Tại diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao do Hội Làm vườn Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc phối hợp tổ chức tại Phú Thọ ngày 5/11, bộ giải pháp cho cây chè từ giống, canh tác, chế biến, bảo vệ thực vật đến thị trường của TS Phạm S đã thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu.
Là người thật, việc thật, đi lên từ cơ sở, gắn bó với cây chè ở Lâm Đồng rồi sau này thành Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S cho biết: Lâm Đồng là địa phương có năng suất chè cao nhất nước với gần 15 tấn/ha và sản lượng chè cao nhất nước với 164.143 tấn. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho công tác chuyển đổi giống.
Tỷ lệ chè giống mới hàng năm chiếm 100% diện tích chè chuyển đổi với các giống chè cành cao sản như TB14, LĐ 97 (gần 34%); chè chất lượng cao như Kim Tuyên, Tứ Quý, Ô long, Ngọc Thúy (gần 44,6%); chè hạt (hơn 21,4%). Đây là những giống chè phục vụ làm nguyên liệu để chế biến ra nhiều sản phẩm trà túi lọc, hoàng trà, phổ nhĩ, bạch trà, chè đen, chè xanh, chè Ô Long… giúp gia tăng giá trị kinh tế.
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngành chè Lâm Đồng đã chú trọng thực hiện quy trình canh tác hữu cơ, sinh thái nhằm cung cấp sản phẩm an toàn nhất, chất lượng nhất đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai các chứng nhận quản lý an toàn thực phẩm quốc gia và quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, Organic, HACCP và Halal (phục vụ cho thị trường Hồi giáo)…
Công tác nghiên cứu giống là bước đột phá góp phần giúp ngành chè Lâm Đồng phát triển bền vững, trong đó có công không nhỏ của giống chè LĐ97. Xuất phát từ bộ giống chè Lâm Đồng lúc bấy giờ còn đơn điệu, chưa khai thác tốt tiềm năng khí hậu, đất đai, trong quá trình công tác, TS Phạm S đã bắt đầu quan tâm đến việc bình tuyển cây đầu dòng. Vào thời điểm đang là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Nông trường chè Minh Rồng, ông đã dành nhiều thời gian ra đồng ruộng nghiên cứu các cá thể chè đột biến tự nhiên.
May mắn là nông trường ông công tác là một trong những vùng chè trồng bằng hạt lâu đời nhất tỉnh Lâm Đồng, có lịch sử từ năm 1942, với diện tích rộng tới 450ha nên rất thuận lợi cho công việc nghiên cứu này.
Sau 5 năm kiên trì từ lúc xác định cá thể tốt, ông tiến hành nhân giống vô tính và trồng khảo nghiệm, xác định giống hoàn toàn bằng kinh phí cá nhân. Kết quả, ông đã chọn ra giống chè LĐ 97 có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất (đạt 20 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình 4 lần) và chất lượng (là giống chè có nhiều mao trên tôm và lá non nhất trong tất các giống chè hiện đang có ở Việt Nam).
Nhờ đó, giá bán của chè LĐ97 bao giờ cũng cao hơn các giống chè cao sản khác từ 20 – 25%. Giống chè LĐ97 được tỉnh Lâm Đồng công bố chính thức năm 2017. Năm 2018, ông Phạm S được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm chè Lâm Đồng và tiếp tục công bố hàng chục bài báo khoa học về chè cũng như tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, đào tạo hàng chục sinh viên và học viên cao học, thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh và cấp quốc gia về chè.
Hiện giống chè LĐ 97 được đưa vào sản xuất đại trà không chỉ trong tỉnh Lâm Đồng mà còn ở các tỉnh như Gia Lai, Quảng Nam, Nghệ An, Tuyên Quang, Phú Thọ… Sản phẩm chè hương của doanh nghiệp chè Làn Hương Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm từ nguyên liệu chè LĐ 97 đã đoạt huy chương vàng tại Triển lãm chè Việt Nam. Nguyên liệu chè LĐ 97 còn được dùng để làm ra nhiều sản phẩm như chè xanh, chè trắng, chè đen, chè đỏ, chè vàng, chè hương, chè chổ nhĩ và nước giải khát chè với giá từ 15 USD đến 500 USD/kg.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích chè và thứ 6 về sản lượng chè trên toàn thế giới với 34 tỉnh, thành phố có chè và tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Nguồn: nongnghiep.vn