Phải đào tạo những gì mà thị trường cần
Ông Lê Văn Quang – Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, các trường đại học đang đào tạo về nông nghiệp nhưng sinh viên ra trường về đơn vị toàn phải đào tạo lại, ít nhất 6 tháng – 1 năm mới biết việc, còn để làm được việc thì cần 1 – 2 năm, rất lãng phí. Trong khi đó các trường có những phòng thí nghiệm rất hoành tráng nhưng nghiên cứu khoa học lại kém phát triển. Các trường phải đào tạo, nghiên cứu những gì mà doanh nghiệp, thị trường cần bởi nếu không sự cạnh tranh sẽ dần loại bỏ những đơn vị yếu kém.
Do đó, công ty của ông đã tài trợ học bổng cho một số trường như Đại học Nha Trang để đào tạo mỗi năm 100 sinh viên với mức tài trợ 10 tỷ đồng. Sinh viên hiểu được doanh nghiệp làm như nào và gắn đào tạo với thực tế nên nắm bắt được công việc cùng sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ của Minh Phú, khi ra trường là làm được việc ngay. Còn về nghiên cứu khoa học, công ty hợp tác với Đại học Nguyễn Tất Thành đặt ra đề bài mà doanh nghiệp cần để các thầy thực hiện, kết quả khá tốt. Vừa rồi công ty cũng đã khảo sát Đại học Cần Thơ thấy cơ sở, phòng thí nghiệm tốt nên tới đây sẽ hợp tác để giải quyết bài toán nghiên cứu này.
Đánh giá cao chuỗi hoạt động kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp và khối các trường đào tạo trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ NN-PTNT triển khai thời gian qua, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết từ năm 2016 – 2023 đơn vị đã ký kết gần 1.000 thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Hiện học viện có trên 25.000 sinh viên đang theo học. Với phương châm đào tạo và nghiên cứu khoa học phải gắn kết thực tiễn, phục vụ thực tiễn, học viện đã tìm đến các doanh nghiệp, các địa phương để mở rộng quan hệ hợp tác; quảng bá hình ảnh, năng lực, khả năng của mình và tiếp nhận nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp để nghiên cứu, đào tạo sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu của xã hội. Số lượng tuyển sinh hai năm qua của trường tốt lên, điểm đầu vào tăng lên, đặc biệt tỷ lệ sinh viên ra trường trong ngày phát bằng tốt nghiệp đã có khoảng 70% có việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng với học viện song vẫn chưa đáp ứng kịp.
Ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho biết đến nay đơn vị đã hợp tác trên 140 tổ chức trong nước và quốc tế, gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, địa phương. Chính từ quan điểm của Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc không phân biệt trường thuộc Bộ NN-PTNT hay bên ngoài mà đơn vị đã làm hết sức vì sự phát triển của ngành nông nghiệp.
“Có năm chúng tôi có hơn 76.000 thí sinh tuyển sinh nhưng trường quan điểm phải nâng điểm chuẩn lên so với năm trước từ 2 – 6 điểm. Nhờ đó tỷ lệ nhập học cao hẳn. Nâng điểm chuẩn thì chọn được các em có đầu vào chất lượng, còn khi điểm chuẩn thấp thì các em điểm cao sẽ bỏ không chọn học ở trường. Chúng tôi đang có một số mô hình hợp tác khá toàn diện như với Công ty CP Thành Thành Công, thậm chí còn đưa sinh viên qua Úc để hợp tác với trường đại học ở đó. Hay doanh nghiệp Cỏ May mỗi năm bỏ ra trên dưới 15 tỷ đồng lo cho 400 sinh nghèo hiếu học toàn bộ chi phí học tập.
Một mô hình nữa là phối hợp với tạp chí Doanh nhân Sài Gòn đến các địa phương chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, để làm nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, đạt chuẩn quốc tế. Hy vọng thời gian tới có khoảng 10.000 nông dân của các địa phương được chọn học, để tạo ra đội ngũ doanh nông đủ tâm trí, đủ lực hội nhập quốc tế”, ông Lý thông tin.
Ông cho biết cách đây 3 năm đã thẳng thắn trao đổi với các doanh nghiệp là nếu chỉ kết hợp với nhà trường trong tuyển dụng đầu cuối thì rất khó đào tạo nhân lực chất lượng. Do vậy, năm 2024, nhà trường tiếp nhận một doanh nghiệp hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo từ đầu đến cuối, với tổng chi 700 triệu đồng cho 30 em sinh viên học ngành công nghiệp ô tô và cơ khí.
Nông nghiệp không phải là nghèo, là lạc hậu
Bà Nguyễn Tâm Trang – Phó Chủ tịch Tập đoàn Greenfeed cho biết đã hợp tác với hơn 40 trường cao đẳng, đại học trong cả nước, không chỉ là tài trợ học bổng, mà còn từ việc thu hút vào học. Doanh nghiệp đã đồng hành cùng các trường cao đẳng để thu hút sinh viên từ khi các em còn là học sinh phổ thông, cùng đi đến các trường, gặp các phụ huynh, để chia sẻ nghề trong lĩnh vực này thì công việc như nào, thu nhập ra sao. Nếu các phụ huynh thấy ngành nông nghiệp rất vất vả thì đây là cơ hội để giải thích hiện có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp có môi trường làm việc rất tốt, lương trả không thấp hơn lương của doanh nghiệp kinh tế khác. Khi sinh viên đi thực tập thì không chỉ từ năm cuối, mà từ năm 1 – 2 tập đoàn đã phối hợp để đào tạo, khi đó bảo đảm chỉ cần 3 – 6 tháng khi sinh viên ra trường vào doanh nghiệp làm sẽ bắt nhịp được ngay. Hiện mỗi năm tập đoàn tuyển được khoảng 200 sinh viên đại học, cao đẳng vào làm.
Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT ThaiBinhSeeds cho biết mình đã đến 15 trường đại học trên thế giới thì thấy nghiên cứu khoa học là thế mạnh của các trường bởi vì có thầy cô, có sinh viên, có cơ sở vật chất, có phòng thí nghiệm… Tuy nhiên, việc chuyển giao sản phẩm nghiên cứu là vấn đề mà các nhà trường ở trong nước cần phải tập trung khai thác.
Kết quả nghiên cứu của nhà trường không đơn giản là sản phẩm khoa học, mà đó là sản phẩm về quản trị, về khoa học công nghệ. Cần kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đề ra ý tưởng nghiên cứu từ đầu rồi cùng triển khai thực hiện. Như đơn vị của ông có nhiều sản phẩm được chuyển giao từ Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long hay các trường đại học giờ trở thành giống chủ lực trong sản xuất lúa ở Việt Nam.
Kinh nghiệm là nhà trường cần căn cứ vào khả năng nghiên cứu từng lĩnh vực, lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức có khả năng triển khai được, hoặc khả năng kết hợp nghiên cứu, đặt hàng, để cùng nghiên cứu, sau đó chuyển giao.
“Nhà trường có thể giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, đặc biệt là với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Cách đây 2 tuần, tôi được Trung ương đoàn mời để nói chuyện với 100 bạn trẻ, tôi có bảo không phải nông nghiệp là nghèo mà giờ công nghệ rất hiện đại. Kinh tế Việt Nam theo tôi phải phát triển dựa trên 3 trụ cột là nông nghiệp, du lịch và kinh tế số”, ông Báo nói.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, nhờ có trí tuệ nhân tạo mà kết nối được vạn vật nhưng tại sao kết nối giữa người với người lại khó? Đừng bao giờ đổ lỗi cho thể chế mà phải đưa ra chương trình, dự án hợp tác cụ thể, không nói chung chung. Phải hợp tác vì lợi ích quốc gia dân tộc chứ không phải chỉ vì lợi ích của hai bên.
Xã hội sẽ tốt đẹp hơn nếu mỗi người trồng một cái cây để trả ơn người đời trước đã trồng cây tạo bóng râm cho mình hưởng và để cho đời con, cháu mình lại được hưởng bóng râm từ cái cây mới mình trồng hôm nay. Việc vun trồng cho thế hệ tương lai là trách nhiệm, bổn phận của quốc gia, dân tộc, và doanh nghiệp cũng phải có bổn phận đó. Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường phải là đào tạo ra những thế hệ trẻ có tố chất để sau này trở thành các doanh nông cho đất nước. Đó mới là những giá trị lâu dài, bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn