Sáng 29/8, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phối hợp với Đại sứ quán nước Cộng hòa Bolivar Venezuela tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm Quốc tế “35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Venezuela (1989 – 2024): Thực trạng và Triển vọng”.
Nhiều dự án hợp tác hiệu quả
Việt Nam và Venezuela chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/12/1989 và thiết lập khuôn khổ đối tác toàn diện từ tháng 5/2007. Về kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên đã ký hơn 50 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, triển khai nhiều cơ chế hợp tác và dự án hợp tác song phương, nhất là về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Venezuela, TS Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, các dự án nông nghiệp của Việt Nam tại Venezuela đã đạt kết quả tốt, phát triển được các giống lúa có năng suất cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho Venezuela.
Trong giai đoạn 2015 – 2019, hợp tác nông nghiệp giữa Việt nam và Venezuela được thể hiện qua việc thực hiện hai dự án hợp tác, cụ thể là Dự án hợp tác phát triển sản xuất lúa tại Venezuela và Dự án hợp tác phát triển thủy sản tại Venezuela.
Việt Nam đã giúp Venezuela quy hoạch và thiết kế ba cánh đồng sản xuất lúa tại hai bang (Guarico và Cojedes); quy hoạch, thiết kế mới Trung tâm Nghiên cứu lúa gạo tại bang Cojedes.
TS Nguyễn Xuân Dũng cho biết, chuyên gia Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu quốc gia (INIA) của Venezuela khảo nghiệm 20 giống lúa của Việt Nam trong 3 vụ liên tiếp (vụ mùa khô 2016 – 2017; vụ mùa mưa 2017 và vụ mùa khô 2017 – 2018). Kết quả đã xác định và tuyển chọn được 5 giống triển vọng trong số 20 giống lúa của Việt Nam, bao gồm: VIVE25 (OM2517), VIVE50 (IR50404), VIVE80 (OM8017), VIVE95 (OM9582) và VIVE96 (OM9605). Các giống triển vọng cho năng suất cao hơn các giống đối chứng của Venezuela từ 1,5 – 2,5 lần. Nổi bật nhất là 2 giống VIVE80 (OM8017), VIVE96 (OM9605) cho năng suất từ 10 – 11 tấn/ha (thóc tươi) trong khảo nghiệm.
Ngoài ra, các cán bộ, chuyên gia Việt Nam khi làm việc tại Venezuela đã phối hợp với các cơ quan FONDAS, INIA,… tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa cho hàng trăm cán bộ kỹ thuật và nông dân ở Venezuela. Dự án lúa đã biên soạn, xuất bản và bàn giao 500 cuốn tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa tại Venezuela theo kinh nghiệm trồng lúa của Việt Nam”.
Về hợp tác và phát triển nuôi trồng thủy sản, chuyên gia Việt Nam đã áp dụng thành công kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm của Việt Nam tại Venezuela với kết quả là đã rút ngắn được chu kỳ nuôi từ 4 tháng xuống còn 3 tháng và tiết kiệm được 30% thức ăn so với thực tế trước đây tại Venezuela. Kết quả này được phía Venezuela đánh giá rất cao và hai bên đã thống nhất tiến hành xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh cho năng suất, chất lượng và sản lượng cao. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình bị dừng lại do tình hình an ninh tại địa bàn.
Tạo cơ chế hợp tác cho doanh nghiệp hai bên
Theo đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp của Venezuela rất lớn, tuy nhiên, hiện nay đất nước Nam Mỹ đang gặp khó khăn trong sản xuất do thiếu nhân công lao động, thiếu vật tư phân bón, kỹ thuật, công nghệ mới… và Venezuela đang cần Việt Nam giúp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp.
Theo đó, TS Nguyễn Xuân Dũng đề nghị Đại sứ quán 2 nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác nông nghiệp để góp phần tăng sản lượng lương thực, thực phẩm tại Venezuela nhằm giải quyết khó khăn thiếu thốn về lương thực, thực phẩm hiện nay.
Đề nghị hai bên tổ chức triển khai sớm và có hiệu quả hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2024 – 2030 trên cơ sở các Văn bản đã ký kết gồm Bản ghi nhớ về Hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2024 – 2030 (MOU) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Đất đai Venezuela và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam ký ngày 12/12/2023 tại Cần Thơ; thực hiện các nội dung trong Kế hoạch triển khai thực hiện Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam và Venezuela do INIA đã ký ngày 18/4/2024 tại Caracas theo cơ chế đã thực hiện giai đoạn 2026 – 2019.
Bên cạnh đó, đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp để phát triển nhân rộng các giống lúa Việt Nam (VIVE) với kỹ thuật trồng lúa tiên tiến của Việt Nam tại Venezuela giữa VAAS và chính quyền một số bang của Venezuela (Guarico, Monagas…) khi các bang có yêu cầu giúp đỡ.
Việt Nam tiếp tục chuyển giao giống và quy trình công nghệ kỹ thuật sản xuất lúa nước, đậu đỗ thích ứng biến đổi khí hậu và phù hợp thị trường hàng hóa cho nước bạn, trao đổi nguồn gen (giống cây trồng) thích ứng biến đổi khí hậu để giảm rủi ro và phát triển nông nghiệp bền vững.
Ông Dũng cũng cho rằng hai bên cần tạo điều kiện và cơ chế cho phép các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Venezuela hợp tác để phát triển sản xuất lúa và một số lĩnh vực nông nghiệp khác với cầu nối tư vấn của VAAS và một số đơn vị chuyên môn của Venezuela.
Để có thể tiếp tục giai đoạn hợp tác mới, mở rộng cần có sự tham gia của các doanh nghiệp hai bên, vì vậy hai bên sẽ trao đổi cụ thể hơn về quy định đầu tư, sản xuất của hai nước để các doanh nghiệp có đủ thông tin, phục vụ hợp tác. Đặc biệt, đề nghị Venezuela giới thiệu cụ thể về môi trường đầu tư, ưu đãi đầu tư (đặc biệt đối với Việt Nam), cơ chế thanh toán…
TS Nguyễn Cao Đức – Phó Viện trưởng Phụ trách, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ cho biết, Việt Nam – Venezuela với những thế mạnh riêng, đã và đang từng bước khai thác để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng tiềm năng. Tổng kim ngạch hai nhiều còn hạn chế, năm 2022 chỉ đạt khoảng 60 triệu USD và năm 2023 giảm xuống còn 31,5 triệu USD.
Đặc biệt là quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Venezuela diễn ra một chiều, chủ yếu từ Việt Nam sang. Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Venezuela đạt 56,8 triệu USD năm 2022, một trong những điểm lưu ý trong cơ cấu xuất khẩu đó là những mặt hàng sơ chế hoặc có tính thâm dụng lao động và kỹ năng lao động thấp chiếm phần nhiều.
Nguồn: nongnghiep.vn