Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, hội nghị được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội… nhằm xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động chăn nuôi bò thịt của Việt Nam, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, thách thức.
Từ đó, đưu ra những giải pháp để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy chăn nuôi bò thịt phát triển bền vững.
Ngày 19/12, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị “đánh giá thực trạng và định hướng phát triển chăn nuôi bò thịt của Việt Nam”.
Theo Cục Chăn nuôi, hiện hoạt động chăn nuôi bò thịt của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn như tỷ suất đầu tư lớn, chu kỳ sản xuất dài, thời gian thu hồi vốn chậm.
Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm tỷ lệ cao, trong khi chăn nuôi theo chuỗi liên kết lại chiếm tỷ trọng thấp.
Việt Nam hội nhập kinh tế, tham gia vào các hiệp định thương mại nên áp lực cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi bò thịt tăng lên.
Diện tích chăn thả hạn chế, việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, vẫn có những cơ hội và yếu tố thuận lợi để chăn nuôi bò thịt phát triển nếu nắm bắt tốt như hành lang pháp lý về quản lý ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, có tính hội nhập cao.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vốn, công nghệ, năng lực quản trị vào ngành chăn nuôi.
Hội nhập kinh tế tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi tiếp cận được những công nghệ mới về giống, thức ăn, phương thức quản lý. Nhu cầu trong nước về sản phẩm gia súc ăn cỏ ngày càng tăng nhất là đối với thịt bò…
Trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đàn bò thịt ổn định ở quy mô từ 6,5 – 6,6 triệu con. Sản lượng thịt xẻ đạt 10-11% (tổng các loại). Có khoảng 30% số lượng bò được nuôi trong trang trại.
Ngoài ra, phát triển chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, muốn chăn nuôi bò thịt của Việt Nam phát triển trước hết cần có sự điều chỉnh về về chính sách hỗ trợ theo hướng những gì người dân đã làm được thì không hỗ trợ, mà tập trung nguồn lực hỗ trợ những gì người dân chưa làm được.
Bởi lẽ, nuôi bò thịt thường dài ngày, vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, trong khi không phải hộ nào cũng có đủ nguồn lực để duy trì.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo nghề, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăn nuôi an toàn, tiết kiệm chi phí, xúc tiến thương mại…
Đặc biệt, Bộ NN-PTNT cần có những động thái mạnh mẽ hơn đối với từng địa phương trong việc quan tâm, xây dựng quy hoạch, tạo điều kiện về quỹ đất xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, cơ sở giết mổ, chế biến… để các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất có thêm không gian đầu tư, phát triển chăn nuôi bò thịt bền vững.
Đồng thời, phải ngăn chặn được việc nhập lậu bò thịt từ các nước qua biên giới, xây dựng tiêu chuẩn nhập khẩu đối với bò sống và thịt bò từ các nước.
Về thức ăn, ngoài việc mở rộng được diện tích trồng cỏ thì việc quản lý chặt chẽ hoạt động nhập khẩu, giá bán, chất lượng các loại nguyên liệu, thức ăn tinh, chất cấm trong chăn nuôi cũng cần được đẩy mạnh, đảm bảo người nuôi có cơ hội tiếp cận được với các sản phẩm tốt nhất với chi phí hợp lý.
Về con giống, hiện nay có nhiều nguồn giống trong nước và nhập khẩu, nhưng giống năng suất, chất lượng phù hợp với từng phân khúc thị trường chưa được phân định rõ.
Bên cạnh đó, chúng ta mới có 2 cơ sở tự sản xuất được nguồn tinh trong nước là Trung tâm Giống gia súc lớn Trung ương (Viện Chăn nuôi) và Công ty Cổ phần Giống gia súc Hà Nội, còn lại tinh bò nhập khẩu.
Trong các loại tinh bò nhập khẩu thì tinh bò 3B khi đưa về được nhiều hộ sử dụng vì sức tăng trọng và năng suất của bò cao. Tuy nhiên, tinh bò này có mặt yếu là chỉ sử dụng con lai có máu Zebu cao trên 75% làn nền lai tạo, sau đó được vỗ béo và đưa vào giết thịt.
Việc này khiến cho việc di truyền các tính trạng tốt cho đời sau và sử dụng con cái làm nền cho quá trình lai tạo tiếp theo không có; ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của đàn bò cái.
Do đó, song song với hoạt động sản xuất chuyên thịt từ con lai của bò 3B phải xây dựng đàn nền thông qua quá trình zebu hóa, đưa giống khả năng sinh sản cao, các giống bò ngoại… vào phục vụ cho phát triển đàn bò.
Bên cạnh đó, tiếp tục sử dụng các nguồn gen bản địa như bò vàng, H’Mông, u đầu rìu… vì chúng có khả năng chống chịu tốt với dịch bệnh, điều kiện kham khổ.
Nguồn: nongnghiep.vn