Trong suốt quá trình hơn nửa thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, liên tục phát triển và trở thành một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam.
Thời gian tới, ThaiBinh Seed kỳ vọng bước ngoặt đột phá với những dự án mới. Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo để hiểu rõ hơn về những bước đi trong hành trình tới của ThaiBinh Seed.
Hệ thống bài bản từ nghiên cứu đến sản xuất
ThaiBinh Seed đã và đang là nhà sản xuất lúa giống chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, ông có thể chia sẻ bí quyết giúp doanh nghiệp giữ vững vị thế này trong suốt nhiều năm qua?
Để ThaiBinh Seed tồn tại trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, từ một doanh nghiệp nhỏ đến phát triển bền vững và trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành giống cây trồng Việt Nam, có một vài vấn đề mà chúng tôi rất quan tâm, đầu tiên là việc ứng dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu và phát triển.
Thứ hai là phải đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ngày một cao hơn.
Thứ ba là phải có một hệ thống từ nghiên cứu đến sản xuất một cách bài bản nhất, thậm chí có thể nói là hiện đại nhất trong ngành giống cây trồng Việt Nam hiện nay. Đó là “chìa khóa” đưa ThaiBinh Seed tồn tại và phát triển như bây giờ.
Vừa qua, Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, ThaiBinh Seed sẽ có những kế hoạch gì để tăng trưởng bền vững gắn liền với Đề án này, thưa ông?
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là chủ trương đúng đắn của Chính phủ và Bộ NN-PTNT.
ThaiBinh Seed sẽ tập trung vào một số yếu tố, thứ nhất là nghiên cứu tạo ra những giống cây trồng mới, đặc biệt là những giống lúa có khả năng chống biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu với điều kiện tự nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng tài nguyên cũng như là phát thải khí nhà kính trong sản xuất. Tất cả những điều này sẽ góp phần vào chuỗi sản xuất.
Ngoài ra, ThaiBinh Seed cũng sẽ đưa ra những giống lúa chất lượng cao, đặc biệt thích ứng với vùng ĐBSCL để góp phần đồng hành cùng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
Những dự án phải đạt trình độ 4.0
Bên cạnh phát triển các giống lúa chất lượng cao, được biết ThaiBinh Seed sắp tới sẽ mở rộng và phát triển thương hiệu gạo bằng việc xây dựng một nhà máy chế biến gạo lớn nhất Đồng bằng sông Hồng. Vì sao ThaiBinh Seed lại có quyết định được xem là bước đột phá lớn như vậy?
Trong chiến lược phát triển của ThaiBinh Seed đến năm 2030, tầm nhìn 2040, lúa gạo và giống cây trồng vẫn là hướng chủ lực, trong đó có kế hoạch xây dựng những nhà máy chế biến hạt giống, nhà máy chế biến gạo ở miền Bắc và ĐBSCL. Hiện, ThaiBinh Seed đã triển khai ở miền Trung rồi.
Với miền Bắc, ThaiBinh Seed sẽ xây dựng một nhà máy chế biến gạo phục vụ tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu. Nhà máy này có vốn đầu tư khoảng gần 1.000 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Nhà máy được đầu tư dây chuyền hiện đại nhất, mới nhất, tốt nhất và tiên tiến nhất của nước ngoài.
Nhưng chiến lược lâu dài của ThaiBinh Seed là xây dựng nhà máy chế biến gạo ở ĐBSCL. Những dự án của chúng tôi sẽ phải đạt trình độ 4.0, tức là phải đảm bảo đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn nhất, chất lượng nhất và phù hợp với nhu cầu.
Ông đã từng nói một câu rất hay: “Giống và quyền được tự chủ trên mảnh ruộng là hai khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đây chính là đôi chân vững chãi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người lao động”. Hai yếu tố này vẫn còn đúng đến hiện nay, tuy nhiên trước bối cảnh ngành nông nghiệp hiện đại 4.0, thích ứng biến đổi khí hậu, ngành lúa gạo và người nông dân nước ta cần thêm điều gì, thưa ông?
Quả thực đúng vậy, giống và sự chủ động của người nông dân là yếu tố quyết định sự thành bại trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng đứng trước bối cảnh ngành nông nghiệp hiện đại 4.0 và thích ứng biến đổi khí hậu, giống sẽ phải nâng tầm, sẽ phải là một yếu tố khoa học bởi nó quyết định những yếu tố canh tác nhằm hạn chế chi phí, giảm phát thải khí nhà kính cũng như hạn chế sử dụng các chất hữu cơ. Quy trình canh tác cũng do giống quyết định.
Tuy nhiên quyết định vẫn là ở người nông dân, song rất cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước và phải có ứng dụng toàn diện các biện pháp canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nữa. Có như vậy mới thành công được.
Đã làm phải làm bài bản
Định hướng phát triển của ThaiBinh Seed thời gian tới để cùng đưa ngành lúa gạo Việt Nam vươn tầm hơn nữa trên thị trường thế giới là gì thưa ông?
ThaiBinh Seed là doanh nghiệp khoa học công nghệ đã 15 năm nay và hướng đi của chúng tôi trong thời gian tới là tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó giống cây trồng vẫn là lĩnh vực chính.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt mục tiêu phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sự phát triển, đây cũng là hướng đi quan trọng của ThaiBinh Seed. Nhưng chúng tôi xác định, đã làm thì phải làm bài bản, phải làm từ đầu đến cuối, chứ không phải chỉ là một công đoạn.
Ông gửi gắm mong muốn gì đến với người nông dân để xây dựng chuỗi lúa gạo bền vững?
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay và trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành lúa gạo và cũng là tái cơ cấu nền kinh tế, hệ thống sản xuất đang có sự chuyển động mạnh mẽ, đặc biệt tới đây sẽ ban hành Luật đất đai sửa đổi. Đây sẽ là những yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất của người nông dân. Vì vậy, tôn trọng pháp luật, liên kết với doanh nghiệp là hướng đi không thể cưỡng được của người nông dân đối với hoạt động sản xuất.
Người nông dân nên lựa chọn hợp tác với những doanh nghiệp lớn để cùng chia sẻ, cùng tôn trọng các quy định của pháp luật về khoa học kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, quy trình canh tác, kết nối tiêu thụ… Có như vậy chuỗi sản xuất lúa gạo mới thành công được.
Xin cảm ơn ông!
“Đứng trước bối cảnh ngành nông nghiệp hiện đại 4.0 và thích ứng biến đổi khí hậu, giống sẽ phải nâng tầm, sẽ phải là một yếu tố khoa học bởi nó quyết định những yếu tố canh tác nhằm hạn chế chi phí, giảm phát thải khí nhà kính cũng như hạn chế sử dụng các chất hữu cơ”, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc ThaiBinh Seed Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn