Thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cheo leo trên đỉnh núi, từ dưới nhìn lên, những nóc nhà ẩn hiện trong sương. Dọc theo những triền núi, cánh đồng ruộng bậc thang bao bọc lấy bản làng, khung cảnh vừa nên thơ, vừa hùng vĩ.
Đẹp là vậy, nhưng đời sống người dân Nà Sằm vẫn còn lắm gian nan, ruộng bậc thang quanh năm thiếu nước, người dân trồng lúa, trồng ngô, vụ được vụ không.
Trước đây, làm đồng cũng như đánh cược, năm nào mưa nhiều, có nước dân bản đủ ăn, năm nào hạn hán ngô cũng không mọc nổi, anh Mông Văn Giới mở đầu câu chuyện với chúng tôi.
“Đấy là mấy năm trước, bây giờ các anh lên đây thấy cánh đồng xanh rì, bà con tất tả làm việc, ai nấy đều phấn khởi, tất cả là nhờ có dự án trồng cây cà gai leo đấy”, anh Giới vui vẻ chia sẻ.
Miệng nói, tay làm, anh Giới chỉ cho chúng tôi mảnh ruộng hơn 1.000m2 của gia đình, nhìn từ xa như mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở dưới miền xuôi.
Mới hai tháng trước thu vụ đầu tiên được 7 triệu đồng, gia đình cũng bất ngờ, so với trồng lúa, trồng ngô cao hơn hẳn, chỉ hơn một tháng nữa lại thu hoạch vụ thứ 2, năng suất sẽ cao hơn, thu nhập nhờ đó cũng sẽ tăng, anh Giới tiếp tục câu chuyện về cây cà gai leo.
Cây cà gai leo được trồng trên đồng đất Nà Sằm từ đầu năm 2024, đây là dự án liên kết trồng cây dược liệu của Công ty TNHH Một thành viên thương mại Đông Nam Việt (DONAVI). Tham gia dự án, người dân được cấp giống, phân bón, chế phẩm sinh học, tập huấn khoa học kỹ thuật miễn phí. Nhờ đó, hơn 1 năm nay, trên những cánh đồng bậc thang ở Nà Săm, ruộng lúa, nương ngô đã nhường chỗ cho cây cà gai leo.
Trồng cây cà gai leo chỉ vất vả năm đầu, khi cây lớn được thu hoạch sẽ ít phải làm cỏ, từ vụ thứ hai mỗi năm chỉ làm cỏ 2 lần, đặc điểm của loại cây này là trồng một lần có thể thu hoạch được vài năm.
Vụ vừa qua, Công ty DONAVI mua cà gai leo với giá 4.000 đồng/kg, theo tính toán, nếu thực hiện đúng kỹ thuật hướng dẫn, 1.000m2 có thể mang lại từ 7 đến 12 triệu đồng/lứa. Cây cà gai leo cho thu hoạch thân, lá, quả từ 3 đến 4 lứa/năm và sau 4 năm mới phải trồng lại cây mới. Như vậy, 1ha trồng cà gai leo đạt năng suất cao có thể cho thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Giám đốc Công ty DONAVI cho biết, đây là lần đầu tiên công ty liên kết với người dân trồng cây dược liệu tại huyện Ba Bể, bước đầu cho kết quả rất khả quan. Hiện tại công ty hỗ trợ từ giống đến phân bón nên lợi nhuận người dân được hưởng tất cả mà không phải bỏ ra chi phí.
“Trước đây, cánh đồng thôn Nà Sằm thường xuyên khô hạn, chúng tôi phải mua ống dẫn nước từ đầu nguồn về, xây dựng hệ thống tưới tự động. Tất cả diện tích trồng cà gai leo ở đây đều đạt chuẩn hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, nhổ cỏ hoàn toàn bằng tay nên chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng được tiêu chuẩn của khách hàng”, bà Oanh chia sẻ.
Hiện nay, có 66 hộ ở thôn Nà Sằm tham gia lên kết trồng cây cà gai leo với Công ty DONAVI, thu nhập cao từ loại cây trồng này mở ra hướng phát triển nông nghiệp cho vùng đất khó này.
Chia sẻ về dự án trồng cây dược liệu tại huyện Ba Bể, bà Oanh cho biết, hiện công ty đang chủ trì liên kết thực hiện, đây là dự án nông nghiệp có quy mô lớn nhất tại tỉnh Bắc Kạn từ trước đến nay. Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Dự án có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách nhà nước và doanh nghiệp), xây dựng vùng nguyên liệu quy mô 225ha và nhà máy chế biến sản phẩm tại chỗ.
Dự án này sẽ hình thành 70ha vùng trồng cây dược liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao và 150ha phát triển 18 loài dược liệu có giá trị kinh tế cao đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Dự án này cũng sẽ hình thành ít nhất 10 hợp tác xã sản xuất và sơ chế dược liệu, liên kết, hỗ trợ ít nhất 1.000 người tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu, trong đó có 80% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án từ 3-5%/năm.
Nguồn: nongnghiep.vn