Hơn 50% công trình nước sạch hoạt động kém hiệu quả
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang, hiện nay toàn tỉnh có 81 công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh do đơn vị quản lý. Trong quá trình khai thác vận hành, đến nay chỉ có 29 công trình hoạt động bền vững, 6 công trình hoạt động tương đối bền vững, 39 công trình hoạt động kém bền vững và 7 công trình không hoạt động.
Ông Phạm Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tuyên Quang cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác quản lý, vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đó là mục tiêu chủ yếu của các công trình là để đảm bảo an sinh xã hội nên hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Trong khi đó, việc triển khai thu tiền sử dụng nước tại các địa phương gặp không ít khó khăn. Bởi nhiều hộ dân không ký hợp đồng sử dụng nước và không nộp tiền nước với lý do, đơn giá nước quá cao so với thu nhập của người dân, nhất là người dân ở những bản làng vùng sâu, vùng xa tại các huyện như Lâm Bình, Na Hang.
Ở những khu vực này, vào mùa mưa, nguồn nước nhỏ lẻ dồi dào nên phần lớn các hộ dân không có nhu cầu hoặc sử dụng rất ít nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Khi thanh toán hóa đơn, nhiều hộ dân dùng nước trung bình mỗi tháng chưa đến 1m3. Vì vậy công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, nguồn thu tiền sử dụng nước từ các công trình bị giảm sút.
Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của Trung tâm là hơn 3,2 tỷ đồng, trong khi đó chi phí vận hành, sản xuất kinh doanh lên tới hơn 4,5 tỷ đồng.
Song song với đó, hiện nay tại các xã Bình An, Thổ Bình, Minh Quang, Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; xã Yên Hoa, huyện Na Hang; xã Ninh Lai, huyện Sơn Dương… diễn ra tình trạng người dân xâm phạm nguồn nước cấp cho công trình chưa được giải quyết dứt điểm. Trung tâm đã nhiều lần phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân tháo dỡ hệ thống đường ống thu nước, lắp đặt tự phát tại đầu nguồn các công trình.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Tuyên Quang thành… con nợ
Ông Quan Văn Phùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Bình cho biết, tại một số địa phương trên địa bàn huyện, người dân đã thực hiện bắc đường ống dẫn nước trên phía thượng nguồn ảnh hưởng đến hệ thống công trình nước sạch. Phòng NN-PTNT đã phối hợp với UBND các xã liên quan, yêu cầu người dân ngừng những hoạt động này.
Thế nhưng, các cơ quan, đơn vị gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bởi người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, mức sống còn thấp, trình độ nhận thức còn hạn chế. Do đó, các đơn vị liên quan phải vừa tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được quy định của pháp luật và thực hiện nghiêm túc.
Khó khăn trong năm 2024 càng nối tiếp khó khăn, khi nguồn kinh phí cấp bù giá nước năm 2021 và năm 2022 của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường Tuyên Quang cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp bù cho đơn vị. Do đó, hiện nay Trung tâm vẫn phải nợ tiền vật tư, văn phòng phẩm, chế độ hỗ trợ người lao động cũng như không có kinh phí để cải tạo, duy tu sửa chữa một số hạng mục công trình đã xuống cấp gây thất thoát nước.
Chi phí vận hành cao, trong khi tiền thu về từ bán nước không đủ để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là những thách thức đặt ra cho các ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang.
Nguồn: nongnghiep.vn