Bên cạnh đó, nhiều bà con nông dân do vội vàng mở rộng diện tích, không tham khảo kỹ thuật canh tác và để tăng năng suất, người trồng tiêu đã sử dụng phân bón hoá học vượt quá liều lượng, vừa tiêu tốn về chi phí, vừa làm ảnh hưởng đến sự màu mỡ của đất, dẫn đến cây trồng kém phát triển.
Nhiều nông dân lại có khuynh hướng bón phân vô cơ với liều lượng rất cao so với mức khuyến cáo nhưng thường mất cân đối về tỷ lệ đạm – lân – kali, ít quan tâm đến cân đối phân hữu cơ với phân vô cơ đã làm môi trường đất xấu đi. Vì vậy chúng tôi xin giới thiệu tới bà con quy trình bón phân hiệu quả cho cây hồ tiêu.
Đặc điểm cây hồ tiêu
Hồ tiêu là cây công nghiệp lâu năm được trồng với mật độ 1.500-2.500 trụ/ha và là cây chịu thâm canh, nhưng lại rất nhạy cảm với sâu bệnh. Để đạt năng suất cao và có vườn tiêu khỏe, bà con cần phải bón đầy đủ và cân đối N-P-K-phân hữu cơ.
Cây tiêu có tên khoa học là Piper nigrum L, họ hồ tiêu (Piperaceae), bộ Piperales. Ở nước ta, cây tiêu được đưa vào trồng trước hết tại vùng Hà Tiên, sau đó nhanh chóng nhân rộng ra ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam trở thành nước sản xuất, xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu thế giới (chiếm hơn 40% sản lượng và gần 50% thị phần thế giới).
Yêu cầu sinh thái
– Cây tiêu ưa điều kiện khí hậu nóng ẩm: Nhiệt độ thích hợp là 25 – 28 độ C, lượng mưa cả năm yêu cầu 1.200 – 2.500mm, trong đó cần có một giai đoạn khô hạn ngắn sau thu hoạch để cây phân hóa mầm và ra hoa đồng loạt. Ẩm độ không khí thích hợp khoảng 70%, ánh sáng tán xạ nhẹ được xem là phù hợp với yêu cầu sinh lý sinh trưởng, phát dục và kéo dài tuổi thọ của cây.
– Tiêu có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau như đất sét pha cát (Hà Tiên, Phú Quốc), đất đỏ bazan (Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ), đất phù sa bồi (đồng bằng sông Cửu Long), đất xám (Đông Nam Bộ). Đất trồng tiêu cần có tầng dày 80-100cm, mạch nước ngầm >2m, kết cấu tơi xốp, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình, dễ thấm và thoát nước. Yêu cầu đất có hàm lượng mùn >2%, giàu đạm, hàm lượng kali và magiê khá, khả năng trao đổi cation 20 – 30 meq/100g đất, tỷ lệ C/N cao ở tầng mặt (15 – 25), đất chua nhẹ (pH 5,0 – 6,0).
Thời vụ trồng và cơ cấu cây trồng ở các vùng
– Để đạt năng suất cao và có vườn tiêu khỏe cần thiết phải bón đầy đủ và cân đối N-P-K-phân hữu cơ. Các nguyên tố dinh dưỡng trung, vi lượng cũng cần thiết đối với năng suất và chất lượng hạt tiêu.
– Giống tiêu chủ yếu là tiêu sẻ, tiêu Lada và tiêu Ấn Độ.
– Thời vụ trồng tiêu có thể xê dịch tùy theo khí hậu của từng địa phương, nhưng nói chung chỉ trồng khi đất có đủ độ ẩm, chủ động về nước tưới. ở vùng Bắc Trung Bộ: Trồng khoảng tháng 8 – 10; ở vùng Duyên hải Trung Bộ tháng 8-9; ở vùng Tây Nguyên tháng 5-7; ở vùng Đông Nam Bộ tháng 6-8; ở vùng đồng bằng sông Cửu Long tháng 5-8.
– Trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, người ta thường trồng xen các loại cây đậu đỗ trong vườn tiêu để tăng thu nhập và cải tạo độ phì đất. Cũng có thể thấy tiêu được trồng xen với cà phê, cây ăn quả, hoặc trồng ở các bờ quanh vườn…
Theo các nhà khoa học, ở những vườn tiêu đất chua, ẩm ướt, bị đọng nước và bón ít phân hữu cơ cũng dễ dẫn đến bệnh hại cho cây tiêu, nhất là bệnh chết nhanh cây tiêu. Để phát triển hồ tiêu bền vững, người trồng tiêu cần thực hiện tổng hợp các biện pháp canh tác, biện pháp sinh học và biện pháp hóa học quản lý cây trồng tổng hợp ngay từ đầu.
Để trồng tiêu thành công, bà con nông dân cần chú ý đến vấn đề bón cân đối các loại phân đạm, lân, kali và bổ sung trung vi lượng hợp lý. Bên cạnh đó, sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh có bổ sung nấm đối kháng, vi sinh vật phân giải lân nhằm giúp cây tiêu sinh trưởng khỏe và đề kháng với các loại sâu bệnh hại. Điều quan trong là phải áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp ngay từ đầu và tham khảo khoa học kỹ thuật trước khi trồng để có được những vụ mùa bội thu.
Lượng hút và nhu cầu dinh dưỡng tính cho đơn vị sản phẩm
– Trong 1kg hạt tiêu khô có chứa 36g N, 8g P2O5, 25g K2O. Giả sử trong quá trình canh tác, toàn bộ thân, cành, lá, rễ và các phụ phế phẩm được hoàn trả cho đất, thì riêng lượng dinh dưỡng lấy đi để tạo năng suất 3-5 tấn hạt tiêu khô/ha sẽ là 108-180kg N, 24-40kg P2O5, 75-125kg K2O và các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng khác.
– Khi sử dụng phân đơn để bón, hệ số bón phân của cây tiêu đạt 50-55% đối với phân đạm, 20-25% đối với phân lân và 45-50% đối với phân kali.
Những lưu ý về bón phân NPK-S Lâm Thao
Đối với diện tích tiêu trồng mới (bón lót):
+ Mật độ trồng:
2.000 cây/ha.
+ Phân chuồng:
6.000 ÷ 8.000kg/ha.
+ NPK-S*M1 5.10.3-8: 600 ÷ 800kg/ha, hoặc lân nung chảy: 800 ÷ 1.200kg + urê: 40 ÷ 60kg/ha.
Bón thúc
– Giai đoạn sau thu hoạch (bón phục hồi): NPK-S*M1 5.10.3-8: 400 ÷ 450kg/ha.
– Bón trước khi ra hoa: NPK-S*M1 12.5.10-14: 400 ÷ 450kg/ha.
– Bón khi đậu quả: NPK-S*M1 12.5.10-14: 550 ÷ 600kg/ha.
– Bón nuôi quả: NPK-S*M1 12.5.10-14: 550 ÷ 600kg/ha.
Kỹ thuật bón
– Bón theo rãnh, rạch rãnh sâu 5 ÷ 10cm, rải đều phân rồi lấp đất, tạo ẩm.
Chú ý: Không làm đứt hay xây xước rễ.
Cây khỏe mới kháng bệnh tốt, năng suất cao
Nhờ sử dụng phân bón NPK-S Lâm Thao cân đối về liều lượng và tỷ lệ như trên nên nhiều hộ trồng tiêu đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Trọng Thắng ở tổ 8, ấp 10, xã Minh Hưng (Chơn Thành) có hơn 1.000 nọc tiêu. Mặc dù trồng ít, nhưng nhờ chăm sóc tốt nên vườn tiêu của anh luôn xanh tốt, cho năng suất cao, đem lại thu nhập khá cho gia đình.
Anh Thắng cho biết, cây tiêu khỏe thì mới đề kháng được bệnh và cho năng suất cao. Vì vậy, quá trình chăm sóc cây tiêu được anh đặc biệt chú trọng. Nếu như phần lớn các gia đình chỉ cày xới đất trồng tiêu có độ sâu từ 30-40cm, thì vườn tiêu của anh được cày xới với độ sâu 70cm, để không bị trơ rễ và mùa khô cây tiêu giữ ẩm tốt hơn.
Mỗi vụ bón phân 3 lần. Lần thứ nhất vào đầu mùa mưa (tháng 5, 6), mỗi gốc tiêu 5kg phân hỗn hợp gồm: Phân chuồng hoai, phân lân trộn với vôi và 0,5kg NPK-S Lâm Thao. Bón phân lần thứ hai vào tháng 7, mỗi gốc tiêu 3g NPK, 1g kali và bón lần thứ ba vào tháng 10, gồm phân NPK và kali, lượng phân kali nhiều hơn NPK.
Theo anh Thắng, đất mới trồng tiêu 1 – 2 vụ thường ít bị bệnh do các mầm bệnh đang trong thời kỳ “ngủ đông”, có điều kiện là bùng phát. Để phòng chống, tốt nhất là xịt thuốc chống rầy, chống nấm thường xuyên; vườn tiêu phải thoát nước tốt, không để ngập úng. Vào mùa khô, giữ ẩm cho vườn bằng cách phủ cỏ khô hoặc lá cao su.
Việc bón phân phải bảo đảm, không thể khi được giá thì bón phân đều đặn, khi tiêu mất giá thì bỏ bê, dẫn đến cây mất sức, không còn khả năng đề kháng các loại sâu bệnh.
Nguồn: nongnghiep.vn