Dưới tác động của bão số 3 (bão Yagi), ước tính GDP cả năm có thể giảm 0,15%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm tới 0,33%.
Tại hội nghị hỗ trợ phục hồi sản xuất trồng trọt sau bão lũ tại các tỉnh, thành phố phía Bắc ngày 18/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, mục tiêu của Bộ là đảm bảo tính bền vững và tuân thủ đúng khung mùa vụ, giống cây trồng, giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm trở lại sản xuất bình thường.
Trồng trọt ước thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng
Đến ngày 18/9, tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 lên tới khoảng 312.000ha, bao gồm 200.000ha lúa, 51.000ha rau màu và 61.000ha các cây trồng khác như cây ăn quả và cây công nghiệp. Thiệt hại đối với ngành trồng trọt ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.
Trước thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã sớm chỉ đạo các thứ trưởng trong từng lĩnh vực cùng chung tay chỉ đạo khắc phục hậu quả, giúp người dân sớm ổn định sản xuất và đời sống.
Đối với lúa, Bộ khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng, tiêu thoát nước để chuẩn bị gieo trồng cây vụ đông sớm. Đối với diện tích rau màu không có khả năng phục hồi, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất, hạt giống rau để gieo trồng lại bằng các loại rau ăn lá ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.
Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đang lấy ý kiến góp ý đối với nghị định thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
“Việc ban hành nghị định sửa đổi sẽ giúp người dân có thêm nguồn lực cần thiết để khôi phục sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương tận dụng nguồn lực sẵn có mà còn giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau thiệt hại do bão lũ”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Cam kết không tăng giá giống, vật tư nông nghiệp
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), để phục vụ cho vụ đông xuân 2024 – 2025, tổng nhu cầu cần thiết của các địa phương chịu thiệt hại là khoảng 15.000 tấn lúa giống, hơn 112 tấn hạt giống rau và 980 tấn hạt giống ngô. Hiện lượng dự trữ giống phù hợp trong kho dự trữ quốc gia có hơn 4.100 tấn lúa giống, 250kg hạt giống rau và hơn 257 tấn hạt giống ngô.
Như vậy so với nhu cầu thực tế, vẫn còn thiếu khoảng hơn 10.000 tấn giống lúa cho sản xuất vụ đông xuân 2024 – 2025. Việc chuẩn bị sớm vật tư nông nghiệp và giống cây trồng là vô cùng cấp thiết, đặc biệt là lúa giống.
Trước tình hình đó, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi các hội, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống cây trồng và học viện, viện, trường đại học về việc chuẩn bị giống cây trồng nông nghiệp phục vụ sản xuất ở các tỉnh phía Bắc. Theo đó, các đơn vị xem xét, chủ động hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân tại các địa phương bị ảnh hưởng lớn do mưa bão.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giống cây trồng không nâng giá bán giống cây trồng trong dịp này nhằm góp phần giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn, khắc phục sản xuất để sớm ổn định đời sống.
Tại hội nghị, tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thứ trưởng Hoàng Trung bày tỏ tin tưởng với sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cùng các nguồn lực sẵn có và sự phối hợp từ các địa phương, kết hợp với các chính sách hỗ trợ theo cơ chế, chính sách mới, Bộ NN-PTNT sẽ có đủ nguồn giống để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho vụ đông xuân 2024 – 2025.
Bên cạnh đó, với vụ lúa đông xuân 2024 – 2025, vẫn còn thời gian để huy động thêm nguồn lực và áp dụng các biện pháp hỗ trợ các vùng bị thiên tai.
Về vấn đề đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp cuối năm, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Bộ NN-PTNT đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực và thực phẩm.
“Diện tích rau màu vụ đông dự kiến hơn 400.000ha. Nếu công tác sản xuất vụ đông được thực hiện tốt, bao gồm việc đẩy sớm lịch thời vụ và tối đa hóa diện tích canh tác thì nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ được đáp ứng đầy đủ, đặc biệt vào dịp cuối năm. Bộ NN-PTNT cũng kêu gọi các địa phương sử dụng giống ngắn ngày, thay đổi cơ cấu sản xuất, cung cấp đầy đủ giống và vật tư nông nghiệp, đảm bảo diện tích và năng suất cây vụ đông theo đúng kế hoạch hàng năm”, Thứ trưởng Hoàng Trung nói.
Doanh nghiệp ủng hộ ngay hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ khôi phục sản xuất
Tính đến 16 giờ ngày 18/9, tổng giá trị hỗ trợ từ các doanh nghiệp thông qua Bộ NN-PTNT để phục vụ khôi phục sản xuất đã đạt hơn 17 tỷ đồng. Danh sách các đơn vị hỗ trợ vẫn đang được cập nhật thêm.
Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) đã đóng góp 3 tỷ đồng dưới hình thức hỗ trợ giống và hiện vật. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed hỗ trợ 3 tỷ đồng, bao gồm 30 tấn giống ngô và 20 tấn lúa giống. Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ 3 tỷ đồng bằng giống, vật tư nông nghiệp. Công ty TNHH Bayer Việt Nam hỗ trợ 20 tấn giống ngô, trị giá 2,4 tỷ đồng. Công ty Unifam hỗ trợ 200.000 cây giống chuối trị giá 1 tỷ đồng…
Nhiều doanh nghiệp đã đề xuất Bộ NN-PTNT phân bổ nguồn hỗ trợ đến các địa phương có nhu cầu, các doanh nghiệp sẽ trực tiếp giao hàng đến tay bà con nông dân giúp việc phục hồi sản xuất diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại nông nghiệp ADI cho biết, hàng năm, doanh nghiệp cung cấp giống cho hai vụ chính là đông xuân và hè thu. Tuy nhiên Công ty cũng đang trong tình trạng bị động hoàn toàn trước hậu quả do bão số 3.
Ông Hải cho hay, đối với các diện tích sản xuất giống ở miền Trung, hiện Công ty đã cơ bản thu hoạch xong, sẵn sàng cung ứng cho vụ đông xuân. Tuy nhiên những diện tích Công ty liên kết sản xuất giống ở phía Bắc lại nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
“Những diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ bông gần như đã bị lép hết, dẫn đến khả năng thu hoạch gần như không còn. Vấn đề lớn nhất hiện nay là làm sao có thể đảm bảo nguồn cung giống cho bà con trong bối cảnh thiệt hại nghiêm trọng”, ông Hải lo lắng.
Ông Hải khẳng định, việc khôi phục và điều tiết nguồn giống từ các khu vực khác trong thời gian ngắn là điều không khả thi, bởi điều kiện khí hậu và đất đai hoàn toàn không phù hợp.
Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN-PTNT đẩy mạnh việc nhập khẩu giống. Đây là giải pháp có thể giúp bù đắp phần thiếu hụt giống trong sản xuất vụ đông xuân 2024 – 2025.
Cũng theo ông Hải, bà con có thể tận dụng các nguồn giống từ vụ trước, đặc biệt là những diện tích có thu hoạch tốt để tái sử dụng làm giống dự trữ cho vụ tới. Mặc dù năng suất từ những nguồn giống này sẽ không đạt được tối ưu như các giống do doanh nghiệp cung cấp nhưng trong ngắn hạn, đây có thể là phương án giúp khôi phục sản xuất nhanh chóng.
Các doanh nghiệp cùng cam kết sẽ giữ bình ổn giá giống, vật tư và tuyệt đối không lợi dụng tình hình để tăng giá. Cộng đồng doanh nhân hiểu rõ những mất mát mà bà con phải gánh chịu và tin rằng đây là hành động cần thiết để hỗ trợ bà con nông dân khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Nguồn: nongnghiep.vn