Buổi hội thảo đã mang đến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp những kiến thức thiết thực để phát triển thương hiệu một cách bài bản và hiệu quả. Hơn 80 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã nông lâm thủy sản, và chủ thể sản phẩm OCOP đã tham gia buổi tập huấn. Cơ bản đều thể hiện sự quan tâm và mong muốn được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Bà Lưu Thị Tuyến, Giám đốc Công ty Tâm Phúc, cho biết, việc phát triển lĩnh vực cung ứng thực phẩm từ năm 2003 và đã đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, mặc dù sản phẩm của Công ty Tâm Phúc được thị trường đón nhận, bà Tuyến nhận thức rõ ràng rằng, việc vươn ra thị trường quốc tế và tiếp cận các kênh phân phối cao cấp như siêu thị đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc vào việc xây dựng thương hiệu.
“Cuộc hội thảo hôm nay thực sự ý nghĩa, đáp ứng nhu cầu thiết thực của các doanh nghiệp như chúng tôi. Tôi mong muốn được tư vấn để sớm đưa sản phẩm vươn xa, tiến tới xuất khẩu”, bà Tuyến chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Thương hiệu Sao Kim, khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Tuấn cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tạo ra sự khác biệt bằng cách xây dựng thương hiệu riêng.
“Tôi đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về thương hiệu, cách xây dựng thương hiệu hiệu quả, vai trò của thương hiệu, và những kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng thương hiệu nông sản. Nội dung buổi hội thảo đã được cô đọng tối đa để phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Tuấn cho hay.
Theo bà Trần Thị Nghĩa – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN-PNNT Hải Phòng), những năm qua ngành nông nghiệp thành phố đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông sản, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, tập trung vào việc quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện thương mại.
Song song với việc tham gia các sự kiện thương mại, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 340 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trong đó có 170 cơ sở sản xuất.
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, Hải Phòng đã triển khai nhiều chương trình phối hợp giữa các địa phương nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng nông sản. Thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại được cung cấp đến các cơ quan liên quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường và phát triển sản xuất.
Hải Phòng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, kết nối và giới thiệu hơn 300 mã sản phẩm của 100 doanh nghiệp lên các sàn Postmart.vn và Voso.vn.
“Việc tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về thương mại điện tử cho nông dân, góp phần thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm, cũng được triển khai thường xuyên. Hải Phòng đã và đang sử dụng các nền tảng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tiêu thụ sản phẩm, tăng cường tương tác với khách hàng, giúp sản phẩm tiếp cận nhiều người tiêu dùng”, bà Nghĩa cho hay.
Năm 2023, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng đã tổ chức 10 hội thảo xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ 18 doanh nghiệp tham gia 6 hội chợ trên toàn quốc, giới thiệu sản phẩm nông sản và OCOP đến người tiêu dùng. Hơn 80% sản phẩm OCOP của thành phố đã được giới thiệu tại các sự kiện trên cả nước, góp phần nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm địa phương.
Nguồn: nongnghiep.vn