Sóc Trăng gần 320ha ao tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp
Theo Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2024, Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) xảy ra tại 112 xã, 43 huyện thuộc 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là trên 1.009ha. So với cùng kỳ 2023, bệnh giảm cả về phạm vi (giảm 6,67%) và diện tích (giảm 13,22%) có tôm mắc bệnh.
Theo đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 239ha, tôm thẻ là 770ha. Tôm bị mắc bệnh chủ yếu ở giai đoạn 25-40 ngày sau thả nuôi. Trong đó, diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh bị bệnh là 956ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 53ha.
Sóc Trăng là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị bệnh lớn nhất với gần 319ha, chiếm 37,79% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh, sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu và các địa phương khác.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp do vi khuẩn gây ra nên có thể điều trị, tuy nhiên việc điều trị bệnh cho tôm thường tốn kém và không hiệu quả (do tôm thường bỏ ăn), biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh.
Theo Cục Thú y, vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang gene độc lực PirA, PirB đã lưu hành tại rất nhiều vùng nuôi, xuất hiện trong các trại tôm giống và tôm thương phẩm, trong các mô hình nuôi. Hầu hết các địa phương được giám sát đều cho kết quả dương tính với hoại tử gan tụy cấp.
Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có thể tồn tại trong môi trường nước, do vậy việc xử lý nguồn nước cấp để tiêu diệt tác nhân này là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi.
Kết quả giám sát chủ động cũng phát hiện bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm giống, do vậy người nuôi cần phải ưu tiên và quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y hoặc tôm có nguồn gốc rõ ràng.
Kiên Giang gần 280ha tôm nuôi bị bệnh đốm trắng
Ngoài bệnh hoại tử gan tụy cấp người nuôi tôm tại ĐBSCL còn bị thiệt hại nặng do bệnh đốm trắng (WSD). Theo Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm 2024, bệnh đốm trắng xảy ra tại 144 xã, 48 huyện thuộc 16 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là trên 1.034ha.
Trong đó, diện tích nuôi tôm sú bị bệnh là 467ha, tôm thẻ bị bệnh là 568 ha. Tôm bị mắc bệnh chủ yếu ở giai đoạn 35-60 ngày sau thả.
Tôm bị bệnh đốm trắng chủ yếu trong mô hình nuôi thâm canh và bán thâm canh với diện tích là 702ha, quảng canh, quảng canh cải tiến và tôm lúa là 332ha.
Kiên Giang là tỉnh có diện tích tôm nuôi bị bệnh lớn nhất 279ha, chiếm gần 27% tổng diện tích bị bệnh của các tỉnh, sau đó đến tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu và các địa phương khác.
Theo Cục Thú y, bệnh đốm trắng do virus nên không sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ động là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh phát sinh. Đặc biệt, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp, quản lý tốt môi trường nước trong ao nuôi. Các loài giáp xác, tôm tự nhiên mang mầm bệnh và là nguy cơ lây nhiễm cao, do đó cần kiểm soát vật trung gian như giáp xác (cua còng, tép…).
Virus đốm trắng đã lưu hành tại rất nhiều vùng nuôi, xuất hiện cả trong các trại tôm giống, tôm thương phẩm, trong các mô hình nuôi và trên các loài giáp xác tự nhiên. Người nuôi cần xử lý nguồn nước trong các ao tôm bị bệnh trước khi xả thải ra môi trường để hạn chế lây lan, phát tán mầm bệnh ra khắp vùng nuôi.
Kết quả giám sát chủ động cũng phát hiện bệnh đốm trắng trên tôm giống (tỷ lệ thấp), do vậy người nuôi cần quan tâm hơn nữa việc sử dụng tôm giống từ cơ sở an toàn dịch bệnh hoặc tôm đã được kiểm dịch thú y hoặc tôm có nguồn gốc rõ ràng.
Nguồn: nongnghiep.vn