Gạo hữu cơ phải có chỗ đứng trên thị trường
Những năm qua, cánh đồng lúa “nói không” với vật tư đầu vào hóa học xuất hiện ngày càng nhiều tại tỉnh Thái Bình.
Dưới đôi bàn tay khéo léo cùng khát vọng vươn lên, hạt gạo Thái Bình không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực mà còn từng bước vươn mình gánh vác trọng trách bảo vệ môi trường, giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Tìm về mô hình trồng lúa đầu tiên của tỉnh Thái Bình được cấp chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của anh Nguyễn Công Tới ở thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy) mới cảm nhận được hết tinh thần dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đổi mới của những hậu duệ “chị Hai năm tấn”.
Anh Tới chia sẻ, canh tác lúa hữu cơ là hành trình không hề dễ dàng, nếu thiếu sự nghiêm túc và kiên trì sẽ không thể thành công. Năm 2018, nhận thấy nhiều hộ trồng lúa trong thôn có xu hướng chuyển dịch sang làm các ngành nghề khác, diện tích đất ruộng bỏ hoang ngày càng tăng, anh đã nhen nhóm ý định gom đất thành cánh đồng lớn để canh tác.
Sau thời gian miệt mài đi khắp làng trên xóm dưới, đến từng gia đình vận động thuê, mượn ruộng, cánh đồng lúa với quy mô 40ha vuông vắn đã được hình thành. Từng chiếc máy cày, máy gặt, máy phun thuốc… lần lượt được anh đưa về đã giúp chi phí sản xuất, công lao động giảm; năng suất, lợi nhuận tăng nhanh qua từng vụ.
Tuy nhiên, với một người xem hạt gạo là hạt ngọc như anh Tới thì những gì đã đạt được chưa khiến anh cảm thấy hài lòng. Suy nghĩ hạt gạo Thái Thụy phải có chỗ đứng trên thị trường, phải tự quyết định được giá bán của mình thay vì phụ thuộc vào thương lái khiến anh trăn trở mỗi đêm.
Lại một lần nữa anh mày mò tìm kiếm phương án giải quyết, để rồi vỡ òa khi tiếp cận với hình thức canh tác theo hướng hữu cơ. Khi vốn liếng tích cóp hòm hòm, năm 2021, anh quyết định chuyển một phần diện tích sang sản xuất thử nghiệm theo phương pháp mới. Nhưng con đường dẫn đến thành công chẳng dễ dàng. Đất trồng lúa thời gian dài sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học trở nên chai cứng, nghèo dinh dưỡng khiến anh phải tốn kém rất nhiều chi phí đưa phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản về cải tạo.
Những mảnh ruộng vốn manh mún phải dùng máy san phẳng để hạn chế bờ vùng, bờ thửa; tập trung bồi đắp các bờ bao chính lên kích thước lớn (5 – 6m) tạo thuận lợi cho máy móc di chuyển, ngăn chặn tác động từ vùng phụ cận, triệt tiêu nơi trú ngụ của chuột, sâu bệnh hại lúa. Hệ thống mương đệm dẫn, chứa nước từ kênh chính được đầu tư cải tạo, xây dựng để chủ động nguồn nước và xử lý trước khi đưa vào ruộng.
Giống lúa chỉ được sử dụng giống thuần, không dùng giống lai. Giống mua lần đầu sau khi gieo cấy sẽ chọn những khu vực phát triển khỏe mạnh để sàng lọc, khử lẫn và giữ giống cho vụ sau (không thay giống liên tục để đảm bảo giống có thời gian thích nghi với hình thức canh tác hữu cơ). Toàn bộ quá trình sản xuất (giống, làm mạ, gieo mạ, cấy, gặt, sấy…) được khép kín, tạo thuận lợi kiểm soát toàn bộ đầu vào.
Do thời tiết diễn biến khó lường, cùng với việc thiếu kinh nghiệm nên khi mới chuyển đổi sang hình thức canh tác hữu cơ, gieo cấy với mật độ dày, bụi to dẫn tới sâu bệnh hại nhiều, trong khi không thể sử dụng thuốc BVTV hóa học, mọi công đoạn phải làm thủ công.
Sau 2 vụ đầu tiên chuyển đổi gần như mất trắng, anh Tới nhận ra rằng với sinh vật gây hại khi canh tác hữu cơ thì chủ động phòng bệnh là biện pháp tối ưu nhất. Vì thế trong thời gian đất nghỉ, anh huy động toàn bộ nhân lực bắt ốc bươu vàng, thả vịt để hạn chế các côn trùng, lúa rụng (lúa rụng để lâu dễ thành lúa cỏ), sục bùn. Các thiết bị, dụng cụ trong khu vực canh tác hữu cơ được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng…
Với cách làm khoa học, nghiêm túc, mô hình canh tác lúa hữu cơ của anh đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tận tình của Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình về mọi mặt (kỹ thuật, vật tư…). Từ khi có sự đồng hành của các chuyên gia, niềm vui liên tiếp đến với anh khi năng suất lúa liên tục tăng lên, chi phí đầu tư giảm dần qua từng vụ.
Tháng 10/2024, 11ha lúa của anh được cấp chứng nhận sản phẩm sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-1:2017, TCVN 11041-2:2017, TCVN 11041-5:2018 và được cấp mã số vùng trồng. Giá bán gạo từ chỗ ngang bằng với gạo sản xuất thông thường đã nâng lên 40.000 – 50.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.
Theo anh Tới, để đạt được những kết quả trên là cả hành trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Để đảm bảo sản phẩm khi cung cấp đến tay người tiêu dùng đúng chuẩn hữu cơ, anh chọn cách bán hàng trực tiếp, không qua trung gian nhằm loại trừ trường hợp sản phẩm bị đánh tráo, trà trộn, vừa làm mất uy tín của cơ sở vừa thiệt thòi cho người mua khi phải trả giá cao mà không được hưởng sản phẩm tương xứng và giảm lòng tin với những sản phẩm được canh tác an toàn.
Thu lợi kép từ sản xuất lúa – rươi
Cũng trăn trở phát triển sản xuất lúa an toàn và nâng cao giá trị trên một diện tích canh tác, ông Hoàng Văn Ba, xã Minh Tân (huyện Kiến Xương) lại chọn cách phát triển nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa hữu cơ.
Ông Ba chia sẻ, tận dụng lợi thế cánh đồng ngoài đê của xã tiếp giáp với hạ lưu sông Hồng, nguồn nước, ấu trùng rươi tự nhiên dồi dào, ông đã mạnh dạn cải tạo ruộng nuôi, chuyển hướng sản xuất an toàn để tạo môi trường thuận lợi cho rươi sinh sôi, phát triển.
Ban đầu, khi ông đưa ra ý tưởng khai thác rươi trên chân ruộng lúa vốn canh tác sử dụng vật tư hóa học, nhiều người tỏa ra hoài nghi, không tin tưởng. Nhưng sau khi tận mắt chứng kiến hành trình ông dành 2 năm sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý đất ruộng, chuyển từ canh tác 2 vụ lúa thành 1 vụ và sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ, không dùng thuốc BVTV, số lượng rươi thu được qua từng năm tăng lên, các loại tôm đồng, cua, rạm tự nhiên lũ lượt kéo về thì tất cả đã bị thuyết phục. Khi chân đất, con nước đã ổn định, ông liên kết với doanh nghiệp thu mua, đưa giống lúa ST25 về trồng trên ruộng rươi để gia tăng thu nhập.
Năm 2024, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình thông qua dự án khuyến nông trung ương giai đoạn 2023 – 2025 “Xây dựng mô hình nuôi rươi kết hợp sản xuất lúa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, hoạt động sản xuất của anh Ba càng trở nên thuận lợi. Với nguồn lực hỗ trợ từ Trung tâm (giống lúa, phân hữu cơ, giống rươi, chế phẩm sinh học EM, kỹ thuật) đã giúp anh nhanh chóng giải quyết được những bài toán khó và thu được lợi kép.
“Chưa kể nguồn thu từ lúa, chuối trồng xung quanh ruộng rươi, với giá bán rươi 330.000 – 350.000 đồng/kg, tôm rảo 150.000 – 170.000 đồng/kg, cua rạm 170.000 đồng/kg thì hiệu quả kinh tế trên cùng 1 diện tích so với trồng lúa thông thường đã tăng hơn gấp nhiều lần. Quan trọng hơn, canh tác an toàn sức khỏe của người tham gia sản xuất trực tiếp, môi trường được đảm bảo, sản phẩm tạo ra an toàn với người tiêu dùng”, ông Ba cho hay.
Nguồn: nongnghiep.vn