Tăng đàn, đảm bảo nguồn cung
Thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán thường tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Do đó, các địa phương đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo duy trì và phát triển đàn vật nuôi. Người chăn nuôi chủ động tăng đàn để đón đầu thị trường cuối năm nhiều thuận lợi cho đầu ra.
Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản Hậu Giang cho biết, tỉnh hiện đang duy trì đạt vật nuôi khá tốt. Trong đó, đàn heo đạt kế hoạch đề ra với trên 146.000 con, riêng heo thịt là 103.000 con. Đàn trâu 1.200 con, đàn bò 4.320 con. Đàn gia cầm từ đầu năm đến nay luôn được duy trì ở mức trên 4,5 triệu con.
Theo người đứng đầu ngành chăn nuôi tỉnh Hậu Giang, có hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của người chăn nuôi có tăng đàn hay không.
Một là giá cả thị trường vật tư đầu vào và giá bán sản phẩm. Hai là tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được được kiểm soát tốt. Mấy tháng gần đây, giá heo hơi có xu hướng tăng, hiện nay giá heo hơi thương lái thu mua tại Hậu Giang từ 60.000 – 62.000 đồng/kg. Với giá đầu vào như hiện nay, chi phí mua heo giống gần 2 triệu đồng/con, chi phí mua thức ăn công nghiệp khoảng 3 triệu đồng để nuôi heo đạt trọng lượng 100kg/con.
Ngoài ra, còn chi phí đầu tư chuồng trại, điện nước, công chăm sóc, thú y phòng bệnh… Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi lãi gần 1 triệu đồng/con.
Về tình hình kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi tại Hậu Giang đang được thực hiện khá tốt. Trong tháng 9, phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi xảy ra trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Tổng số heo bệnh chết và tiêu hủy là 12 con, với trọng lượng 144 kg. Dịch bệnh đã được phát hiện kịp thời và khống chế, không có chiều hướng lây lan ra diện rộng. Tính từ ngày tiêu hủy cuối cùng (cuối tháng 9) đến nay trên địa bàn tỉnh không có heo bệnh và chết do dịch bệnh.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y và Thủy sản Hậu Giang và lực lượng ở các Trạm cơ sở, tăng cường giám sát chặt tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.
Thường xuyên thống kê lại đàn vật nuôi hiện có để chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Tổ chức các đợt tiêm vacxin phòng các bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi tại các địa phương có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vacxin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch. Phấn đấu luôn bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vacxin.
Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao.
Lực lượng Thú y đã thực hiện và giám sát công tác tiêu độc, khử trùng thường xuyên phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra, nhân viên thú y còn giám sát việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng được 547.000m2 tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, tình hình nguồn cung lượng thịt hơi trên địa bàn luôn được duy trì ổn định. Theo ông Cường, trung bình các chuồng trại chăn nuôi heo sẽ xoay vòng đạt từ 1,5 – 1,8 lúa/năm.
Với tổng đàn heo của tỉnh gần 150.000 con một năm sẽ sản xuất được từ 250.000 – 260.000 con heo thịt. Trung bình mỗi tháng sẽ cung cấp ra thị trường từ 16.000 – 18.000 con heo thịt để giết mổ.
Trong trường hợp thiếu cục bộ trên địa bàn tỉnh hiện có các trại chăn nuôi lớn của các công ty và các trạm trung chuyển heo liên tỉnh, sẵn sảng điều tiết để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra tăng giá đột biến.
Chăn nuôi an toàn sinh học
Tại Kiên Giang, các trang trại, gia trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở huyện Gò Quao, Châu Thành và Giồng Riềng đều có kế hoạch đẩy mạnh tái đàn và tăng số lượng đầu vật nuôi. Cùng với đó là áp dụng các biện pháp chăn nuôi tiết kiệm theo hướng an toàn sinh học mà ngành chăn nuôi và thú y đã khuyến cáo.
Là một trong những hộ chăn nuôi trang trại ở xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, bà Thị Sơn cho biết, gia đình thường duy trì từ 6-8 con heo nái sinh sản để tự đáp ứng nhau cầu con giống, còn dư mới cung ứng cho các hộ dân trong và ngoài xã.
Để nghề chăn nuôi đạt hiệu quả, bà Sơn áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo sự khuyến cáo của ngành chuyên môn, vệ sinh chuồng trại định kỳ, đảm bảo cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ. Nhờ đó, mỗi năm gia đình bà sơn đều xuất bán 2-3 lứa heo thịt, với số lượng hàng trăm con.
Theo ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, những năm gần đây, số hộ chăm nuôi heo nhỏ lẻ giảm, các hộ quyết tâm giữ nghề thì tập trung đầu tư chuồng trại bài bản.
Cùng với đó, người chăn nuôi cũng chọn lựa mua con giống kỹ lưỡng, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Nhờ đó, góp phần cùng địa phương phòng ngừa tốt dịch bệnh trên đàn heo nói riêng, gia súc gia cầm nói chung nên người dân có thể yên tâm tái đàn.
Hiện nay, giá heo hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi của địa phương phục hồi phát triển trong thời gian tới.
Để đảm bảo chăn nuôi phát triển ổn định, ngành nông nghiệp các địa thường xuyên theo dõi tình hình chăn nuôi, khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi, nhất là nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tăng cường quản lý đàn vật nuôi, triển khai đầy đủ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú Y tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có đàn heo khoảng 238.000 con lợn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân đàn heo tăng số lượng là do từ đầu năm 2024 đến nay giá heo hơi trên thị trường tăng và duy trì ở mức khá nên người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.
Để giảm chi phí, chăn nuôi hiệu quả, nhiều hộ áp dụng biện pháp nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, tiết kiệm thức ăn để tăng lợi nhuận cho gia đình.
Cùng với đó, bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và một số tỉnh ở miền Tây được khống chế, hạn chế tối đa việc lây lan diện rộng trong nhiều tháng qua chính là điều kiện tốt để người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn, lấy lại đà tăng trưởng của ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo đánh giá thì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được tỉnh tăng cường nhằm hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Mặc dù tổng đàn heo trên địa bàn Kiên Giang tăng tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 238.000 con. Tuy nhiên, tốc độ tăng đàn còn chậm, trong 10 tháng đầu năm 2024 tổng đàn mới đạt 75% so với kế hoạch đề ra. Vì vậy, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển chăn nuôi, phấn đấu nâng tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt trên 317.000 con.
Nguồn: nongnghiep.vn