Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, đưa sản lượng mắc ca qua chế biến đạt 130.000 tấn hạt vào năm 2030. Trong đó, khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc được xác định sẽ là vùng trồng trọng điểm do có điều kiện sinh thái phù hợp với cây mắc ca…
Hiện có 28 tỉnh trồng mắc ca với tổng diện tích khoảng 27.000 ha, trong đó Tây Nguyên chiếm hơn 65 % diện tích. Diện tích mắc ca đang có xu hướng ngày càng được mở rộng do phù hợp với điều kiện khí hậu, địa hình và tập quán canh tác của các dân tộc ở Tây Nguyên Nguyên với phương thức trồng mắc ca thuần hoặc xen trong vườn cà phê nhằm đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích, tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.
Mắc ca là loại cây trồng mới được quan tâm phát triển trong vòng hơn 15 năm trở lại đây tại Tây Nguyên nên các vấn đề về kỹ thuật trồng, chăm sóc loại cây này chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện, đặc biệt là vấn đề tạo hình, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại chính để khuyến cáo cho nông dân áp dụng.
Bài viết này nhằm cung cấp thông tin về chăm sóc cây mắc ca sau thu hoạch trên cơ sở tham khảo các tài liệu trong, ngoài nước kết hợp với khảo sát, đánh giá các mô hình trồng cây mắc ca cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao từ nông dân.
Thông thường sau 4 năm trồng cây mắc ca bắt đầu cho thu bói, khoảng năm thứ 7 sẽ cho thu hoạch ổn định với năng suất từ 3,0-4 tấn hạt/ha. So với mức giá hiện tại (80.000-100.000 đ/1kg hạt), mỗi ha mắc ca trồng thuần sẽ thu về từ 240-320 triệu, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 200 – 250 triệu đồng/ha.
Nếu trồng xen trong vườn cà phê thì lợi nhuận đạt trung bình từ 80 – 120 triệu đồng/ha. Đây là loại cây trồng có yêu cầu kỹ thuật không cao, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp trong đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và tăng thu nhập cho người dân hiện nay.
Ở Tây Nguyên mùa thu hoạch mắc ca từ tháng 6 – 8. Mặc dù mắc ca được xem là loại cây rừng, song để cho cây mắc ca cho sinh trưởng khỏe, ra hoa, đậu quả tốt, đạt năng suất cao, bền vững thì sau khi thu hoạch bà con cần lưu ý các biện pháp kỹ thuật chăm sóc sau:
Tỉa cành cây mắc ca
Để ổn định về mặt sinh lý của cây, sau khi thu hoạch xong cần để cho cây có thời gian nghỉ (không tác động bất cứ biện pháp kỹ thuật nào) khoảng 10 -15 ngày, sau đó tiến hành các biện pháp kỹ thuật cắt bỏ chồi non mọc thẳng (chồi vượt); tỉa các cành yếu đã mang quả mà khả năng không cho quả ở vụ tới; cắt các cành già cỗi, yếu; cành khô; cành đan xem lẫn nhau; cành mọc đâm vào phía trong thân; cành mọc ở vị trí không mong muốn để đảm bảo cho ánh sáng có thể xuyên qua tán cây. Đối với các cây có bộ tán rộng xum xuê nên cắt xén cành để thu gọn lại bộ tán.
Các giống mắc ca OC, 856, 246, 800 có đặc điểm ra nhiều cành nên cần cắt tỉa cho thông thoáng; giống QN1, 849 ít cành hơn nên việc tỉa cành cũng sẽ đơn giản hơn.
Cây mắc ca có độ cao > 4m cần định lại độ cao chung cho toàn vườn từ 3 – 4m là phù hợp.
Dụng cụ dùng để cắt, tỉa cành cần được khử trùng để đảm bảo vệ sinh.
Sau khi cắt tỉa cành cần thu gom cành, thân cây đến vị trí phù hợp trên vườn để đảm bảo cho vườn cây được vệ sinh, hạn chế sự lây lan và phát tán của sâu bệnh hại.
Bón phân phục hồi vườn cây
Bón phân phục hồi vườn cây sau thu hoạch là giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm giúp cho cây mắc ca phục hồi về sinh trưởng sau thời kỳ mang quả kéo dài. Giai đoạn phục hồi tốt sẽ giúp cây phân hóa mầm hoa tốt, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu thời tiết bất thuận; chất lượng hoa đảm bảo cho quá trình thụ phấn, thụ tinh, gia tăng tỷ lệ đậu quả, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
Đối với cây mắc ca giai đoạn kinh doanh, các tài liệu của nước ngoài (Úc) khuyến cáo chỉ bón 2 lần/năm; lần đầu bón vào giai đoạn sau khi cắt cành, tạo tán và lần thứ hai bón vào giai đoạn sau đậu quả. Lượng, loại phân bón khuyến cáo sử dụng phụ thuộc vào tuổi cây, năng suất. Tại Úc, lượng bón cho cây mắc ca kinh doanh vào giai đoạn sau thu hoạch khoảng 400 – 500 g NPK 13-13-13/cây. Phân hữu cơ Bình Điền từ 5 – 10 kg/cây.
Tại Tây Nguyên, qua khảo sát, đánh giá các vườn mắc ca cho năng suất cao từ 3-4 tấn hạt/ha, chất lượng tốt, ổn định qua các năm cũng như tổng hợp các số liệu điều tra nghiên cứu của các Viện, Trường cho thấy nông dân bón phân cho cây từ 2 – 3 lần/năm (chủ yếu là bón 2 lần/năm) với lượng N từ 400 – 700 g/cây; P2O5 từ 300 – 500 g/cây và K2O từ 500 – 800 g/cây.
Giai đoạn sau thu hoạch bón phục hồi vườn cây, sử dụng các loại phân bón NPK Đầu Trâu 15-15-15 hoặc 16-16-16 để bón cho cây mắc ca với liều lượng theo tuổi cây:
Từ 7 – 10 tuổi bón từ 700 – 900 g/cây
Từ trên 10 tuổi bón từ 1.000 – 1.200 g/cây
Bón vôi với lượng 1 – 1,5 kg/cây rãi đều từ trong ra đến tán.
Lượng phân hữu cơ (phân chuồng hoai) từ 20 – 30 kg hoặc phân hữu cơ chế biến công nghiệp từ 5 – 10 kg/cây.
Kỹ thuật bón: Đối với phân hữu cơ, đào rãnh theo tán cây sâu 10 – 15 cm rộng 15-20 cm bỏ phân xuống và lấp đất lại. Phân vô cơ bón rãi theo tán, kết hợp xăm xới đất để trộn phân với đất nhằm hạn chế quá trình mất phân. Không bón đón mưa.
Chỉ bón phân khi đất đủ ẩm.
Quản lý sâu bệnh hại: Giai đoạn sau thu hoạch cần chú ý kiểm tra các loại sâu bệnh hại trên vườn, đặc biệt là bệnh xì mũ, nấm địa y trên thân cành, sâu đục thân… để có giải pháp xử lý kịp thời và hiệu quả giúp cây sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận của môi trường.
Đối với các loại sâu hại có thể sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Spirotetramat, Azadirachtin, Cypermethrin ; bệnh xì mủ thân có thể tham khảo các hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb hoặc Mancozeb + Metalaxyl để phòng trừ. Nồng độ, số lần phun/xử lý theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Nguồn: nongnghiep.vn