hà Nội trong dịp Tết Trung thu, góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, môi trường xanh, không khí trong lành, kinh tế người dân khá giả.
Nguồn: nongnghiep.vn