Hiện, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ cao trong ngành chăn nuôi của Tây Ninh, với khoảng 20%. Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ của Tây Ninh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn dịch bệnh, ô nhiễm môi trường khá phổ biến.
Ngoài môi trường, các mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng… vẫn còn nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh khá cao.
Không những thế, chăn nuôi nông hộ đang đặt ra nhiều thức thức về môi trường. Nguyên nhân là người dân chưa biết cách xử lý chất thải, để nước và chất thải rắn xả thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống xung quanh. Do đó, ngành chăn nuôi được yêu cầu cần lột xác thật sự bằng cả lượng và chất. Trong đó, cần chuyển dịch sang chăn nuôi an toàn sinh học trong thời gian sớm nhất là điều bắt buộc.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định, ngành nông nghiệp địa phương cần tổ chức lại các khâu sản xuất nhằm phát triển đúng hướng và tạo ra cơ hội mới cho ngành, như chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh, sẽ là đòn bẩy để tỉnh đưa các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu xa hơn.
“Tây Ninh sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ với công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao”, ông Chiến chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có huyện Tân Châu được công nhận là vùng an toàn dịch bệnh. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, dự kiến đến tháng 12/2024, Tây Ninh sẽ có thêm 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện tại Tân Biên và Gò Dầu đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà.
“Đây là cơ sở để Tây Ninh trở thành điểm đến lý tưởng với các doanh nghiệp ngành chăn nuôi nói chung, nông nghiệp nói riêng, tìm kiếm cơ hội mới đầu tư”, bà Loan cho hay.
Ngoài ra, huyện Dương Minh Châu cũng đã đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Huyện Bến Cầu đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.
Việc đẩy mạnh xây dựng các vùng, chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh chăn nuôi mà còn đảm bảo nguồn cung sản phẩm chăn nuôi cho thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Tỉnh Tây Ninh xác định việc xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh động vật là vô cùng quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh thường xuyên thực hiện công tác đánh giá định kỳ đúng theo quy định và thẩm định cấp mới, cấp lại cho các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh khi có yêu cầu của người chăn nuôi. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 71 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, trong đó có 49 cơ sở chăn nuôi gà, 21 cơ sở chăn nuôi lợn và 1 cơ sở chăn nuôi bò.
Một trong những thành công trong việc chuyển mình mạnh mẽ trong quyết tâm thực hiện chuyển đổi là Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận các chủ trương đầu tư của doanh nghiệp chăn nuôi có tiếng về đóng quân trên địa bàn. Trong đó phải kể đến Công ty TNHH De Heus, Vinamilk, Tập đoàn Hùng Nhơn, Công ty Chăn nuôi BaF, Công ty TNHH QL Việt Nam Agroresources…
Đối với chăn nuôi nhỏ lẻ, hệ thống thú y các cấp cũng tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giám sát và chủ động các biện pháp khoanh vùng, dập dịch khi có nguy cơ. Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi của Tây Ninh trong những năm gần đây luôn duy trì ở mức tối thiểu 80%. Trong đó, lực lượng thú y cơ sở sẽ tiến hành tiêm vacxin miễn phí cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và các trang trại sẽ tự chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình.
Đến nay, Tây Ninh có 580 trang trại chăn nuôi gia súc (gồm 128 trang trại chăn nuôi lợn, 49 trang trại chăn nuôi trâu và 403 trang trại chăn nuôi bò) và 111 trang trại chăn nuôi gia cầm. Trong đó, hai huyện Tân Châu và Tân Biên có số lượng trang trại tập trung nhiều nhất.
Nguồn: nongnghiep.vn