Cà phê xóa đói, làm giàu
70 tuổi, nhưng ông Quàng Văn Trận ở xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp (Sơn La) trông chỉ như 50. Tóc đen nhánh, mắt không cần kính vẫn đọc rõ chữ. Ngày nào, vị trưởng bản Tốc Lìu cũng cần mẫn tăng gia. Khi thì thăm mấy sào sắn ngoài nương, lúc lại con lợn, con gà. Thảng hoặc, ông tự thưởng cho mình một ngày “nghỉ” bằng cách đi thăm cậu con út đang tuổi tiểu học ở trường xem như thế nào.
Trời Sơn La đầu đông, cái nắng hanh hao làm những du khách phương xa dễ mỏi mệt. Nhưng bên chái nhà, ông Trận vẫn cặm cụi phân loại hạt cà phê. Những hạt to, chín đều được đưa vào một rổ riêng, trước khi cho vào máy xát. Thành phẩm tiếp tục cho qua bể nước nhỏ đầu nhà để đãi, lọc hết lớp vỏ nhớt bên ngoài, trước khi tách lấy phần nhân đem đi ủ cho lên men. Cuối cùng nhân cà phê sẽ được mang đi rửa sạch, trải ra những tấm bạt lớn và phơi khô, đến khi cắn hạt không bị vỡ là đạt yêu cầu.
“Làm kiểu ướt thế này mất thời gian nhưng để được lâu và uống ngon hơn”, ông Trận vừa giải thích vừa đổ số hạt kém hơn ra từng chiếc sảo lớn, rồi mang ra giữa sân, phơi trực tiếp dưới ánh nắng. Ông bảo sấy như này tốn thời gian hơn, thường phải mất vài hôm nắng to, hạt mới khô hoàn toàn. Bù lại, hạt cà phê sau chế biến có hương thơm mát, vị thanh đặc biệt của giống Arabica Catimor luôn phảng phất nơi đầu lưỡi, kể cả khi nhâm nhi bằng cách hãm hạt cà phê trong nước sôi như pha chè.
Dồm Cang quê ông Trận được ví như thủ phủ cà phê của Sốp Cộp. Mấy năm trước, toàn huyện mới ngót nghét 500ha, thì riêng Dồm Cang đã chiếm hơn 60%. Từ UBND huyện qua suối Nậm Ban một quãng đã thấy hàng hàng lớp lớp cà phê đứng ngang thắt lưng người lớn. Khác với Robusta cao lừng lững như chiếc nhà rông ở Tây Nguyên, Arabica vùng Tây Bắc khiêm nhường, thường nép dưới bóng của cây keo dậu hay muồng lá nhọn, hệt như bản tính của đồng bào nơi đây.
Hỏi ông Trận mới biết, không phải tự nhiên mà cứ cách độ 15 – 20m, người Tốc Lìu lại trồng một cây che bóng. “Sương muối ở đây dữ lắm. Có năm, lá cà phê cháy đen hết”, người đàn ông ở tuổi thất thập bồi hồi. Mấy hecta nhà ông cũng không phải ngoại lệ. Có năm thu hoạch kém, vị cựu chiến binh Chiến dịch Hồ Chí Minh năm xưa lại bấm bụng, khất với người mua để bán ít đi. Một túi độ vài cân, loại hạt nhỏ, chưa chín hết được gói cẩn thận cho ông dùng cả năm.
Còn phần lớn chỗ thu hoạch, ông khuân lên những chiếc xe tải cỡ nhỏ, vào tận bản thu mua. Đó sẽ là quần áo, là sách vở, là món quà nho nhỏ mỗi khi ông lên thị xã mang về cho đám trẻ con ở nhà.
Với đa số nông sản, chuyện được mùa mất giá hay giải cứu hoàn toàn có thể xảy ra nếu tính sai thời vụ hoặc gặp phải biến cố bất ngờ. Có lẽ quy luật ấy vẫn loại trừ Catimor của xã Dồm Cang. Từ ngày theo cha mẹ đi làm rẫy và biết uống cà phê thơm lắm, ông Trận nhớ là mùa vụ nào cũng có người đến thu mua, thậm chí lên tận chân đồi nếu bán số lượng lớn. Một vài yến cho đến cả tấn, kiểu gì cũng “lên được xe”. Dù không biết những hạt đo đỏ, xinh xinh ấy được mang tiếp đi đâu, người chiến sĩ từng vào sinh ra tử quyết thủy chung với cây cà phê. Sương muối thì vụ sau để ý kỹ hơn. Giá chẳng may xuống thấp thì giữ lại nhiều hơn để làm quà. Cứ như thế, từ năm 1981 về phục viên ở bản, ông cần mẫn học cách chăm sóc loại cây trồng 1 năm dùng nhiều năm này.
Cây không phụ người có lòng. Nhờ đồng ra đồng vào từ Catimor, mà mấy người con của ông được học hành tới nơi tới chốn. Giờ 2 con trai lớn đều đã xây nhà 2 tầng bằng gạch khang trang. Bản thân ông cũng đang dành dụm để “hoàn thành nốt trách nhiệm” với cậu út. Tất cả đều là nhờ cà phê.
Ông Trận nhẩm tính, nếu giá cà phê xô cứ giữ ổn định 17.000 – 18.000 đồng/kg mua tại vườn như năm nay, gia đình ông sẽ thu về 200 – 300 triệu từ 3ha cà phê, không nhiều so với làm nông nghiệp ở dưới xuôi nhưng vẫn là một con số trong mơ với vùng biên viễn, hay nói đúng hơn là các loại cây ăn quả không thể đem lại khi lên Sốp Cộp. Chẳng thế mà trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, hoặc họp HĐND xã, ông đều khuyên bà con đồng bào người Thái trồng loại cây này. “Hơi cực một tí vì phải thu hoạch vào mùa đông, nhưng cái rét mình chịu được, còn cái đói, cái nghèo thì không”, ông thường nói với mọi người như thế.
Hồi năm 2015, giá cà phê nguyên liệu xuống thấp. Điện thoại của ông Trận nhiều hôm nóng ran vì những cuộc gọi tới tấp. Người dân muốn hỏi ý kiến ông về chuyện tái canh cà phê và chuyển hướng sang một cây trồng khác. Không nao núng, vị trưởng bản tận tình phân tích, thậm chí trực tiếp tham gia đứng lớp tập huấn cho bà con. Sau gần 10 năm, câu chuyện cũ đổi lại bằng một nụ cười xòa. Đôi mắt lấp lánh của ông ánh lên sự kiên định về loài cây xóa đói làm giàu.
Níu đặc sản trên đất dốc
Catimor có lẽ đã theo chân người Pháp lên Sơn La từ cuối thế kỷ XIX. Theo một số tài liệu, người Pháp đã mang cà phê từ Java (Indonesia) về trồng thử nghiệm trên núi Ba Vì, sau đó lan dần sang vùng Hòa Bình, Tuyên Quang, rồi vượt qua dãy Hoàng Liên Sơn tiến sâu lên phía Bắc. Khoảng những năm 1920, miền Bắc đã phủ xanh hàng nghìn hecta cà phê, nhưng phù hợp nhất vẫn là 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Ngày nay chúng ta đều biết, các giống cà phê Arabica nói chung đều ưa khí hậu mát mẻ, cường độ chiếu sáng vừa phải, và thích hợp nhất khi trồng ở độ cao từ 600m đến 2.000m, tốt nhất là khoảng 1.000m. Đặc biệt, vùng trồng cà phê cần có tối thiểu 2 tháng mùa khô sau khi thu hoạch. Đất có độ dốc vừa, trong khoảng 8 độ là phù hợp nhất để cây phát triển. Nghe có vẻ phức tạp nhưng nhờ địa hình chia cắt mạnh, với nhiều núi trung bình và núi cao bao quanh các bồn địa, kết hợp dãy Hoàng Liên che chắn, Sơn La có vùng khí hậu đặc trưng trồng cà phê Arabica, nhất là tại các khu vực núi có độ cao từ 600m đến 1.500m. So với Điện Biên, trồng cà phê tại Sơn La gặp rủi ro sương muối nhiều hơn, bù lại độ cao trung bình nơi đây lớn hơn. Hệ thống núi non trùng điệp đã tạo nên những vựa cà phê trù phú trên sườn dốc của các dãy núi thấp, hoặc trên những chỏm đồi.
Cà phê Sơn La chắc sẽ ngon hơn nếu những ngọn núi vươn lên gần mây thêm một chút, nhưng cái gì cũng được thiên nhiên ưu ái thì chưa hẳn đã hay. Anh Vì Văn Định, Trưởng phòng NN-PTNT Sốp Cộp lật ngược vấn đề, bảo nếu bà con cứ lên nương là đủ cơm ăn, áo mặc và cho con cái học hành đầy đủ thì có lẽ cây cà phê còn lâu nữa mới kéo lên được huyện vùng cao.
Khác với 3 vùng chuyên canh chính là TP Sơn La, Mai Sơn và Thuận Châu, cà phê chính thức có mặt ở Sốp Cộp chậm khoảng 10 năm. Đến gần năm 2000, dự án trồng thí điểm của Công ty Chè – Cà phê Sơn La mới chạm tới đỉnh Pu Sam Xao, trong một nỗ lực tăng nhanh diện tích cây trồng này. Nhưng thế nào đã xong. Gần như năm nào, người trồng cà phê Sốp Cộp cũng phải đối chọi với sương muối. Trồng chơi chơi, vừa làm vừa bán trên quy mô nông hộ như ông Quàng Văn Trận lại “nhàn đầu”, còn đã bước vào sản xuất quy mô hàng hóa, câu chuyện sẽ rất khác. Cứ vào mùa đông, bà con lại bảo nhau đi cắt tỉa những cành cà phê bị cháy lá do sương muối, thậm chí cưa đốn cả cây nếu ảnh hưởng nặng.
“Cà phê lên rồi nhưng cái đói vẫn quay quắt. Nhiều bản biên giới, vùng cao chưa biết hết giá trị của cà phê”, Trưởng phòng NN-PTNT người Thái nhớ về một thuở chưa xa. Nếu không nhờ lợi ích đa giá trị từ loài cây này để lấy ngắn nuôi dài, chẳng hạn vỏ có thể dùng làm phân bón, bà con có lẽ đã chia tay từ lâu với cà phê.
Như lời một bài hát nổi tiếng “Thứ gì không thể quật ngã bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn”, đồng bào người Mông, người Thái, người Tày… đất Sốp Cộp kiên nhẫn chờ cà phê bám sâu rễ, bền gốc vào từng tấc đất vàng xám. Từ năm 2013, diện tích trồng cà phê được mở rộng theo hướng tập trung. Đến năm 2021, Sốp Cộp có bước chuyển rõ rệt khi tăng diện tích trồng thêm 100 ha, và đạt tổng diện tích toàn huyện lên hơn 500 ha. Chưa hài lòng với kết quả đạt được, niên vụ 2024, Sốp Cộp ước có khoảng 1.000ha, và tiếp tục nỗ lực nâng con số này lên gấp đôi vào 2025, đạt 2.000ha.
Gia súc, cây ăn quả chưa thể nâng cao cuộc sống cho bà con, nhưng cà phê thì có. Trưởng phòng Vì Văn Định tin như vậy và chỉ ra một loạt nguyên nhân: Khâu chăm sóc nhàn hơn Rrobusta; chi phí cho phân bón, thuốc BVTV cũng ít hơn do thân cây chỉ bằng một nửa so với những vựa cà phê lớn tại Tây Nguyên. Đặc biệt, qua hơn 20 năm bám trụ đất Sốp Cộp, cà phê đã giúp thay đổi bộ mặt của biết bao bản làng. Nhà cửa khang trang mọc lên, đường sá rộng ra. Mỗi lần lên bản, anh Định cũng ít bị bà con hỏi những câu, đại loại như “trồng cây gì, nuôi con gì” nữa.
Vì Văn Ngoãn, trưởng bản Pặt Pháy, xã Dồm Cang, một trong những hộ đầu tiên của bản trồng cà phê từng một dạo trăn trở như thế. Đất nhà có nhiều nhưng vẫn không đủ ăn dù vợ chồng Ngoãn làm cật lực. Bước ngoặt xảy đến vào năm 1998, anh lên huyện tình nguyện xin hỗ trợ giống, kỹ thuật để chuyển đổi 1ha ngô, sắn sang trồng cà phê. Nhờ chăm chỉ, trưởng bản 8X đã có một xưởng sơ chế nho nhỏ vào năm 2015, mỗi năm thu mua từ 400 – 500 tấn cà phê tươi cho bà con trong bản và các vùng lân cận.
Ngoãn là một trong số 150 hộ ở bản Pặt Pháy theo nghiệp cà phê. Tính trung bình mỗi hộ có gần 1ha, gia đình nhiều có thể đến 4ha. Mấy bận bị sương muối “hành hạ”, giờ người dân đã tái canh và chuyển sang sử dụng các giống có tính chống chịu. Đồng thời, những ngày rét đậm, rét hại, người dân đã biết tưới đủ ẩm, ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ. Khi có hiện tượng sương muối thì tiến hành hun khói, phun nước vào buổi sáng để bảo vệ vườn. Nếu buộc phải cắt bỏ, cán bộ khuyến nông sẽ hướng dân người dân loại bỏ toàn bộ thân chính ở vị trí cách mặt đất 15 – 20cm, vết cưa nghiêng 45 độ, nghiêng từ đông sang tây, với phần cắt phía đông cao hơn để ánh nắng buổi chiều không làm khô gốc cây. Sau cắt, có thể dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, chờ cây phục hồi.
Theo lời Ngoãn, cái “khó tính” nhất của cà phê là vụ thu hoạch luôn rơi vào mùa đông. Mọi thứ thường rất khó xoay sở vì nhân công ít mà giá thuê lại cao. Nhiều lúc, đúng mùa thu hái mà mưa cả tuần, hạt cà phê ngậm nước, nứt ra rồi rụng hết. Ở trên Pặt Pháy, cà phê chín làm nhiều đợt, kéo dài tới mấy tháng, khiến mọi người không thể tập trung thu hoạch dứt điểm. Nếu không chủ động về người hoặc giỏi ứng biến, chi phí phân bón và công thu hái có thể chiếm đến 2/3 giá bán. Thành thử, tưởng là lãi to nhưng tiền thu về cuối cùng lại chẳng tương xứng.
Phủ xanh miền biên viễn
Có cái được, có cái mất, nhưng đến giờ phút này, không thể phủ nhận sức trường tồn của cà phê ở Sốp Cộp. Nếu trưởng bản Quàng Văn Trận có dịp lên máy bay, phóng tầm mắt ra đường tỉnh 105 hướng về cửa khẩu Nậm Lạnh, hẳn sẽ thấy liền một dải xanh ngắt của cà phê lan từ Dồm Cang tới sát nước bạn Lào.
“Con đường màu xanh” ấy không trơ trọi giữa núi rừng. Ngay đầu bản Phổng, những ngày cuối năm dương lịch, 2 ngôi nhà gạch nối đuôi nhau thành hình ngay cạnh nhà văn hóa. Hỏi trưởng bản Tòng Văn Dung, anh đọc vanh vách tên 2 chủ hộ và còn bổ sung thêm 10 gia đình nữa của các ông như Lò Văn Sơn, Tòng Văn Nghịch… vừa lên nhà mới trong năm nay. Tất cả đều nhờ cà phê.
So với Dồm Cang, cà phê ở Nậm Lạnh thấp hơn, theo lời anh Dung là vì mới bắt đầu thử nghiệm từ 10 năm trước và đẩy mạnh vài ba năm gần đây. Trên một sườn dốc, vị trưởng bản hăm hở chỉ ra một mảng đồi trống, nơi vừa ươm loạt cây mới. “Bản đã đăng ký với huyện, sang năm trồng mới 12ha, gấp đôi bây giờ”, người đàn ông ngoài 40 tuổi kể, ánh mắt như cười khi cuối cùng đã tìm ra loài cây có thể giữ chân trai bản trên núi, không xuống đô thị hay đi làm ăn xa.
Nhìn dòng xe cộ đi lại nhộn nhịp ngoài đường trục chính, khó có thể tin là có lúc bản Phổng từng có hơn 50% số hộ là nghèo, hoặc cận nghèo. Là địa bàn được Nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 30a, trước đây bản Phổng chủ yếu nhận các giống cây có múi như cam, quýt… là chính. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra lại không được các đơn vị thu mua mặn mà vì đường sá xa xôi, chất lượng không thật nổi trội.
“Chúng tôi muốn tự lực thoát nghèo”, trưởng bản Tòng Văn Dung tâm sự và thừa nhận, đó là lý do đẩy anh lặn lội về tận TP Sơn La để tìm hiểu cơ hội phát triển từ ruộng nương. Cơ duyên đưa anh đến gặp Trần Văn Miền, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Sơn La, người lúc ấy cũng đang cháy bỏng giấc mơ phát triển cà phê đặc sản mang thương hiệu Sơn La. Không rõ họ bàn những gì, chỉ biết là sau đấy, Dung đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về lợi ích trồng cà phê, còn Miền tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin công nhận đặc cách vườn cây đầu dòng từ Cục Trồng trọt, với khả năng cung cấp 1 tấn hạt giống.
“Cà phê Sốp Cộp trồng từ lâu nhưng manh mún, nhỏ lẻ là chính. Nhiều vườn đang trong giai đoạn tái canh”, phó giám đốc 9X chia sẻ về dư địa đầu tư vào cà phê Sốp Cộp. Người con đất Nam Định hy vọng, nếu mọi việc suôn sẻ, vườn cây đầu dòng của HTX sẽ được công nhận trước mùa vụ tới, kịp thời giúp người dân có nguồn giống chất lượng, tại chỗ mà vẫn đáp ứng các tiêu chí hỗ trợ của Chương trình 30a.
Hai bầu nhiệt huyết chạm nhau giúp kế hoạch của họ tiến nhanh không ngờ. Ngoài 120 hộ đã đăng ký tham gia trồng mới, còn rất nhiều gia đình khác ở bản Phổng muốn tìm hiểu về cơ hội đổi đời nhờ cà phê. Nhu cầu lớn đến mức, Tòng Văn Dung phải đưa các kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và phát triển cà phê vào các cuộc họp định kỳ tại bản. Đều đặn 1 tháng/lần, anh sẽ nhờ cán bộ kỹ thuật của huyện, xã hoặc cán bộ tư vấn từ một số nơi như HTX Nông nghiệp Sơn La “đứng lớp”. Cứ đà này, người đứng đầu bản Phổng dự đoán, diện tích trồng cà phê sẽ sớm chiếm quá nửa diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn.
Từng thành công vang dội với đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc, Sơn La một lần nữa đứng trước ngưỡng cửa tương tự với cà phê. Trong hơn 21.000ha trồng toàn tỉnh, có đến 8.000ha cần tái canh đến năm 2025, tập trung chủ yếu ở Sốp Cộp, Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu và TP Sơn La. Đó là một con số không nhỏ, nhất là khi người tái canh cà phê sẽ mất 2 – 3 năm đầu tiên không có sản phẩm.
Trong lúc chờ quyết sách của tỉnh, cựu chiến binh Quàng Văn Trận hẳn sẽ có nhiều dịp dẫn cậu út ra vườn cà phê. Nhìn từng vạt nắng chiếu xiên qua tán keo dậu, ông hẳn lại nhớ về mình của nhiều năm trước. Ngày ấy, mỗi lần ngắt từng hạt đỏ đỏ, xinh xinh xuống, vị trưởng bản lại như chạm vào quần áo, sách vở của 2 người con lớn trong gia đình.
Nguồn: nongnghiep.vn