Bước chân khai hoang
Những năm gần đây, xuất khẩu chuối tươi đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành loại trái cây xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ sau thanh long và sầu riêng. Qua đó, trở thành loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu đầy hứa hẹn trong tương lai.
Nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành một trong những lĩnh vực chủ chốt mà Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tập trung phát triển và triển khai tích cực. Từ năm 2017, VRG đã khuyến khích và tạo điều kiện cho một số đơn vị thực hiện các dự án thí điểm.
Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng là đơn vị tiên phong trong việc hợp tác với Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) để sản xuất chuối công nghệ cao. Đến nay, nhiều dự án đã cho những kết quả khả quan.
Trong số đó, farm sản xuất chuối Minh Tân, được thành lập từ năm 2021 và nằm cách trung tâm huyện Dầu Tiếng hơn 25km, đã trở thành niềm tự hào của cả VRG và Unifarm.
Theo chân bà Huỳnh Thị Tuyết Hương, Phó Giám đốc Unifarm Chi nhánh Dầu Tiếng, chúng tôi đến thăm khu vực canh tác của doanh nghiệp này. Đứng giữa những vườn chuối xanh mướt, nhìn những buồng chuối căng tràn sức sống, bà Hương nhớ lại những ngày đầu tiên thực hiện dự án.
Khi những nhóm kỹ sư đầu tiên của Unifarm đến Dầu Tiếng để phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trong việc lựa chọn khu vực thích hợp để trồng chuối, họ đã rất phấn khích khi quyết định chọn Minh Tân. Vùng đất được bao bọc bởi rừng cao su bạt ngàn, với quy trình canh tác cây cao su hiệu quả, việc cải tạo đất để chuyển sang trồng chuối trở nên khả thi.
Đặc biệt, khu đất nằm gần hệ thống kênh thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa, đảm bảo cung cấp nước tưới đầy đủ quanh năm. Chỉ trong gần một năm triển khai dự án, vùng đất trước đây chỉ toàn cây cao su giờ đã chuyển sang màu xanh của cây chuối.
Đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất
Kỹ sư Nguyễn Văn Bền, phụ trách kỹ thuật tại Farm Minh Tân chia sẻ rằng, đằng sau những quả chuối chất lượng là nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ công nhân, cùng quy trình công nghệ cao.
Xuyên suốt khu vực sản xuất, những luống chuối thẳng hàng tăm tắp và hệ thống tưới tiêu tự động hòa quyện giữa rừng chuối bạt ngàn. Sau khi thu hoạch, chuối sẽ được vận chuyển bằng ròng rọc vào khu xử lý. Tại đây, các công nhân sẽ loại bỏ những quả không đạt tiêu chuẩn, sau đó tiến hành gột rửa sạch sẽ và đóng gói, bảo quản kho lạnh chờ ngày xuất khẩu. Mỗi khâu đều được thực hiện chính xác, không được thừa hay thiếu dù chỉ một chút.
Toàn bộ quy trình giám sát từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm chuối được thực hiện thông qua hệ thống máy tính. Các công nghệ được áp dụng bao gồm: công nghệ thông tin (hệ thống kiểm soát dinh dưỡng cho cây trồng bằng máy tính), công nghệ sinh học (nuôi cấy mô tế bào, chế phẩm sinh học), công nghệ vật liệu mới (nhà kính, hệ thống làm lạnh, phun sương) và công nghệ tự động hóa (tưới nhỏ giọt tự động theo mô hình Israel).
Hội tụ thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Lấp ló dưới những luống chuối xanh mướt, chị Nén Va Tha trong bộ đồ bảo hộ, nhanh nhẹn tỉa hoa chuối. Khi hoa chuối vừa rời khỏi quả, một miếng giấy thấm được đặt ngay bên dưới, giúp dòng nhựa trắng sữa chảy ra mà không dính vào lớp quả phía dưới.
Chỉ trong khoảng 5 phút, hơn 10 nải chuối trên buồng đã trở nên bóng bẩy, không còn bụi bẩn. Việc tỉa hoa chuối chỉ là một trong những công đoạn nhỏ trong hành trình chăm sóc buồng chuối, từ khi nhú quả cho đến khi thu hoạch.
“Hoa buộc phải tỉa và thấm sạch nhựa để không rụng xuống nải phía dưới, tránh bị nấm và bẩn cho quả khác, mỗi ngày tôi buộc khoảng 100 buồng như vậy, với mức thù lao hơn 200 ngàn đồng/ngày, ngoài ra còn được công ty bố trí chỗ ở”, chị Tha chia sẻ.
Có thể khằng định, dự án này đã giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tập hợp được nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh bền vững.
“Việc chuyển đổi một phần diện tích đất từ trồng cao su sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giải quyết bài toán kinh tế cho công ty mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người dân địa phương”, bà Hương nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn