Ở các xã miền núi từ Mỏ Vàng, Đại Sơn, Viễn Sơn cho tới Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng…, ở cả huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái), cây quế được gọi là “cây vàng” bởi nó trụ được trên đất khó, và là cây giúp người dân làm giàu, thoát nghèo.
Một cây quế mua được 2 cây vàng
Nếu Văn Yên là thủ phủ quế của Yên Bái thì ba xã Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng được coi là “tam giác quế”, là nơi khởi nguồn của cây quế Văn Yên. Từ 3 xã này, quế được nhân giống, trồng đại trà sang nhiều xã, huyện trong tỉnh, trở thành cây chủ lực.
Hai ông Đặng Nho Hưng, Đặng Nho Quyến (thôn Thác Tiên) là những hộ có diện tích trồng quế vào loại lớn nhất xã Mỏ Vàng, và đang sở hữu những đồi quế tuổi đời vài chục năm tuổi, có những cây quế cổ thụ trên 80 năm lừng lững một góc rừng, thân to hai người ôm không xuể. Đó là những cây được trồng từ thời ông bà đến nay may mắn còn sót lại, trở thành tài sản thừa kế cho con cháu.
Trong đề án quy hoạch phát triển cây quế của Văn Yên, huyện chủ trương giữ những đồi quế cổ thụ để làm vườn cây đầu dòng lấy hạt, ươm dưỡng quế giống. “Tam giác quế” có khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp với cây quế. Quế trồng trên đất đồi của Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Đại Sơn chất lượng tinh dầu, độ dày của vỏ, mùi thơm… bao giờ cũng cao hơn các vùng khác. Do đó, giá bán khi nào cũng được giá.
Buổi sáng sớm, ông Đặng Nho Hưng chuẩn bị mọi thứ cần thiết để mượn người lên đồi quế thu dọn những thân cây đã được bóc vỏ. Số gỗ quế này được phân loại theo kích thước bán cho cơ sở thu mua về băm dăm gỗ; vỏ quế bóc xong cuộn thành từng bó, mỗi bó trên dưới 30kg đang được thu mua trên 30 ngàn đồng/kg tùy theo độ dày của vỏ. Vỏ càng dày, giá bán càng cao do lượng dầu quế lớn. Những cành quế nhỏ, bà con dùng vồ đập dập lấy quế vụn hay còn gọi là quế dập. Lá quế cũng được các cơ sở thu mua để chiết xuất tinh dầu quế.
Đi giữa rừng quế cổ thụ, ông Hưng kể, từ lúc ông còn nhỏ đã thấy cây quế có mặt trên bản làng mình. Mỏ Vàng là xã người Dao toàn tòng, người Mông chiếm tỷ lệ nhỏ hơn, còn lại người Kinh là… thiểu số. Hầu hết, mỗi hộ người Dao đều sở hữu vài ba hecta quế. Quế trồng đến năm thứ 10 có thể bóc vỏ được. Nếu gia đình nào có điều kiện, không vội, các hộ có thể để lâu năm hơn bởi càng lâu, cây quế càng to, vỏ càng dày, chất lượng tinh dầu càng lớn. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ cho thu hoạch khối lượng vỏ lớn hơn, giá bán cao gấp rưỡi so với quế đại trà dưới chục năm tuổi.
Cách thức trồng quế truyền thống của người Dao Mỏ Vàng đó là vãi hạt. Tuy nhiên, tỷ lệ sống của cây sẽ thấp hơn, khó kiểm soát được mật độ, độ dày của đồi quế. Sau vài năm cây lớn lên phải đi bóc tỉa để cây có khoảng trống và không gian phát triển. Những năm gần đây, bà con chuyển sang gieo hạt, ươm dưỡng thành cây giống rồi mới mang đi trồng bầu, đảm bảo tốt hơn cho sự sinh trưởng của cây.
Mỏ Vàng vẫn còn là xã nghèo. Tuy nhiên, nếu nhìn vào tương lai, nhìn vào những đồi quế đang khép tán, chuẩn bị cho khai thác, chỉ dăm năm nữa, sẽ xuất hiện nhiều “tỷ phú quế” trên vùng đất này.
Ông Đặng Nho Quyền là một trong số những tỷ phú quế đầu tiên của xã Mỏ Vàng. 3 năm trước, ông cất ngôi nhà to nhất bản, kiên cố, bề thế như một biệt thự dưới xuôi với số tiền lên tới vài tỷ đồng. Chưa hết, ông đang sở hữu những đồi quế tuổi đời 30 – 40 năm, những cây quế cổ thụ 60 – 70 năm.
Người dân Thác Tiên vẫn nhắc câu chuyện chục năm trước, ông Quyền cho bóc một cây quế cổ thụ tuổi đời thuộc dạng lâu năm nhất bản. Số vỏ quế bán đi được 85 triệu đồng. So sánh giá vàng khi đó hơn 4 triệu đồng/chỉ, cây quế của ông Quyền trị giá gần bằng 2 cây vàng.
Vùng quế mà huyện Văn Yên đang quy hoạch bảo tồn nguồn gen cây đầu dòng, phần lớn nằm ở thôn Thác Tiên, phần lớn là quế của hai anh em ông Hưng, ông Quyền. Đó không chỉ là tài sản lớn của cá nhân mà còn là niềm tự hào của người dân xã Mỏ Vàng.
Rừng quế đầu dòng cổ thụ trên đất Mỏ Vàng
Con gái ông Đặng Nho Hưng – chị Đặng Lai dẫn chúng tôi lên ngắm đồi quế cổ thụ của gia đình. Đường lên đồi quế đã đổ bê tông theo chuẩn nông thôn mới, nổi bật giữa màu gan gà của đất đồi, tựa như một nét phấn vẽ. Ông Hưng đang cùng mấy thanh niên người Mông hối hả vác những thân quế đã bóc vỏ cho lên xe công nông chở đi bán.
Số quế bóc mấy ngày trước, gia đình ông Hưng thu được trên 2 tạ, tương ứng với 50 – 60 triệu đồng. Ở Mỏ Vàng, gia đình nào có việc, cần tiền để lo việc lớn, ít thì bóc dăm ba cây quế, thế là có tiền chục. Nếu bóc cả đồi quế, tiền vỏ quế bán đi lên tới vài trăm, thậm chí tiền tỷ. Muốn bóc cây nào, trước đó vài ngày sẽ dùng dao tiện một khấc vòng quanh gốc để cắt nhựa từ dưới gốc lên, khi bóc vỏ sẽ nhanh và dóc, không bị dính.
Để lại xe bên đường, chị Lai dẫn chúng tôi tới khu đồi có những cây quế cổ thụ lâu năm nhất của Mỏ Vàng men theo con đường mòn. Từ xa đã nhìn thấy một vùng xanh rợp, ngút mắt. Đi thêm vài chục mét, chúng tôi tới vị trí của những cây quế cổ thụ có tuổi đời bằng một đời người. Cây nào cây nấy cao lừng lững chừng trên 30m. Vòng tay ôm thử để ước lượng, tôi chới với và trở nên bé tẹo trước cụ quế cổ thụ.
Chị Lai cho hay, một cây quế cổ thụ nếu thu hoạch sẽ được vài tạ vỏ. Mà nếu có khai thác, người ta cũng sẽ giữ lại để… trưng bày, vì một cây quế cổ thụ đường kính thân trên 1m như thế này là những cây quý hiếm, số lượng đếm trên đầu ngón tay. Khoanh vỏ của nó là một kích thước khổng lồ, là những mẫu vật quý hiếm. Nhưng không ai ở Mỏ Vàng dại dột khai thác những cây quế cổ thụ đó cả. Nó là cây quế mẹ, mỗi năm cho vài tạ hạt, từ đó nhân giống lên thành hàng ngàn cây quế giống. Đó là nguồn thu bền vững.
Mùa này, đi trên đất quế, hình ảnh dễ nhận thấy là những sân quế phơi đỏ hai bên đường; vỏ quế mới khai thác chất thành đống, đợi thương lái tới thu mua. Một bó vỏ quế nặng trung bình 30kg. 10 bó, người Mỏ Vàng có 100 triệu đồng. Mùi quế mới thơm lừng dọc con đường dài hơn 20km từ Đại Sơn ngược đến Mỏ Vàng. Thời gian này, người dân hầu hết chỉ đi tỉa cây để dọn đồi, lấy ánh sáng cho cây quế vươn lên chứ không khai thác đại trà, vì còn chờ được giá.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng Đặng Tòn Lây cho biết, toàn xã có gần 5.000ha trồng quế, chiếm gần 50% diện tích đất tự nhiên. Quế có mặt tại 7/7 thôn, trong đó tập trung ở thôn Thác Tiên với hơn 1.539ha. Từ lâu, quế Mỏ Vàng được trồng hoàn toàn theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón, thuốc hóa chất. Cây quế giúp ổn định đời sống người dân, ổn định an ninh trật tự xã hội.
“Người dân mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật trồng quế hữu cơ để thực hiện đồng bộ, đảm bảo chất lượng. Xã đang làm hồ sơ để được cấp chứng nhận thương hiệu quế Mỏ Vàng và cấp mã số vùng trồng. Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là giá thu mua quế không ổn định, chưa có xưởng thu mua, xưởng chế biến quế nên người trồng quế thụ động, phụ thuộc vào thương lái”, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng Đặng Tòn Lây cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn