Dù đã phát triển nhanh trong thời gian qua, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là ngành chăn nuôi còn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Do phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu nên thức ăn đang chiếm tới 70 – 75% giá thành chăn nuôi ở Việt Nam. Trong khi đó ở nhiều nước có nền chăn nuôi tiên tiến, thức ăn chỉ chiếm khoảng 50% giá thành. Nhưng bù lại, công lao động chỉ chiếm 5% giá thành chăn nuôi ở Việt Nam, còn ở các nước tiên tiến, công lao động chiếm tới 20%.
Trong bối cảnh việc phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu chưa thể giải quyết được trong thời gian ngắn sắp tới, để tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam, việc tiếp tục cải thiện năng suất là yếu tố hàng đầu.
Để nâng cao năng suất chăn nuôi, ông Công cho rằng, việc thay đổi thiết bị, công nghệ trong các trang trại chăn nuôi là rất quan trọng. Thiết bị, công nghệ hiện đại sẽ giúp các trang trại bảo đảm được an toàn sinh học, vật nuôi được chăm sóc tốt hơn…, qua đó giảm thiểu hao hụt trong chăn nuôi. Khi chăn nuôi giảm thiểu được tỷ lệ hao hụt, sẽ giúp tăng năng suất, qua đó giảm đáng kể giá thành sản phẩm.
Ông Công chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều với áp lực cạnh tranh từ các thị trường khác. Đặc biệt trong khối thị trường CPTPP khi thuế suất các sản phẩm chăn nuôi của các nước về 0%, điều này sẽ tạo ra áp lực rất lớn với người chăn nuôi Việt Nam.
Nếu chúng ta sớm nhìn nhận được điều này, khẩn trương nâng cao năng suất chăn nuôi thông qua đổi mới các thiết bị chuồng trại thì người ngành chăn nuôi Việt Nam có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của nước ngoài, đủ khả năng phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Điển hình như HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện đang có những hợp đồng nuôi gà để lấy thịt xuất khẩu sang Nhật Bản”.
Cũng theo ông Công, nếu bỏ ra 1 đồng để đổi mới thiết bị, công nghệ trong các trang trại, người chăn nuôi có thể thu về 10 đồng nhờ giảm mạnh được tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chẳng hạn như ở trang trại nuôi gà công nghiệp của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát, nhờ hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại, con gà ít bị ma sát trong quá trình di chuyển nên có chất lượng thịt rất tốt. Nhờ vậy, từ nhiều năm nay, gà nuôi từ các trang trại của Long Thành Phát đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Nói về việc đầu tư thiết bị, công nghệ tại các trang trại của Hợp tác xã, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ: “Khi đã tham gia thị trường xuất khẩu là không còn loanh quanh ở “ao làng” nữa mà đã bước ra biển lớn. Ra biển lớn thì dù muốn hay không, mình phải cạnh tranh rất khốc liệt với sản phẩm các nước khác.
Cạnh tranh trước hết là sản phẩm phải đủ tiêu chuẩn để thị trường nước ngoài chấp nhận. Thứ hai, sản phẩm phải có giá cạnh tranh, tức năng suất phải cao, giá thành phải hạ. Cho nên, việc Hợp tác xã đưa khoa học kỹ thuật, đưa thiết bị tiên tiến vào trang trại là nhằm mục đích cải tiến về năng suất, chất lượng”.
Ai cũng thấy được vai trò lớn của cơ giới hóa, tự động hóa trong chăn nuôi, nhưng để các trang trại mạnh dạn đổi mới thiết bị, công nghệ, cần có chính sách khuyến khích cơ giới hóa một cách phù hợp hơn.
Hiện nay, nhà nước đang hỗ trợ lãi suất cho cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhưng chỉ hỗ trợ thiết bị, máy móc sản xuất trong nước. Trong khi đó, thiết bị, công nghệ trong nước hiện chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong chăn nuôi, các cơ sở vẫn chủ yếu sử dụng thiết bị, máy móc nhập khẩu. Vì vậy, ông Nguyễn Trí Công cho rằng cần có chính sách hỗ trợ cơ giới hóa kể cả với thiết bị, máy móc nhập khẩu.
Nguồn: nongnghiep.vn